Tuyển trạch viên bóng đá - công việc có thực sự đáng mơ ước?

09:33 Thứ ba 30/06/2015

Mùa chuyển nhượng châu Âu đang bước vào giai đoạn nóng bỏng và cụm từ “tuyển trạch viên bóng đá” được nhắc đến ngày càng nhiều. Vậy họ là ai và công việc này cụ thể là gì?

Trang Guardian vừa phải mở một tiểu mục bên trong mục “Chuyển nhượng nóng” để giải thích về một công việc đang nhận được rất nhiều câu hỏi trong thời gian gần đây: Tuyển trạch viên bóng đá.

Trong mắt rất nhiều NHM, tuyển trạch viên bóng đá giống như một người đi du lịch khắp thế giới miễn phí, dự khán các trận đấu bóng đá miễn phí và nếu "thấy cầu thủ nào hay hay" thì viết e mail gửi về cho CLB chủ quản. Một công việc tương đối nhẹ nhàng và thú vị.

Tuyển trạch viên bóng đá là những người đi tìm kiếm và phát hiện những tài năng trên khắp thế giới. Ảnh: Internet.

Đặc biệt trong mùa chuyển nhượng, tuyển trạch viên được đi khắp nơi. Từ kinh đô hoa lệ Paris cho tới những sân cỏ Nam Mỹ rực lửa. Mới đây, một tuyển trạch viên có tên Andy Penney đã đăng hàng loạt ảnh đi du lịch khắp thế giới lên trang Twitter của mình và khiến không ít NHM cảm thấy làm tuyển trạch viên quả là một nghề trong mơ.

Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn trái ngược với hình dung của chúng ta. Để gói gọn nghề tuyển trạch viên bóng đá, tờ Guardian viết một câu rất ngắn: 8 giờ làm việc trên sân, 13 trang báo cáo, 2h sáng đi ngủ, mắt căng cả ngày, đầu óc hoạt động liên tục, dạ dày trống rỗng và lương cứng mỗi ngày là… 4 bảng Anh.

Công việc của những tuyển trạch viên bóng đá không đơn giản và dễ dàng như nhiều người nghĩ. Ảnh: Internet.

Tuyển trạch viên thực tế có 2 loại: Loại 1, như chúng ta thường thấy, là những nhân vật đi săn cầu thủ giỏi. Còn một loại nữa: Những nhân vật đi dự khán các trận đấu để phân tích chiến thuật và gửi về cho CLB chủ quản.

Với loại 1, loại đi săn cầu thủ: Mức lương của họ thường là từ 4-10 bảng Anh mỗi ngày làm việc. Nếu cầu thủ họ gửi về sau đó được CLB chủ quản ký hợp đồng, họ sẽ nhận thêm… 25 bảng tiền bồi dưỡng.

Còn loại đi phân tích chiến thuật còn khủng khiếp hơn. Trong cuốn sách The Nowhere Men, tác giả Michael Calvin viết: Mỗi bản báo cáo của nhóm đi phân tích chiến thuật thường dài từ 10 – 13 trang và để hoàn tất bản báo cáo của mình, họ phải làm việc từ tối đến rạng sáng hôm sau.

Dave Webb, tuyển trạch viên đã phát hiện ra tài năng của Wilfried Zaha khi cầu thủ này mới 13 tuổi cho biết, họ là những người làm việc trong bóng tối. Lấy đơn cử một CLB như Man United chẳng hạn. Sau khi một bản hợp đồng được ký, người ta cùng lắm là biết tên cầu thủ, người đại diện của cầu thủ này, người đại diện của Man United, HLV Man Untied và các chức vị khác như Giám đốc điều hành, giám đốc kỹ thuật.

Wilfried Zaha đã được các tuyển trạch viên của Man United phát hiện khi mới 13 tuổi. Ảnh: Internet.

Không ai biết được để cầu thủ đó đến với Man United, một tuyển trạch viên đã phải làm việc trong bao nhiêu tiếng đồng hồ và mức lương họ nhận được chưa bằng 1/10.000 tiền mà người đại diện của cầu thủ đó được trả.

Còn về chuyện đi du lịch khắp thế giới, Mel Johnson, trưởng bộ phận tuyển trạch của Liverpool gói gọn trong một câu: “Nếu xe ô tô của bạn chưa đi ít nhất… 300.000 km trong vòng 3 năm, bạn tuyệt đối không phải một tuyển trạch viên giỏi.” Johnson muốn nói: Chả có chuyến đi nào miễn phí cả. Để tới được nơi cần tới, đôi khi các tuyển trạch viên phải tự lái xe hàng chục tiếng đồng hồ với chỉ 2 chiếc bánh mỳ kẹp thịt.

Tuyển trạch viên bóng đá - những người luôn phải "làm việc trong bóng tối". Ảnh: Internet.
Thái Học | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục