Nhìn Rashford, thấy sự độc hại trên mạng ảo thật đáng sợ

17:47 Thứ ba 28/05/2024

Marcus Rashford là trường hợp mới nhất chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các nền tảng mạng xã hội.

2023/2024 là một mùa giải không thành công với Marcus Rashford, nếu không muốn nói là thất bại. Chỉ ghi được 7 bàn thắng sau 33 lần ra sân là thống kê quá tệ của chân sút được kỳ vọng hàng đầu ở một CLB đẳng cấp như Manchester United, khiến Rashford cũng mất luôn suất dự Euro 2024.

Như một lẽ tất nhiên, thắng làm vua, thua bị chỉ trích. Chân sút mang áo số 10 của MU đã hứng chịu làn sóng chỉ trích dữ dội từ trên mạng xã hội, cho đến cự cãi cả trên sân ngay trong phần khởi động trước trận chung kết FA Cup. Ngay sau khi mùa giải khép lại, Rashford đã tuyên bố rời khỏi các nền tảng mạng xã hội, như một cách để xả hơi, giải toả sau một mùa giải quá căng thẳng.

Marcus Rashford phải tạm rời xa mạng xã hội sau quãng thời gian liên tục bị công kích, chỉ trích dữ dội.

Trường hợp của Rashford cũng không phải lần đầu tiên ở mùa giải vừa qua, chúng ta thấy các tiền đạo hàng đầu ở giải Ngoại hạng Anh phải chịu áp lực khủng khiếp đến từ các nền tảng mạng xã hội. Đầu tháng 5, Darwin Nunez đã xoá tất cả các hình ảnh, bài đăng có liên quan đến đội bóng chủ quản Liverpool. Tuyển thủ Uruguay sau đó đã khôi phục những bài đăng này, đồng thời giải thích hành động của mình là cách phản ứng với những bình luận tiêu cực thái quá mà một bộ phận cổ động viên đã nhắm vào anh.

Cũng liên quan đến Liverpool, hình ảnh cự cãi với HLV Jurgen Klopp trên sân của West Ham đã khiến Mohamed Salah bị chỉ trích mạnh mẽ trên các diễn đàn cổ động viên The Kop từ nước Anh đến quốc tế. Hay Erling Haaland với một chuỗi phong độ kém cỏi, bị Roy Keane mỉa mai “đá như tiền đạo hạng Tư” cũng phải hứng chịu áp lực mạng ảo tương tự. Cách phản ứng mà Salah và Haaland lựa chọn là im lặng và tiếp tục làm việc của mình, nhưng không phải ai cũng có thể bản lĩnh được như họ.

Những ngôi sao hàng đầu như Salah hay Haaland cũng ngày càng bị áp lực từ mạng xã hội, gióng lên một hồi chuông cảnh báo về độ độc hại của mạng ảo với cầu thủ.

Thời kỳ mạng xã hội lên ngôi quả thật mang đến cho các cầu thủ rất nhiều thuận tiện, khi vị thế ngôi sao của họ từ trên sân có thể được khuếch trương tới cộng đồng hâm mộ rộng lớn, mang lại vô vàn cơ hội gia tăng giá trị hình ảnh và tận dụng nó để thăng tiến trong sự nghiệp. Tuy nhiên, mặt trái của môi trường ảo này là những thời điểm đạt phong độ không cao, các cầu thủ sẽ dễ trở thành “con dê tế thần” để các cổ động viên quá khích “ném đá”, miệt thị, mạt sát dưới những tài khoản ẩn danh gần như không thể bị đụng tới.

Đó rõ ràng là sự độc hại mà khi nhìn lại những trường hợp của Nunez, Rashford hay Salah, Haaland đã nêu ở trên, dù có thể giận họ ở những quãng phong độ hay thái độ chưa ổn, chúng ta cũng phải dành sự thương cảm cho họ. Với tần suất ngày một nhiều hơn các cầu thủ bị công kích trên mạng xã hội đến mức phải phản ứng tiêu cực, có lẽ đã đến lúc để những động thái quyết liệt hơn được đưa ra, nhằm bảo vệ các cầu thủ khỏi sự độc hại được tạo ra từ môi trường mạng ảo.

(Bạn đọc: Ngọc Bách)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

Vũ Ngọc Bách | 00:00 30/11/-0001
TỪ KHOÁ
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục