Người hùng thầm lặng sau chức vô địch của M.U: Ngả mũ trước “Carrington Lab”

21:59 Thứ ba 14/05/2013

Với chức VĐ Premier League lần thứ 13 chỉ trong 27 năm dẫn dắt M.U, Sir Alex Ferguson đã có một cuộc chia tay trọn vẹn. Tuy nhiên khoản đầu tư then chốt dẫn đến thành công của đội chủ sân Old Trafford trong mùa giải năm nay chưa chắc đã nằm dưới dạng 48 triệu bảng đổ vào thị trường chuyển nhượng, mà lại là 25 triệu bảng được sử dụng để cải tạo hệ thống y tế ở trung tâm tập luyện Carrington.


Bài viết cung cấp độc quyền bởi




Cuộc cách mạng y tế

Năm ngoái, M.U trải qua một mùa bóng thất bát trên hầu như tất cả các mặt trận. Họ đánh mất ngai vàng Premier League vào tay Man City, bị loại sớm ở cả Cúp FA lẫn Cúp Liên đoàn và phải rời khỏi Champions League ngay sau vòng đấu bảng. Khi chuyển xuống đấu trường Europa League, “Quỷ đỏ” cũng phải dừng chân ở vòng 1/16 và danh hiệu duy nhất của thầy trò Ferguson trong mùa 2011/12 chỉ là chiếc cúp Community Shield an ủi. Tuy nhiên cũng khó có thể đổ lỗi cho những người làm công tác chuyên môn ở sân Old Trafford, bởi M.U đã liên tục phải sống chung với cơn bão chấn thương trong suốt mùa bóng, với danh sách bệnh nhân bao gồm rất nhiều gương mặt đá chính như Vidic, Rooney, Ferdinand, Nani, Young, Cleverley, Fletcher, Rafael, Valencia, Chicharito, Giggs, Welbeck… Chỉ tính các ca chấn thương tương đối nghiêm trọng (vắng mặt trên 14 ngày), M.U đã phải đón nhận 39 trường hợp tất cả - nhiều nhất ở Premier League mùa giải trước và gần gấp đôi mức trung bình (20,5 ca/CLB). Với số hồ sơ bệnh án này, các cầu thủ M.U đã phải nghỉ thi đấu tổng cộng 1.681 ngày, cũng là con số cao nhất giải Ngoại hạng và gấp gần 10 lần Man City. Mùa giải trước, nửa xanh thành phố Manchester chỉ phải chịu 7 trường hợp chấn thương đáng kể và tổng thời gian vắng mặt của các “thương binh” cũng chỉ là 186 ngày.


Vì thế, M.U đã quyết định bỏ ra 20 triệu bảng để nâng cấp trung tâm tập luyện Carrington, mà chủ yếu là hệ thống trang thiết bị y tế, vào tháng 10/2012. Trong đó, riêng bản hợp đồng mua dụng cụ y tế từ công ty Toshiba Medical (lần đầu tiên một CLB bóng đá ở Vương quốc Anh ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với một hãng dụng cụ y tế) trong vòng 5 năm đã có giá 12 triệu bảng.

Chữ ký giá trị nhất

Thực ra M.U đã nung nấu tham vọng xây dựng một chương trình y tế đẳng cấp thế giới từ lâu, sau khi chứng kiến thành công rực rỡ của Milan Lab những năm đầu thế kỷ mới (giúp Milan giảm tới 80% số lượng chấn thương và kéo dài sự nghiệp của hàng loạt lão tướng như Maldini, Cafu, Costacurta, Inzaghi…), nhưng mãi đến gần đây dự án “Carrington Lab” mới được hoàn tất. Năm 2011, M.U đã mời Sir Clive Woodward, cựu HLV trưởng ĐT bóng bầu dục Anh tư vấn về cách ứng dụng khoa học vào việc phòng tránh chấn thương. Trên cơ sở đó, họ bắt đầu xúc tiến tìm kiếm một đối tác trong lĩnh vực y học và đến năm 2012 thì M.U được Damien Comolli, cựu GĐTT Liverpool, giới thiệu ký hợp đồng với Toshiba Medical. Theo đó, Toshiba có trách nhiệm cung cấp loại máy chụp cộng hưởng từ (MRI) mới nhất, với độ chính xác cao gấp đôi tiêu chuẩn thông thường để giúp các chuyên gia của M.U phát hiện các dấu hiệu căng cơ và giãn dây chằng sớm tới 6 tháng. Nếu không may dính chấn thương, các cầu thủ sẽ được yêu cầu tập chạy trong một bể bơi đặc biệt (có lắp camera dưới đáy để theo dõi) nhằm giảm bớt tác động của trọng lực lên vết thương. Kết quả thu được rất tích cực: mùa này, số ca chấn thương cơ bắp (bao gồm cơ háng, cơ đùi, gân khoeo, gân achilles) của M.U giảm đáng kể và những chấn thương nặng nhất đều thuộc loại “không thể phòng tránh” như đầu gối (Vidic) hay mắt cá (Young, Phil Jones). Bên cạnh đó thì các lão tướng như Giggs, Scholes, Ferdinand vẫn duy trì được thể trạng tốt và ra sân tổng cộng 81 trận trên tất cả các đấu trường, và không phải tự dưng mà Sir Alex mới nhắc đến dự án Carrington như là “chữ ký giá trị nhất của tôi”.

Vận hành như thế nào?

Tất nhiên, “Carrington Lab” sẽ không thể vận hành hiệu quả nếu thiếu sự can thiệp của con người. Tiến sĩ Tony Strudwick, HLV thể lực của M.U cho biết nhóm của ông thu thập số liệu về 29 biến số khác nhau, từ số phút thi đấu/tập luyện, số lần bứt tốc cho đến nhịp tim và hệ số trao đổi chất trong vòng khoảng 200 buổi tập và 50 trận đấu mỗi mùa. Một khi cầu thủ nào đó có nguy cơ bị quá tải, anh ta sẽ được yêu cầu giảm cường độ vận động, hoặc thậm chí là nghỉ một vài buổi tập để tránh chấn thương. Chưa hết, các cầu thủ sẽ đeo một thiết bị định vị toàn cầu (GPS) ở sau lưng để xác định quãng đường di chuyển của mỗi người trong khi tập luyện, và ngay sau mỗi buổi tập thì họ có thể đối chiếu lại kết quả đạt được với mục tiêu đề ra. Thậm chí M.U còn đi xa hơn khi phân tích cả độ sâu trong giấc ngủ của mỗi cầu thủ, bởi như Strudwick khẳng định thì “điều đó có thể giúp họ cải thiện vài % thể trạng, nhảy cao hơn vài cm và đôi khi đó chính là sự khác biệt giữa ghi bàn với không ghi bàn”.

Không chỉ là khâu chuẩn bị trước trận đấu, phương án tập hồi phục cũng được thiết kế rất chi tiết. Mỗi cầu thủ sở hữu biểu đồ hồi phục khác nhau, có người kiệt sức ngay sau khi thi đấu nhưng có người phải trải qua 2-3 ngày mới cảm thấy mệt và nhiệm vụ của Strudwick cùng các đồng nghiệp là phải quản lý từng cá nhân một cách tối ưu. Thông thường, trong ngày hôm sau trận đấu các cầu thủ M.U sẽ đạp xe khoảng 15 phút, sau đó thực hiện một số bài tập thả lỏng cơ bắp, ngâm mình trong bể bơi và sau đó mỗi người sẽ tập gym theo một giáo án riêng biệt. Nói như Giggs thì “sự khác biệt giữa phương pháp tập luyện bây giờ so với hồi tôi mới khởi nghiệp giống như là từ Trái đất lên Mặt trăng vậy”. Bây giờ thì còn ai bảo Sir Alex – người đã tích cực thúc đẩy việc đưa hệ thống này vào vận hành – là một ông già bảo thủ nữa không?

M.U thành công nhờ… Liverpool

Người Liverpool có lẽ không thích nghe điều này, nhưng trường đại học John Moores (JMU) của thành phố cảng vùng Tây Bắc nước Anh đã có đóng góp đáng kể vào những thành công của kình địch Man United. JMU là nơi Strudwick lấy bằng Tiến sĩ về vật lý trị liệu năm 2005 và sau khi chuyển đến Old Trafford vào năm 2009 thì Strudwick đã lôi kéo người đồng môn David. M.Kelly, nguyên là Trưởng bộ phận khoa học thể thao của Barnsley và Darlington về đảm nhiệm vai trò chuyên gia thể lực. Hiện Kelly đang viết luận án Tiến sĩ với nội dung “lịch tập luyện tối ưu cho các cầu thủ M.U trong từng giai đoạn của mùa bóng” với sự trợ giúp của JMU. Ngoài ra, một cố vấn về khoa học thể thao của M.U là tiến sĩ Warren Gregson cũng đang nằm trong biên chế của trường đại học 21 năm tuổi này.

Bí quyết mùa Đông

Đã thành thông lệ, trong khi các đối thủ trầy trật với lịch thi đấu dày đặc thì năm nào M.U cũng bứt phá rất tốt trong giai đoạn Giáng sinh và năm mới. Hóa ra bí kíp của “Quỷ đỏ” khá đơn giản: trong mùa Đông, nước Anh có rất ít ánh nắng và các cầu thủ (đặc biệt là những người da màu) thường rơi vào tình trạng thiếu vitamin D, do đó ảnh hưởng đáng kể đến phong độ trên sân của họ. Để khắc phục điều này, M.U sử dụng một chiếc giường đặc biệt, trên đó có lắp đèn chiếu tia cực tím. Cứ ba lần một tuần, các cầu thủ sẽ nằm vào đây sau mỗi buổi tập để nạp thêm vitamin D và hiệu quả thì tất cả mọi người đã biết.
Quang Hải | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục