Năm điều rút ra từ trận thắng tệ hại của Liverpool

13:42 Thứ ba 21/10/2014

(TinTheThao.com.vn) - Liverpool đã có một trong những chiến thắng may mắn nhất dưới thời HLV Brendan Rodgers trước QPR. Thường thì sau mỗi chiến thắng của đội bóng mình yêu thích, các cổ động viên đều có lý do để ăn mừng. Tuy nhiên, tâm trạng của người hâm mộ nửa đỏ vùng Merseyside thì lại đang ở thái cực ngược lại trước những yếu kém rành rành của đội chủ sân Anfield, nhất là khi trận "đại chiến" với Real Madrid lại đang gần kề.

1. Simon Mignolet là một thủ môn hạng trung. Nhiều người có thể biện luận rằng anh là một thủ thành nghiêng về hướng shot-stopper (chuyên cản phá những cú dứt điểm) hơn là một “người nhện” cứ giơ tay là “dính” bóng theo kiểu Gianluigi Buffon, Iker Casillas (trước kia) hay Peter Cech, và rằng anh đã cứu cho Liverpool không biết bao nhiêu là bàn thua trông thấy trong trận thắng vừa qua ở London.

Tuy nhiên, cái đáng nói ở đây là việc Mignolet hoàn toàn thiếu sự tự tin trong những pha không chiến và hoàn toàn không có tư chất thủ lĩnh mỗi khi anh phải “quán xuyến” hàng thủ của mình trong những tình huống cố định, và hậu quả là Liverpool là một trong những đội tệ nhất trong khoản chống bóng bổng và bóng chết trong hai mùa vừa qua. Rất hiếm khi người ra thấy anh tự tin lao ra bắt bóng bổng hay “chộp” lấy những quả tạt hiểm hóc của đối phương, mà thay vào đó là những cú đấm bóng đầy gượng gạo điển hình là tình huống anh hoàn toàn đấm trượt quả tạt đẹp như vẽ của Bobby Zamora, để Leroy Fer thoải mái đánh đầu đập xà ngang.

Mignolet cản phá tốt bao nhiêu thì lại chơi bóng bổng như mơ ngủ bấy nhiêu

2. Có nói đi thì cũng phải nói lại. Lần gần nhất mà người ta thấy Liverpool có một thành tích vào loại “ưu” trước các đội bóng chơi không chiến và bóng chết tốt là hơn mười năm về trước, dưới thời HLV Gerard Houlier. Đó là khi bộ đôi trung vệ án ngữ trước khung thành Liverpool là Stéphane Henchoz và Sami Hyypía đang ở trên đỉnh cao phong độ. Còn tối qua, Dejan Lovren và Martin Skrtel lại là thể hiện một hình ảnh hoàn toàn ngược lại so với phong độ chói sáng của các bậc đàn anh.

Nhiều người hâm mộ trung thành của Skrtel có thể thi nhau đổ lỗi cho Lovren rằng anh không thực sự là một “thủ lĩnh” hàng thủ như HLV Brendan Rodger vẫn mong đợi, và rằng anh còn quá rườm rà và thiếu hiệu quả khi có bóng trong chân. Tuy nhiên, cầu thủ đáng trách nhất ở hàng thủ Liverpool tối qua lại chính là trung vệ kỳ cựu người Slovakia.

Theo thống kê của Opta và WhoScored, Martin Skrtel là một trong những cầu thủ có số “last-ditch tackle”, nôm na là số lần chuồi bóng cứu thua ngay trước khung thành nhiều nhất trong số các trung vệ ở giải Ngoại Hạng mùa trước. Điều này có nghĩa là anh là một người hùng nơi hàng thủ của Liverpool? Đúng và không đúng.

Đúng là anh có tốc độ, sự dũng cảm và khả năng tắc bóng không chê vào đâu được, nhưng cũng cần phải nhớ rằng những pha bóng đó đến từ chính sự yếu kém về mặt chiến thuật của Skrtel. Anh luôn chọn vị trí sai trong từng pha phòng ngự, luôn đứng quá sâu so với các đồng đội của mình, và hậu quả là bẫy việt vị của Liverpool luôn bị phá bởi … chính Skrtel, điển hình là pha phá bóng dưới mức nghiệp dư ở phút thứ 8, để cho Charlie Austin thoải mái băng xuống dứt điểm khiến Simon Mignolet phải vất vả cản phá và tình huống nguy hiểm ở phút thứ 54, khi Skrtel theo kèm sát Austin khi cầu thủ này đã ở thế việt vị so với ba cầu thủ còn lại của hàng thủ Liverpool.

Skrtel bộc lộ quá nhiều khuyết điểm

3. Nhưng một trong những điều kiện tiên quyết mà một hàng thủ vững chắc cần phải có là sự ổn định về mặt nhân sự. Brendan Rodger cần một ai đó ở Melwood lay tỉnh vì đã đến lúc ông phải thật tỉnh táo để nhận ra rằng ông đang dẫn dắt Liverpool ở giải Ngoại Hạng chứ không phải là Swansea ở giải Hạng Nhất nữa.

Giải Ngoại Hạng không phải là Serie A, nơi HLV Antonio Conte có thể xoay xoành xoạch 2-3 đội hình trong vòng 1 tuần mà vẫn có thể duy trì thành tích bất bại của Juventus trong suốt mấy mùa giải liên tục. Thế mà Rodgers lại “trình làng” một đội hình với hai hậu vệ cánh và một tiền vệ vừa bình phục chấn thương, có nghĩa là 1/3 đội hình của Liverpool tối qua là những cầu thủ chưa đạt phong độ tốt nhất và chưa từng chơi với nhau lần nào.

Điều này dễ dàng thể hiện qua sự áp đảo của QPR ở hiệp một, khi đội bóng vùng Merseyside luôn ở vào thế yếu trong các pha tranh chấp tay đôi, nhất là ở hai cánh, nơi Leroy Fer, Bobby Zamora, Mauricio Isla “làm mưa làm gió”. Brendan Rodgers đã thay một nửa hàng thủ của mình so với trận thắng West Brom trước đó, và rõ ràng là điều này đã khiến bốn cầu thủ phòng ngự của ông chơi chệch choạc vì không hiểu nhau. Có thể lý giải rằng Rodgers muốn “dưỡng” bộ đôi M&M là Alberto Moreno và Javier Manquillo cho trận “thư hùng” với Real Madrid sắp tới, nhưng tại sao lại không “dưỡng” theo một hướng hợp lý hơn như Jose Mourinho vẫn thường làm?

Vốn là một đội bóng phải chơi với một lịch thi đấu dày đặc, Chelsea luôn phải xoay vòng cầu thủ liên tục để giữ gìn sức khỏe cho họ. Và một khi phải xoay vòng như thế, HLV Jose Mourinho luôn có một chính sách hết sức hợp lý, đó là: giữ nguyên bộ khung và chỉ thay thế một hoặc hai vị trí trên sân. Đơn cử như trận gặp Crystal Palace vừa qua, vị HLV người Bồ chỉ thay Diego Costa bằng Loic Remy và Ramires bằng Oscar, những người đã được ông cho nghỉ trong trận gặp Everton để dưỡng sức. Không lạ khi Oscar chơi bùng nổ và ghi bàn giúp Chelsea có được trận thắng nhàn nhã trước Palace.

Quan trọng hơn, HLV Mourinho đã không hề động đến hàng thủ cực kỳ vững chắc của mình, mặc dù ông có những phương án thay thế rất đắc lực từ trên hàng ghế dự vị. Đó là bởi vì vị HLV nổi tiếng với lối chơi phòng ngự chặt chẽ này hiểu rất rõ nguyên tắc quan trọng nhất của một hàng thủ “tường đồng vách sắt”: sự hiểu ý và bọc lót tốt cho nhau. Brendan Rodgers đã chơi một canh bạc rất liều lĩnh khi “thay máu” một nửa hàng thủ của mình, và ông suýt nữa đã phải trả giá khi Liverpool chơi như mơ ngủ những phút cuối trận và để lọt lưới hai bàn, cả hai đều bắt nguồn từ lỗi của hai hậu vệ cánh.

Sai lầm của Brendan Rodgers trực tiếp dẫn đến bàn thua của Liverpool

4. Ấy vậy mà Brendan Rodgers vẫn tiếp tục tin dùng Mario Balotelli. Cầu thủ người Italia đã chơi gần 10 trận cho Liverpool và chưa làm được điều gì cho đội bóng ngoài một bàn thắng trước Ludogorets. 6 trận và 0 bàn thắng ở giải Ngoại Hạng là một thành tích quá tồi đối với một cầu thủ có giá 16 triệu bảng. Cầu thủ có biệt danh Super Mario không chạy chỗ, chuyền bóng cực tệ và cứ có bóng trong chân là sút, mặc dù anh đang đứng cách khung thành hàng chục mét. Đã vậy, Mario Balotelli còn không tỏ ra nhiệt tình trên sân. Anh thi đấu vật vờ và thường xuyên tỏ ra "giận dỗi" mỗi khi đồng đội không chuyền bóng cho mình.

Nhưng Balotelli lại không chạy chỗ mà lại muốn đồng đội chuyền thẳng vào chân mình, trong khi tập thể Liverpool thì lại quen với điều ngược lại. Điều này thể hiện ở tình huống Raheem Sterling đột phá từ cánh trái vào trung lộ rồi chuyền một đường rất đẹp, xẻ dọc hàng thủ QPR, nhưng trái với dự tính của tiền vệ người Anh, Balotelli không những không chạy chỗ để đón đường chuyền mà còn phản ứng lại vì cho rằng Sterling đã chuyền kém. Và rồi ít phút sau đó, chính Balotelli cũng không thể bào chữa cho chính mình khi anh sút bóng lên trời trong một tình huống mà đến thủ thành Simon Mignolet cũng có thể ghi bàn. Với việc Balotelli đang nhiễm phải "hội chứng Torres" hay "căn bệnh Bendtner" như trên thì việc Brendan Rodgers tiếp tục tin dùng tiền đạo người Ý là một dấu chấm hỏi cực lớn.

Balotelli xứng đáng nhận những lời chỉ trích gay gắt nhất

5. Cũng may là Liverpool còn có Raheem Sterling. Trong một buổi chiều khó khăn khi phải trở lại nơi mình đã khởi nghiệp quần đùi áo số và nhận được sự đón tiếp không mấy nồng hậu của CĐV đội nhà, Sterling đã chơi như lên đồng. Bỏ qua tất cả những áp lực từ báo chí và giới mộ điệu nước Anh sau vụ lùm xùm với HLV Roy Hodgson ở cấp độ đội tuyển, cầu thủ gốc Jamaica đã khiến tất cả những kẻ chỉ trích anh phải câm lặng.

Tận mắt chiêm ngưỡng sự tinh quái, tốc độ và nhãn quang chiến thuật của Sterling, ít ai nghĩ rằng anh mới chỉ 19 tuổi. Steven Gerrard đã không quá lời khi phát biểu trong bài phỏng vấn sau trận đấu rằng chỉ trong vài năm nữa thôi, Sterling sẽ là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất châu lục. Bởi lẽ, cả ba bàn thắng của Liverpool, dù có phần may mắn, đều in đậm dấu giày của Sterling.

Ở bàn đầu tiên, sau khi nhận thấy có đến bốn, năm cầu thủ đội nhà đang quay lưng lại với bóng, RS31 đã nhanh trí đá phạt nhanh cho Glen Johnson tạt vào vòng cấm khiến Richard Dunn lóng ngóng đốt lưới nhà. Trong bàn thắng thứ hai, cũng chính anh là người đã đi bóng lắt léo loại ba cầu thủ QPR trước khi tỉa bóng cho Gerrard, trước khi đội trưởng Liverpool chuyền cho Coutinho ghi bàn.

Và bàn thắng cuối cùng chính là sự tóm lược một cách gọn gàng và chính xác nhất về tài năng sáng chói của tuyển thủ Anh. Từ việc chọn vị trí đến di chuyển không bóng và khả năng bứt tốc, Raheem Sterling đều làm tốt một cách đáng kinh ngạc. Đường chuyền cho Mario Balotelli của Sterling cũng đủ hiểm hóc để khiến pha phá bóng của Caulker biến thành một thảm họa cho đội bóng thành London.

Không có Sterling, chắc chắn Liverpool đã thua tan nát

Liverpool đã vất vả trong nhiều năm nay để xóa đi cái mác “đội bóng một người” mà người ta dùng để gọi từ Steven Gerrard đến Fernando Torres và mới đây nhất là Luis Suarez. Tuy nhiên, với phong độ phập phù hiện tại và sự trỗi dậy của “vị cứu tinh” mới mang tên Raheem Sterling, Liverpool sẽ còn phải chờ lâu trước khi họ thoát khỏi cái biệt danh không lấy gì làm vinh quang này.
Bạch Yên | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục