Bầu Đức đã bỏ ra không ít công sức và tiền của để chiêu mộ Lee Nguyễn. Năm 2009, ông chủ tập đoàn HAGL tổ chức hẳn một lễ ký kết hợp đồng rình rang tại khách sạn Rex - TP.HCM, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Sau khi chính thức chiêu mộ thành công Lee Nguyễn với một bản hợp đồng 3 năm, mức lương lên tới 10.000 USD/tháng (chưa tính 50.000 USD phải trả cho môi giới), bầu Đức tuyên bố “99% chức vô địch năm nay là của HAGL”.
Những điều trên đã chứng tỏ sự đặc biệt của Lee Nguyễn. Được kỳ vọng cao như thế, nhưng kết cục Lee Nguyễn đã không thể trụ lại V-League. Đá được ở HAGL được vỏn vẹn 24 trận, Lee Nguyễn chuyển sang đầu quân cho B.Bình Dương. Tuy nhiên, cũng chỉ được 1 năm, Lee Nguyễn phải khăn gói ra đi, trở về Mỹ.
Không có bóng thì đến Messi và Ronaldo cũng không chơi tại V-League! |
Thất bại thảm hại tại Việt Nam nhưng tại Mỹ, Lee Nguyễn lại chơi cực hay trong màu áo New England Revolution và HLV Jurgen Klinsamann đã gọi điện báo điền tên Lee Nguyễn vào danh sách ĐTQG Mỹ chuẩn bị đá trận giao hữu với Colombia tại London vào ngày 14.1.Điều này khiến người hâm mộ tự hỏi tại sao cầu thủ Việt kiều sinh năm 1986 lại không trụ lại được V-League, giải đấu mà chất lượng còn lâu mới sánh được với giải bóng đá nhà nghề Mỹ?
“Tôi yêu Việt Nam và muốn được thi đấu tại đây, tuy nhiên, ở đây có nhiều điều mà tôi không thích nghi được. Rất tiếc vì không tiện nói ra”, Lee Nguyễn tâm sự.
Đồng đội của Lee Nguyễn là Việt Thắng từng chia sẻ trên đài truyền hình là Lee Nguyễn có tài nhưng chính kiểu trả tiền của “ông chủ” từ lót tay đến khoản lương gấp sáu lần những cầu thủ giỏi khác khiến Lee Nguyễn chạy rất nhiều mà không có bóng.
Việt Thắng nói rằng hiện tượng “đói bóng” đấy là do Lee Nguyễn bị cô lập và phải đá một mình nên anh có chạy gấp ba cầu thủ thường thì cũng không làm gì được.
"Lee Nguyễn là cầu thủ tài năng, đáng tiếc anh ta không trụ lại được vì không thể thích ứng được với các mối quan hệ lằng nhằng phía sau hậu trường. Ở HAGL hay B.Bình Dương, Lee Nguyễn đều bị cô lập, trong tình trạng như vậy sao trụ được”, ông Nguyễn Văn Vinh chia sẻ.
“Chính lối đá bạo lực theo kiểu chém đinh chặt sắt đã “giết chết” Lee Nguyễn. Lee Nguyễn được đào tạo bài bản, có kỹ thuật, thuộc hàng hiếm, nhưng không thể sống nổi với lối đá triệt hạ của V-League.
Lee Nguyễn tỏa sáng rực rỡ trong màu áo CLB New England Revolution. |
Chưa vào sân mà hàng loạt cầu thủ đã tính làm thế nào để cho Lee Nguyễn nằm cáng rời sân thì làm sao mà đá được. Đọc tin Lee Nguyễn tỏa sáng ở Mỹ mà tôi thấy tiếc, V-League đã mất đi một tài năng hiếm”.
“Không phải cứ có tài là tỏa sáng được ở Việt Nam, còn hàng tá các mối quan hệ lằng nhằng khác. Lee Nguyễn đã không thích ứng được với văn hóa bóng đá Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Vinh kết lại.
Thêm nữa, nguyên nhân Lee Nguyễn không phát huy tốt ở V-League là tự cầu thủ này đánh mất mình qua cách sống từ chuyên nghiệp chuyển sang thiếu chuyên nghiệp.
Đó là Lee Nguyễn học nhanh các thói xấu ở nhiều cầu thủ Việt Nam và cho rằng không phấn đấu, không giữ mình vẫn có suất đá chính nên thay vì giữ sức khỏe, Lee trở nên nổi tiếng ở những bar sang trọng, đắt tiền cùng giới show biz. Lee xuống nhanh lại đá một mình và từ từ bị đào thải khi ông chủ trả lương cao cho Lee cũng không thấy có lợi và thế là chấm dứt hợp đồng.
Mới đây, Lee Nguyễn khẳng định, anh sang V-League thi đấu là vì lý do tài chính. Cụ thể, bầu Đức đã bỏ ra số tiền kếch xù vì mê tài năng của Lee. Hơn nữa, Lee Nguyễn trở lại Mỹ vì khát khao tỏa sáng để được có tên trong đội hình ĐT Mỹ.
Phát biểu và quyết định của Lee Nguyễn không sai và xứng đáng để những người làm bóng đá Việt Nam phải suy ngẫm. Chúng ta phải làm sao để một ngày gần nhất, V-League là sân chơi thu hút được những cầu thủ tài năng như Lee Nguyễn. Càng không ngẫm sao được khi Lee Nguyễn bảo rằng, nếu ở lại Việt Nam, anh sẽ đánh mất cơ hội phát triển và chôn vùi sự nghiệp tại V-League.