Huấn luyện viên của U19 Việt Nam dần trở thành Miura 2.0

21:56 Thứ bảy 29/08/2015

Lứa đàn em của thế hệ Công Phượng đang thể hiện thứ bóng đá khác hẳn lớp đàn anh và mang hơi hướng của nhà cầm quân người Nhật ở ĐTVN cũng như U23 Việt Nam.

Thanh Hậu (phải) không xuất hiện một phút nào trong trận gặp U19 Singapore.

Sát giờ khởi tranh trận U19 Việt Nam - U19 Singapore, nhà báo Đình Khải và các bình luận viên của VTV đều tỏ ra bất ngờ khi 2 tiền vệ tấn công Thanh Hậu, Quang Hải không có tên trong đội hình xuất phát.

Đó cũng là suy nghĩ chung của nhiều khán giả. Vì đá với đội đứng cuối bảng xếp hạng, ngoài mục tiêu giành trọn 3 điểm, U23 Việt Nam cần ghi nhiều bàn thắng để tạo lợi thế về chỉ số phụ.

Thanh Hậu và Quang Hải không chỉ được đánh giá cao ở khả năng chuyên môn mà còn nằm trong nhóm “cựu binh” nhờ kinh nghiệm tham gia U19 Việt Nam cùng lứa Công Phượng trước đây.

Suy luận được đưa ra là có thể HLV Hoàng Anh Tuấn cất những quân bài tốt nhất để chuẩn bị cho trận quyết đấu với U19 Myanmar, vốn được đánh giá cao hơn U19 Singapore.

Nhưng sau 3 trận ở vòng bảng, lối chơi của U19 Việt Nam rõ ràng không được xây dựng xoay quanh 2 cầu thủ nêu trên. Hai trận đầu, Thanh Hậu đều bị thay ra, đến trận thứ 3, anh ngồi dự bị suốt 90 phút. Còn Quang Hải chưa lần nào có tên trong đội hình xuất phát.

Điểm chung của Thanh Hậu và Quang Hải là sự khéo léo, nhưng nhược điểm của họ là hạn chế về thể hình, khả năng tranh chấp.

Trong khi đó, theo đánh giá chung, đội bóng của HLV Hoàng Anh Tuấn có lối chơi dựa vào thể lực và sức mạnh, chứ không phải phiên bản 2.0 của đội bóng được dẫn dắt bởi HLV Graechen trước đây.

Nếu phải kể ra mẫu cầu thủ yêu thích của HLV Hoàng Anh Tuấn, đó phải là Trọng Đại, Trọng Huy, Tiến Dụng, Tấn Tài hay Lâm Thuận, Đức Chinh, Tiến Linh…

Những cái tên vừa nhắc không ai sở hữu chiều cao dưới 1,7 m và thậm chí còn “vọt xà” như Tiến Linh (1,83 m). Đó là tố chất phù hợp hơn với lối chơi đơn giản, sử dụng nhiều bóng dài và bổng của U19 Việt Nam, tương tự ĐTVN và U23 Việt Nam dưới thời HLV Miura.

Tiền đạo Đức Chinh (số 4) gợi nhắc lại hình ảnh của Hải Anh trong màu áo ĐTVN tại AFF Cup 2014.

Đề cao sự an toàn bên phần sân nhà là điểm tương đồng khác giữa HLV Hoàng Anh Tuấn và nhà cầm quân người Nhật. Sau 3 trận, U19 Việt Nam là đội duy nhất ở bảng B chưa để thủng lưới.

HLV Hoàng Anh Tuấn không giấu giếm ý định xây dựng lối chơi dựa trên nền tảng phòng ngự chắc chắn. Ông thường xuyên bố trí đội hình với 2 tiền vệ trung tâm có thiên hướng đá “số 6”, tương tự cặp Huy Hùng - Hoàng Thịnh của HLV Miura.

Một ví dụ khác của tư tưởng “trước hết không thua” là việc U19 Việt Nam thi đấu bằng sơ đồ 4-5-1 trong 70 phút trận gặp U19 Malaysia. Chỉ đến khi còn 20 phút cuối, đội bóng của HLV Hoàng Anh Tuấn mới chuyển sang đá 4-4-2 để tăng cường sức tấn công.

Cách bày binh bố trận của ông Tuấn cũng… bí hiểm như người đồng nghiệp Nhật Bản. Qua 3 trận ở vòng bảng, U19 Việt Nam chưa lần nào ra sân bằng một đội hình giống nhau. Hiếm có đội bóng nào trên thế giới trao cho các cầu thủ đá tấn công số áo 3, 4 trong khi những cầu thủ đá phòng ngự lại khoác áo số 9, 11…

HLV Hoàng Anh Tuấn xây dựng lối chơi rất thực dụng cho U19 Việt Nam.

HLV Hoàng Anh Tuấn từng tự tin cho biết, ông không lo nguy cơ bị bắt bài vì luôn có sẵn phương án cho từng đối thủ cụ thể. U19 Việt Nam giờ cũng trở thành ẩn số với chính “người nhà” giống như ĐTVN và U23 Việt Nam, khi không ai có thể dự đoán tập thể ấy sẽ đá thế nào.

Cuối cùng, HLV Hoàng Anh Tuấn rất có triển vọng trở thành Miura 2.0 bởi tư tưởng thực dụng của ông. “Đẹp hay không đẹp là khái niệm trừu tượng, kết quả mới là điều quan trọng nhất”, HLV trưởng của U19 Việt Nam phát biểu trước khi vào giải và vẫn đang trung thành tuyệt đối với triết lý này.

Hoàng Minh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục