HLV Trần Minh Chiến: Nếu được mời tôi cũng sẽ từ chối

19:30 Thứ năm 07/02/2013

“Được làm huấn luyện viên đội tuyển quốc gia là đích phấn đấu, vinh dự lớn lao. Tuy nhiên, nếu nhận được đề nghị như thế, tôi cũng sẽ từ chối”, huấn luyện viên Trần Minh Chiến cho biết.

“VFF (Liên đoàn bóng đá Việt Nam) đã không tiến hành công việc tìm kiếm huấn luyện viên cho đội tuyển Việt Nam theo đúng quy chuẩn. Thái độ hợp tác, cũng như sự trọng thị cũng không thật đúng mực, điều đó đã khiến hàng loạt huấn luyện viên phật ý và từ chối”, Trần Minh Chiến giải thích thêm.

Trần Minh Chiến khi còn là cầu thủ

* Bóng đá Việt Nam cấp câu lạc bộ đang khủng hoảng trên diện rộng và vẫn chưa có biểu hiện dừng lại, theo anh, đâu là nguyên nhân chính?

- Do các ông bầu và quản lý đội bóng tự đẩy giá chuyển nhượng lên và buôn lỏng khâu tổ chức cũng như quản lý của đội bóng để cầu thủ tự do xé rào đi chơi và không tự giữ mình trước sự cám giổ của đời thường. Cầu thủ bị ảo tưởng về giá chuyển nhượng, cũng như cách suy nghĩ không đúng về giá trị thực của mình, dẫn đến những lối suy nghĩ và hành xử không hay. Nó khác với thời của chúng tôi,  hạnh phúc lớn nhất và duy nhất là được ra sân thi đấu, cống hiến và chiến thắng.

* Với quan điểm của một cựu danh thủ, một huấn luyện viên và cũng là một nhà quản lý bóng đá, anh có “cao kiến” gì để chấm dứt cuộc khủng hoảng này không?

- Một đội bóng phải có bản sắc riêng và nên hạn chế ghép tên, không thể mỗi năm mỗi đổi tên, vì khán giả đôi khi đi xem bóng đá mà không biết đi xem đội bóng nào thi đấu. Tên ghép nên phải viết tắt và sự nhiệt tình ủng hộ cho đội bóng mà mình yêu thích cũng phai nhạt đi. Cầu thủ khi đã thi đấu cho đội bóng nào thì phải thi đấu hết mình, chứ không thể đứng núi này trông núi nọ, cả đời chỉ biết đến chuyển nhượng.

Về cấp lãnh đạo, nên xây dựng quy chế thưởng phạt hẳn hoi, nên xài đồng tiền đúng cách, trình độ cầu thủ bao nhiêu thì trả bấy nhiêu không nên đan xen tình cảm vào công việc.

* Sức mạnh của các đội tuyển quốc gia bắt đầu từ giải vô địch quốc gia, ở đây là V-League và hạng Nhất, đấy có phải là nguyên nhân dẫn đến thất bại của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2012 và trước đó là SEA Games 2011 tại Indonesia?

- Sau thất bại của đội tuyển Việt Nam, người hâm mộ không thể vui được khi xem những trận đấu mà các tuyển thủ chỉ thi đấu với những đôi chân không muốn chạy, những cái đầu còn lấn cấn những chuyện riêng tư. Liệu công tác đào tạo trẻ có còn chú trọng không khi mà hầu hết câu lạc bộ chỉ biết đi mua cầu thủ mà không thể đào tạo ra một cầu thủ một mang bản chất của câu lạc bộ đó? Có lẽ chúng ta đã quên mất việc duy trì một nền bóng đá mạnh thì phải có lực lượng kế thừa tốt và công tác đào tạo trẻ phải cơ bản và căn cơ.

*  Những tranh cãi trong việc tìm kiếm huấn luyện viên trưởng cho đội tuyển Việt Nam tưởng như sẽ không có hồi kết, theo anh, đâu là mấu chốt của vấn đề?

- Theo tôi, việc tìm kiếm một huấn luyện viên nội vẫn rất cần thiết vì khi huấn luyện viên nội làm thì từ việc tâm tư tình cảm, cho đến vấn đề am hiểu bóng đá Việt Nam chúng ta, không cần phải làm quen từ đầu. Điều quan trọng là cách mời của VFF và tính chuyên nghiệp của huấn luyện viên.

* Nếu được đề nghị cầm đội tuyển Việt Nam, anh có sẵn sàng không?

- Với tôi cũng như những huấn luyện viên khác, một khi đã làm huấn luyện viên thì ai mà không muốn làm huấn luyện viên đội tuyển? Không phải đợi đến khi việc đã rồi (VFF đã nhận được cái gật đầu của huấn luyện viên Hoàng Văn Phúc – PV), nhưng với cung cách làm việc như đã nhắc ở trên, tôi cũng sẽ lắc đầu nếu được mời. Thật sự niềm vui của tôi là hàng ngày được ra sân tập luyện cùng các em nhỏ ở Trung tâm đào tạo quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF).

* Anh vẫn được biết đến như tổng công trình sư cho sự ra đời và phát triển của PVF, những thuận lợi và khó khăn anh và cộng sự đã gặp phải?

- Thật sự đến giờ phút này tôi và các đồng sự rất vui khi công tác đào tạo trẻ của chúng tôi đang đi đúng hướng, cũng như những thành tích mà các em đã đạt được trong những năm qua. Thuận lợi lớn nhất của chúng tôi là khi đi tuyển sinh tại các địa phương, chúng tôi đều được ủng hộ hết cỡ, cũng như tạo mọi điều kiện để công việc tuyển sinh diễn ra thuận lợi nhất có thể. Ban giám đốc cũng luôn tạo cơ chế làm việc tốt nhất để chúng tôi phát huy những phẩm chất cũng như kinh nghiệm, trong việc truyền đạt lại cho các em những điều hay lẽ phải, cũng như các vấn đề về chuyên môn.

Tất nhiên, chúng tôi đã gặp phải rất nhiều những khó khăn bước đầu. Nhưng sau khi đã vào “phom”, được chứng kiến những sản phẩm cầu thủ nhí của mình trưởng thành từng ngày, mọi mệt nhọc đều tiêu tan cả. Khi cho các em thi đấu giao hữu với các đội bóng khác thì trình độ không đồng đều, thường thì các em phải thi đấu với đối tượng hơn các em từ một, hai tuổi.

* Từ PVF, rồi Học viện Hoàng Anh Gia Lai, những lò đào tạo trẻ triển vọng bậc nhất Việt Nam vào thời điểm hiện tại, xin anh đánh giá sơ bộ về đào tạo trẻ ở nước ta, trong quá khứ, hiện tại và tương lai?

- Về công tác đào tạo trẻ lúc trước kia ở Việt Nam có thể không chuyên nghiệp và căn bản như bây giờ vì bây giờ các huấn luyện viên ngày đó chưa được đào tạo bài bản, chính qui cũng như được đi học các lớp huấn luyện viên do AFC (Liên đoàn bóng đá châu Á) giảng dạy. PVF của chúng tôi hiện có đến hơn 10 huấn luyện viên có bằng cấp, có nghề và phần lớn đều là cựu tuyển thủ quốc gia, đó là một mặt thuận lợi rất lớn. Nhưng điều quan trọng nhất là họ đều yêu trẻ. Tôi mong họ đều sẽ giữ được cái tâm với nghề trồng người.

Anh hùng xuất thiếu niên

• Sinh ngày 20/7/1974, và khi mới 13 tuổi, Trần Minh Chiến đã đoạt giải ba cuộc thi năng khiếu bóng đá TP.HCM, dành cho vận động viên tuổi 15. 14 tuổi vào trường Năng khiếu nghiệp vụ TP.HCM (sớm hơn hai năm theo tiêu chuẩn). 18 tuổi, ra trường, về thi đấu cho đội Công an TP.HCM.

• 20 tuổi cùng đồng đội đoạt Á quân giải vô địch quốc gia và một năm sau đó giành chức Vô địch địch quốc gia, Vua phá lưới, Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất. 22 tuổi giành huy huy chương bạc SEA Games 18, ghi bàn thắng vàng tại SEA Games Chiang Mai, Thái Lan.

• Có ít nhất hai kỷ niệm khó quên và đó cũng là những lần hiếm hoi Trần Minh Chiến rơi nước mắt. Thứ nhất, đó là bàn thắng vàng ghi vào lưới Myanmar, đưa đội tuyển Việt Nam lọt vào trận chung kết SEA Games 18. Lần thứ hai, khi Minh Chiến khụy xuống và không bao giờ đứng lên tiếp tục sự nghiệp thi đấu nữa, ngay trên sân vận động Thống Nhất, nơi bắt đầu, cũng là nơi kết thúc.
CCKM | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục