Góc nhìn World cup: Sự phục hưng của bóng đá Bắc Âu

21:10 Thứ bảy 07/07/2018

Bắc Âu là một khu vực có nền bóng đá tương đối phát triển của Châu Âu. Nơi đây có sự hiện diện của những đội tuyển, luôn được đánh giá là những đối thủ không hề dễ chơi đối với bất kỳ đội bóng nào trên thế giới.

Đã từng có thời kỳ các đại diện của khu vực này như Đan Mạch, Thụy Điển luôn đạt được thứ hạng cao khi tham dự các giải đấu tầm khu vực và thế giới. Thế nhưng đã 20 năm trôi qua kể từ thời điểm đội tuyển Đan Mạch lọt đến vòng tứ kết của World cup 1998, thì giờ đây khu vực này mới lại có một đại diện tái lập được thành tích đó.

Cùng với thành tích lọt vào vòng tứ kết của đội tuyển Iceland tại giải đấu 2 năm về trước, EURO 2016, dấu ấn của Thụy Điển tại giải đấu này như một lời khẳng định cho công cuộc phục hưng của nền bóng đá khu vực Bắc Âu.

Có thể nói khoảng thời gian từ thập niên 30 đến thập niên 50 của thế kỷ trước, là giai đoạn hưng thịnh nhất của nền bóng đá các nước thuộc khu vực Bắc Âu, trong đó Thụy Điển chính là hạt nhân cho giai đoạn thành công đó.

Ở giai đoạn này, Thụy Điển luôn được đánh giá là một trong những đội tuyển mạnh của thế giới. Họ liên tục gặt hái được những vinh quang khi luôn giành được thứ hạng cao tại các giải đấu mà họ tham dự.

Trong 4 kỳ World cup được tổ chức thời kỳ này, Thụy Điển đã 1 lần giành ngôi á quân vào năm 1958, 1 lần giành được hạng ba vào năm 1950, 1 lần xếp thứ tư vào năm 1938 và 1 lần vào đến tứ kết vào năm 1934. Đó quả thực là một thành tích quá đỗi ấn tượng mà hiếm quốc gia nào có thể tái lập được.

Sau giai đoạn thành công đó, nền bóng đá của khu vực này bắt đầu đi xuống. Khoảng thời gian từ năm 1960 đến năm 1990 thực sự đáng thất vọng.

Trong 8 kỳ World cup được tổ chức trong giai đoạn này, các đội tuyển thuộc khu vực Bắc Âu chỉ tham dự có 5 lần, trong đó Thụy Điển 4 lần (gồm các kỳ World cup 1970, 1974, 1978 và 1990) và Đan Mạch 1 lần (World cup 1986), thành tích tốt nhất mà họ đạt được chỉ là lọt vào vòng 2 các kỳ World cup 1974 và 1986.

Ở giải đấu tầm châu lục, bóng đá Thụy Điển có phần yếu thế hơn bóng đá Đan Mạch khi họ chưa có lần nào giành được quyền tham dự giải vô địch bóng đá Châu Âu, EURO, trong khi đó Đan Mạch đã có 3/8 lần tham dự với thành tích tốt nhất mà họ đạt được chính là hạng tư EURO 1964 và bán kết EURO 1984.   

Bước sang thập niên 90 và cũng là những năm cuối của thế kỷ XX, đánh dấu sự phục hồi trở lại của nền bóng đá các nước thuộc khu vực Bắc Âu. Với những cái tên như Hakan Mild, Henrik Larsson, Roger Ljung, Tomas Brolin, Martin Dahlin, Kennet Andersson…đội tuyển Thụy Điển đã xuất sắc vượt qua hàng loạt tên tuổi như Cameroon, Romania, Bulgaria…để giành lấy vị trí thứ 3 tại vòng chung kết World cup 1994.

4 năm sau, đến lượt Đan Mạch cũng tạo nên những bất ngờ tại giải đấu được tổ chức trên đất Pháp. Với sự xuất sắc của những Michael Laudrup, Brian Laudrup, Martin Jorgensen, Allan Nielsen, Peter Moller…Đan Mạch đã vượt qua Nam Phi, Nigeria…để tiến vào vòng tứ kết và chỉ chịu thua một đối thủ rất mạnh đến từ khu vực Nam Mỹ, Brazil.

Bên cạnh đó, Na uy với những Tore Andre Flo, Dan Eggen…cũng đã có lần đầu tiên lọt vào vòng 16 đội tại World cup 1998 sau 3 lần tham dự. Ở đấu trường châu lục, dấu ấn lớn nhất mà bóng đá Bắc Âu đạt được trong giai đoạn này chính là chức vô địch đầu tiên và duy nhất cho đến tận thời điểm giờ của bóng đá Đan Mạch tại EURO 1992, và thành tích lọt đến trận bán kết của đội tuyển Thụy Điển cũng tại giải đấu năm đó.

Góc nhìn World cup: Sự phục hưng của bóng đá Bắc Âu - Bóng Đá

Đội tuyển Thụy Điển từng đứng thứ 3 tại World cup 1994. 

Bất cứ thời kỳ nào, bóng đá Bắc Âu đều không thiếu những nhân tài. Thế nhưng để có thể tái hiện lại thành tích mà lớp đàn anh đã làm được trong quá khứ thì quả thực là một điều quá sức đối với những thế hệ đàn em đi sau.

Trong những năm đầu của thế kỷ XXI, khu vực này đã sản sinh không ít những cầu thủ tài năng, đó là Zlatan Ibrahimovic, Freddie Ljungberg của… Thụy Điển; John Dahl Tomasson, Jesper Gronkjaer, Dennis Rommedahl…của Đan Mạch; John Arne Riise, Morten Gamst Pedersen…của Na uy hay Eidur Gudjohnsen của Iceland, thế nhưng thành tích mà các đội bóng này đạt được tại các giải đấu khu vực và thế giới là rất khiêm tốn.

Với Thụy Điển là 2 lần lọt vào vòng 2 các kỳ World cup 2002, 2006 và tứ kết EURO 2004; Đan Mạch chỉ có 1 lần lọt vào vòng 2 World cup 2002 và 1 lần lọt vào tứ kết EURO 2004; Na uy thì chỉ có 1 lần tham dự vòng bảng EURO 2000, Iceland và Phần Lan còn tệ hơn khi họ chưa giành được quyền tham dự bất cứ giải đấu nào trong khoảng thời gian này.

Nếu so sánh với những gì mà bóng đá Bắc Âu đã làm được trước kia thì quả thực đây chính là khoảng thời gian tồi tệ mà các nền bóng đá thuộc khu vực này phải trải qua. Đã có rất nhiều lý giải được đưa ra nhằm tìm ra căn nguyên của sự thất bại, nhưng tựu chung lại đó là vì các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới cũng sản sinh ra rất nhiều tài năng xuất chúng trong thời kỳ này.

Chính sự đồng đều về mặt chất lượng đội hình của họ đã đập tan mọi giấc mơ và hoài bão của bóng đá Bắc Âu thời điểm bấy giờ.

Sau khi các ngôi sao như Zlatan Ibrahimovic, Freddie Ljungberg, John Dahl Tomasson, Jesper Gronkjaer…chia tay đội tuyển quốc gia, những tưởng bóng đá khu vực này sẽ tiếp tục lún sâu vào sự khủng hoảng thì sự xuất hiện của những ngôi sao mới như Christian Eriksen, Andreas Christensen, Kasper Schmeichel (Đan Mạch); Emil Forsberg, Victor Lindelof (Thụy Điển)…đã giúp nền bóng đá khu vực này có cơ hội trở lại.

Góc nhìn World cup: Sự phục hưng của bóng đá Bắc Âu - Bóng Đá

Những cầu thủ như Emil Forsberg…chính là niềm hy vọng mới của bóng đá Bắc Âu. 

EURO 2016 là giải đấu chứng kiến câu chuyện cổ tích mang tên Iceland. Trong lần đầu tiên ra biển lớn, "những chiến binh Viking" đã xuất sắc vượt qua một loạt tên tuổi lớn như Áo, Bồ Đào Nha, Anh để tiến vào vòng tứ kết, và chỉ chịu dừng bước trước đội chủ nhà Pháp.

Mặc dù, đại diện còn lại của khu vực đó là đội tuyển Thụy Điển thi đấu không thành công khi phải dừng bước ngay tại vòng bảng. Tuy nhiên, với những gì mà các tuyển thủ Iceland đã làm được, họ rất xứng đáng với những lời ca tụng của giới truyền thông và các chuyên gia.

Và đây chính là điểm khởi đầu cho công cuộc phục hưng của bóng đá Bắc Âu bởi phải mất 10 năm kể từ EURO 2004, mới có một đại diện của khu vực này tiến vào vòng tứ kết.

Thành công tại EURO 2016 chính là động lực để các đội bóng thuộc khu vực này có thể tạo nên những thành công tiếp theo tại World cup 2018. Và quả thực với việc có đến 3 đại diện được góp mặt tại giải đấu lần này (gồm các đội tuyển Thụy Điển, Iceland, Đan Mạch), họ đã san bằng kỷ lục về số đội giành được quyền tham dự một giải đấu tầm châu lục hoặc thế giới mà chính họ đã xác lập tại EURO 2000 (gồm Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch).

Trước khi giải đấu ở Nga được khởi tranh, rất nhiều ý kiến đã đưa ra những nhận định về khả năng đi tiếp của các đại diện khu vực này là không cao, khi các đội bóng này đều nằm ở những bảng đấu có sự góp mặt của những đội tuyển rất mạnh trên thế giới.

Dẫu vậy, bằng chính tài năng, cũng như sự kiên cường và tinh thần đoàn kết, các đại diện của khu vực này đã chứng minh cho cả thế giới biết rằng, bóng đá Bắc Âu đã trở lại và họ đến đây không phải với tư cách của đội lót đường.

Cũng giống như khoảng thời gian từ thập niên 30 đến thập niên 50 của thế kỷ trước, một lần nữa Thụy Điển lại chính là hạt nhân trong công cuộc phục hưng nền bóng đá khu vực. Nằm ở bảng đấu với sự góp mặt của những đội tuyển rất mạnh là đương kim vô địch thế giới Đức, Mexico và Hàn Quốc, Thụy Điển đã xuất sắc đánh bại cả Mexico và Hàn Quốc để đứng đầu bảng F.

Tại vòng 1/8, trước một Thụy Sỹ thi đấu vô cùng ấn tượng và chặt chẽ, thế nhưng thầy trò huấn luyện viên Janne Andersson vẫn vượt qua được đối thủ "khó nhằn" này để tiến vào vòng tứ kết.

Góc nhìn World cup: Sự phục hưng của bóng đá Bắc Âu - Bóng Đá

Thụy Điển đang là lá cờ đầu của bóng đá khu vực Bắc Âu tại giải đấu năm nay. 

Chưa biết hành trình của đội tuyển Thụy Điển tại giải đấu năm nay sẽ đi đến đâu. Tuy nhiên, với việc tái lập thành tích lọt đến vòng tứ kết của các đội bóng thuộc khu vực này sau 20 năm chờ đợi, người Thụy Điển cũng như người dân các nước trong khu vực hoàn toàn có thể tự hào và mơ về một tương lai xán lạn, ở nơi đó bóng đá Bắc Âu sẽ lại trở thành một thế lực của nền bóng đá Châu Âu và thế giới.

Đối thủ tiếp theo tại vòng tứ kết là đội tuyển Anh, trong quá khứ Thụy Điển từng 4 lần vượt qua được vòng đấu này, liệu những Emil Forsberg, Sebastian Larsson, Victor Lindelof, Andreas Granqvist…có thể giúp bóng đá Thụy Điển lần thứ 5 có được điều này? Chúng ta hãy cùng chờ đợi sau trận đấu gặp đội tuyển Anh đêm nay.                                            

(Bạn đọc: Đức Tuấn)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

BongDa.com.vn | 19:45 07/07/2018
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục