Phút thứ 7, trung vệ Phước Vĩnh phạm lỗi với tiền đạo đối phương và bị truất quyền thi đấu. Thời gian còn lại, hệ thống phòng ngự liên tục mắc những sai lầm cơ bản để các cầu thủ UAE làm mưa làm gió rồi ghi thêm bốn bàn thắng nữa.
Một thất bại quá nặng nề đã được dự báo trước. Người ta có thể đổ lỗi cho trọng tài quá nặng tay hay hàng hậu vệ không thi đấu tập trung, không giữ được sự bình tĩnh cần thiết. Thế nhưng, nguyên nhân sâu xa của những trận thua gần đây có thể kể đến đó là việc ĐTVN thiếu vắng Nguyên Sa – một chốt chặn đáng tin cậy và có phong độ ổn định ngay trước hàng tứ vệ.
Không phải ngẫu nhiên mà thời gian gần đây, ĐTVN thường sử dụng sơ đồ 4-1-4-1 thay cho sơ đồ đã “đóng đinh” 4-4-2. Thứ nhất, thật khó để tìm ra cặp bài trùng kinh điển trên hàng tiền đạo như Huỳnh Đức – Sỹ Hùng hay Văn Quyến – Thanh Bình thời trước; bên cạnh đó, các tiền đạo cũng không đạt được phong độ cao nhất. Trong khi hàng phòng ngự liên tiếp có những dấu hiệu bất ổn. Thứ hai, ĐTVN thường bị đặt “chiếu dưới” so với các đối thủ và lối chơi phòng ngự phản công luôn được quán triệt.
Tất nhiên, để phù hợp với hoàn cảnh, sự linh hoạt trong cách vận dụng lối chơi cần được tính đến. Sơ đồ 4-1-4-1 rất hợp thời. Song, không may cho HLV Nguyễn Văn Sỹ khi ông không có những con người tốt nhất để thi triển lối chơi đó. Mà ở đây, sự vắng mặt đáng tiếc nhất phải kể đến Nguyên Sa.
Cả năm trận tại vòng loại Asian Cup 2015, ĐT Việt Nam đều nhận thất bại. Tuy nhiên, năm trận đó có thể chia theo hai thái cực khác nhau. Nếu những trận thua trước UAE và Hồng Kông ở lượt đi là những thất bại kiểu chấp nhận được hay thiếu đi một chút may mắn thì ba trận gần đây, các chàng trai áo đỏ đều nhận những thất bại xấu hổ. Vậy lý do vì đâu? Không đâu khác ngoài việc sự mất cân bằng giữa công và thủ mà Nguyên Sa chính là mắt xích quan trọng ở hệ thống đó.
Nguyên Sa là một mắt xích quan trọng trong đội hình thi đấu của ĐTVN |
Sự có mặt của tiền vệ đang thi đấu cho SHB Đà Nẵng giúp ĐT Việt Nam tìm được sự cân bằng trong phòng ngự - tấn công ở hai trận gặp UAE và Hồng Kông hồi đầu năm. Tiếp đối thủ vùng vịnh trên sân nhà, Nguyên Sa cùng đồng đội không hoàn toàn lép vế; thậm chí nhiều thời điểm còn nhỉnh hơn đối thủ ở khâu kiểm soát bóng và tạo cơ hội. Có chăng, sự thiếu tinh tế trong những pha dứt điểm cuối cùng đã lấy đi điểm số của đội nhà. Còn trận thua trên đất Hồng Kông lại do yếu tố thể lực khi ĐT Việt Nam đã xuống sức rõ rệt trong thời điểm cuối của trận đấu và nhận bàn thua đáng tiếc.
Thực tế, vị trí đánh chặn của Nguyên Sa đã có Cao Sỹ Cường đảm nhận; có thời điểm – trận thắng Qatar 2-1 ở lượt trận giao hữu – người ta đã có cảm giác “quên” đi tiền vệ SHB Đà Nẵng. Bởi ở đó, sự chắc chắn, khả năng phán đoán, thu hồi bóng của Sỹ Cường giúp hàng phòng ngự ĐT Việt Nam đứng vững trước sức công phá của Qatar. Thế nhưng, bước vào các trận đấu chính thức, tiền vệ HN.T&T không thể khỏa lấp khoảng trống mà đồng đội để lại bởi lẽ Sỹ Cường không có đủ bản lĩnh, kinh nghiệm cũng như sự bình tĩnh cần thiết trước sức ép của đối phương.
Hệ quả, hàng phòng ngự của ĐT Việt Nam phải chịu áp lực khủng khiếp từ những đợt tấn công của đối phương trong khi các cầu thủ phía trên luôn đặt trong tình trạng “đói” bóng và phải lùi sâu để khởi nguồn cho các đợt tấn công. Đỉnh điểm, Sỹ Cường bị thay ra trong trận thua UAE 0-5 vừa qua khi trận đấu chưa bước sang phút 40 bởi sự thiếu hiệu quả của tiền vệ này.
Ngạn ngữ có câu: "Chỉ với một chữ nếu, người ta có thể bỏ Paris vào cái chai." Giờ, người hâm mộ có thể đặt những chữ nếu: nếu trọng tài không quá mạnh tay, nếu các tiền đạo dứt điểm hiệu quả hay nếu hàng phòng ngự thi đấu tập trung thì ĐTVN đã có thể có cơ hội tham dự vòng chung kết Asian Cup 2015. Thế nhưng, có lẽ chữ nếu đáng nói nhất là nếu Nguyên Sa không bị chấn thương thì ĐT Việt Nam có thể đạt được những kết quả khả quan cũng như màn trình diễn ấn tượng hơn.
Dẫu sao, 'mũi tên phóng đi không thể lấy lại' và giờ, ĐT Việt Nam lại rút ra thêm những bài học để hướng đến những giải đấu tiếp theo.