CHUYỆN TÂN BINH: Ai giúp các ngôi sao mới tỏa sáng?

09:06 Thứ hai 27/08/2012

Chelsea lại đang “hất tung” cả Premier League. Hazard, Torres đang làm các đồng đội phải thán phục. Có thể nói, nếu Torres mới được “đăng ký hộ khẩu” sau 1 năm rưỡi “tạm trú”, thì Hazard chẳng mất ngày nào để hòa nhập. Đây là vấn đề lớn của mọi tân binh, là phần quan trọng mà sau một thời gian dài bị quên lãng, bây giờ người ta mới giật mình nhớ ra…

Hazard (trái) đang thích nghi nhanh chóng và tỏa sáng rực rỡ trong màu áo mới

1.Những tập đoàn lớn như Microsoft hay Apple đều thành lập một đội ngũ gọi là “chuyên viên hòa nhập” để giúp những người mới đến mọi vấn đề, từ nhà ở, trường học cho con cái, trợ lý ngôn ngữ, giảng dạy về văn hóa địa phương… Chi phí cho việc này là khá tốn. Với bất cứ tập đoàn kinh doanh đẳng cấp nào, việc giúp người mới hòa nhập môi trường mới là sự trân trọng, là yếu tố quyết định tạo nên sự ổn định tâm lý, kích thích sự sáng tạo và lòng trung thành. Tuy nhiên, trong bóng đá đỉnh cao, những bản hợp đồng hàng chục triệu euro thì lại không thấy có khoản chi phí này. Thậm chí, quyền lợi mà đáng lẽ cầu thủ phải được hưởng lại không ai đòi hỏi. Thực tế nghiên cứu của Finalcial Times cho thấy, sự ổn định và việc hòa nhập với cuộc sống mới ở đội bóng mới quyết định tới 15% khả năng thành công của một tân binh.

2.Zenden, cầu thủ từng thi đấu ở 4 quốc gia rút ra kết luận: Một CLB có thể bỏ 20 triệu euro mua cầu thủ, nhưng họ không hề bỏ tiền để giúp anh ta cảm thấy như đang ở nhà. Bất kỳ cầu thủ nào cũng đều phải tính xem con mình học ở đâu, ai sẽ giúp việc nhà, giúp đỡ ngôn ngữ, làm sao để có bằng lái xe… Hầu hết các CLB lớn đều không làm việc này.

AC Milan là một trong số ít CLB được tổ chức rất tốt. Mỗi cầu thủ mới đến đều có nhà riêng đủ tiện nghi, được chọn 1 trong 5 chiếc “xe hơi mẫu”, được hỗ trợ mọi nhu cầu. Đáp lại, cầu thủ chỉ có nhiệm vụ cống hiến hết mình. Chính vì thế mà phần lớn tân binh của Milan hòa nhập rất nhanh với đội. Khi yên tâm về hậu cần, cầu thủ sẽ tập trung hơn trên sân cỏ!

Hơn 1 năm qua, Chelsea đã bắt đầu tập trung vào việc giúp tân binh ổn định cuộc sống, nhưng trước đó họ là một trong số những đội bóng tệ nhất trong việc này. Năm 1996, R.Gullit phải vật lộn tìm nhà và sống 1 năm ở khách sạn Slough. Mới hơn là Drogba. Năm 2004, khi đến Chelsea với giá 38 triệu bảng, tiền đạo người Bờ Biển Ngà phải tự làm mọi thứ, đến mức sau này, trong cuốn tự truyện, Drogba đã nhắc lại như tấn bi kịch. “Đồng đội mới không ai quan tâm đến tôi. Sau này, chúng tôi hay trêu những người mới đến rằng: Cậu cũng ở khách sạn phải không?”.

Những người Chelsea cố gắng giúp Drogba kiếm nhà bằng cách đưa tân binh tội nghiệp này đến công ty bất động sản để họ giới thiệu bán cho anh một căn nhà có giá... 12 triệu bảng. Kết cục, Drogba đưa gia đình đến khách sạn, còn anh với vốn tiếng Anh ít ỏi, ở trong căn nhà nhỏ thuê gần sân tập. Hay như Torres những ngày đầu đến Chelsea cũng thường xuyên phải đơn độc cả trong lẫn ngoài sân. Thậm chí, có cảm giác đồng đội mới không tạo điều kiện cho Torres ghi bàn. Đó là một trong những nguyên nhân khiến hợp đồng 50 triệu bảng của Chelsea tịt ngòi mấy tháng trời.

Real Madrid tưởng giàu có, chu đáo cũng rất nghiệp dư trong chuyện này. Đó là trường hợp của Anelka, cầu thủ mà Real phải chi tới gần 22,5 triệu bảng. Anelka đến Madrid như một cái bóng. Cô độc và lạc lõng. Anelka không nói với ai. Cũng chẳng ai đả động đến anh.

Trả lời phỏng vấn France Football, Anelka nói: “Một mình tôi chống chọi lại đội bóng. Tôi không thể quên hình ảnh đồng đội mới lạnh nhạt, vô cảm khi tôi ghi bàn đầu tiên. Tôi có đưa đoạn băng cho HLV Del Bosque, nhưng ông cũng chẳng buồn xem. Một anh bạn nói tiếng Pháp trong đội (không nói tên) bảo rằng, đồng đội không ai muốn chuyền bóng cho tôi. Nhưng khi nói lại với HLV, tôi bị treo giò 45 ngày vì gây rạn nứt nội bộ”. Vì vụ đó, Anelka càng bị cô lập với những lời góp ý kiểu: “Hãy xem lại bản thân”.

Bí mật sau đó được tiết lộ, chính là vì mức lương và cái giá quá cao của Anelka, một cầu thủ mới 21 tuổi. Vài tháng sau, Anelka rời Real trong thất bại thảm hại.

3.Một thực tế ngược đời là các tân binh đắt giá thường nhờ các hãng tài trợ, đại diện giúp đỡ hòa nhập. Nike, Adidas là những người hỗ trợ Ronaldo, Kaka, Torres… trong những ngày đầu đến CLB mới, bởi họ muốn giữ hình ảnh, phong độ của cầu thủ một cách tối ưu. Đó chính là câu chuyện về Microsoft, Apple.

Bởi khi đó, cầu thủ chính là người đại diện của hãng, và họ phải có trách nhiệm. Và CLB rảnh tay.

Dĩ nhiên việc hòa nhập cuộc sống chỉ là một trong rất nhiều yếu tố để một tân binh thành công, như tố chất, sự phù hợp trong lối chơi… Nhưng tầm quan trọng của chuyện hòa nhập (hay nhận được cảm tình, sự hỗ trợ) với đồng đội mới, cuộc sống mới là điều không phải bàn cãi. Cứ nghe Hazard nói sẽ rõ: “Tôi cảm thấy Chelsea như nhà mình!”. Đó là một nguyên nhân để Hazard tập trung vào sân cỏ, cống hiến và bừng sáng!

L.Trung | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục