Để một cầu thủ ngoại quốc có thể thi đấu ở Premier League, họ buộc phải thỏa 1 trong 2 điều kiện. Thứ nhất, là công dân của một nước thuộc Liên minh Châu Âu. Thứ hai, phải được FA cấp giấy phép lao động (chính xác hơn là giấy phép thi đấu ở các giải do FA quản lý)
Ở điều kiện thứ hai, cầu thủ được cấp 'giấy' khi quốc gia của anh ta nằm trong Top 50 BXH FIFA (Top 70, trước mùa 2015/16) còn anh ta thì phải đá 75% số trận của đội tuyển trong 2 năm gần nhất.
Tuy nhiên, những tài năng trẻ có khả năng đặc biệt và tiềm năng phát triển cao vẫn được xem xét cấp giấy phép lao động dù không thỏa những điều kiện trên. Việc đánh giá tài năng và tiềm năng phát triển của 1 cầu thủ trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào FA. Từ đó phát sinh nhiều bất cập, không rõ ràng.
Mới đây nhất, Richarlison được cấp giấy phép lao động để gia nhập Watford mùa năm 2017 dù chưa từng một lần khoác áo tuyển Brazil. Không may mắn như Richarlison, trong quá khứ 4 cái tên dưới đây đã bị từ chối dù không ít người trong số đó sau này đã trở thành ngôi sao nổi tiếng.
Đáng nói hơn, 3 trong 4 cầu thủ này là những người Arsenal muốn hoặc đã chiêu mộ.
Angel Di Maria (Arsenal)
Mùa Hè năm 2014, Angel Di Maria gia nhập Man United với giá 57 triệu bảng, kỷ lục thời điểm đó. Thế nhưng ít ai biết rằng, 8 năm trước, nếu không bị ràng buộc bởi giấy phép lao động, Di Maria đã có thể chuyển đến nước Anh sớm hơn.
Năm 2006, khi vừa tròn 18 tuổi, tiền vệ Argentina đã được Arsenal để mắt. Gần như ngay lập tức, Arsene Wenger gật đầu đồng ý chiêu mộ Di Maria. Dù vậy, mọi việc đã không theo ý ông khi Di Maria bị từ chối cấp giấy phép lao động ở Anh. Nguyên nhân chủ yếu bởi vì 'thiên thần' thời điểm đó vẫn còn là một cái tên vô danh trên bản đồ bóng đá thế giới và chính phủ Anh cũng không đánh giá cao tiềm năng phát triển của anh.
Sebastian Leto (Liverpool)
Năm 2007, Rafael Benitez cùng Liverpool vui mừng chào đón Leto gia nhập CLB từ Lanus với giá 3 triệu euro. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, cầu thủ Argentina không được nước Anh cấp giấy phép lao động. Chuyện đã rồi, Liverpool đành phải giữ Leto ở lại và cho anh thi đấu Cúp Liên đoàn cũng như Champions League, 2 giải đấu không thuộc quyền quản lý của FA.
Cũng trong năm đó, Leto (có thể đã được sự giúp sức của Liverpool) xoay xở và tìm được cho mình một tấm hộ chiếu Italia. Tuy nhiên, sau một cuộc điều tra, FA đã hủy bỏ, không công nhận tấm hộ chiếu. Bất lực, Leto được Liverpool cho mượn đến Hy Lạp thi đấu và bán đứt vào năm 2009.
Wellington Silva (Arsenal)
Mê mẫn với tài năng của Wellington Silva, Arsenal đã quyết định ký trước hợp đồng với anh. Đến sinh nhật thứ 18, cầu thủ Brazil chính thức là người Arsenal. Thế nhưng, FA đã 'phá hỏng' tất cả khi cương quyết không cấp giấy phép lao động cho Silva.
Không bỏ cuộc, Arsenal quyết định cho mượn tài năng trẻ của mình đến các CLB TBN trong 4 năm liên tiếp để được cấp quốc tịch TBN. Năm 2015, Wellington Silva chính thức có hộ chiếu TBN và được FA 'tặng' cho giấy phép lao động. Nhưng chẳng để làm gì, 4 năm bị đày ải ở xứ bò tót khiến Silva chỉ còn là cái bóng của chính mình. Hơn 4 năm trời nỗ lực, Arsenal chẳng đổi lấy được 1 lần ra sân của cầu thủ Brazil cho CLB. Thật đáng buồn!
Yaya Toure (Arsenal)
Năm 2003, trong nỗ lực tìm kiếm một tài năng trẻ thay thế Patrick Vieira ở tương lai, Wenger đã chấm cái tên Yaya Toure, người chưa bước sang tuổi 20 nhưng là trụ cột tại CLB KSK Beveren (Bỉ). Thế nhưng, một lỗi được cho là liên quan đến tài liệu khiến Toure không được cấp phép lao động. Anh sau đó gia nhập CLB Metalurh của Ukraine.
Đến hiện tại, 3 chức vô địch Premier League của Yaya Toure đã chứng minh khi xưa Wenger hoàn toàn chính xác trong quyết định của mình. Tuy nhiên, nó chỉ khiến 'Giáo sư' và người Arsenal thêm buồn.