Làm gì để U19 Việt Nam trở thành "thế hệ vàng"?

11:23 Thứ ba 24/09/2013

Đã quá lâu rồi, những người hâm mộ bóng đá Việt Nam mới lại được sống trong cái không khí cuồng nhiệt đến từ lối chơi rực lửa, đậm chất cống hiến của các cầu thủ trẻ. Mặc dù vậy, để lứa cầu thủ này trở thành trụ cột cho đội tuyển quốc gia cũng như nâng tầm vị thế bóng đá nước nhà lên khỏi "vùng trũng" Đông Nam Á vẫn đang là câu hỏi không dễ trả lời.

Đêm 22-9, hàng chục triệu con tim Việt Nam cùng hướng về “chảo lửa” Gelora Delta Sidoajo, nơi diễn ra trận đấu cuối cùng của giải vô địch U19 Đông Nam Á giữa Việt Nam và chủ nhà Indonesia. Và vẫn như điều thường thấy, các chàng trai U19 của Việt Nam đã thi đấu đầy tự tin, phô diễn nhiều pha phối hợp đẹp mắt, cống hiến. Điều đó cho thấy, đã lâu lắm rồi, hay đúng hơn có thể khẳng định đây là lần đầu tiên bóng đá trẻ Việt Nam có được một lứa cầu thủ được đào tạo bài bản, khoa học như thế.

Chưa bao giờ và chưa khi nào, đội tuyển U19 quốc gia tại giải U19 của khu vực lại được mọi người Việt Nam quan tâm đến vậy. Song cũng đúng thôi, người ta chờ đợi rất nhiều vào "sản phẩm" của Học viện HAGL- Arsenal JMG trong bối cảnh công tác đào tạo trẻ không được quan tâm. Đào tạo trẻ Việt Nam mạnh ai nấy làm, luôn thiếu định hướng và tính hiệu quả không cao.

Bóng đá Việt Nam đang trình làng lứa U19 được đào tạo bài bản

16 năm trước khi lần đầu đến Việt Nam, HLV người Áo, Alfred Rield đã nổi tiếng với câu nói "bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc". Và đến giờ, phát ngôn nổi tiếng ấy vẫn còn nguyên giá trị. Bóng đá Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn "ăn xổi". Các CLB đa số dùng tiền làm bóng đá. "Lò" đào tạo danh tiếng hàng chục năm trước như SLNA đến giờ vẫn thuộc loại hàng hiếm. Các CLB chuyên nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ còn phải chạy và thở trên đôi chân "ngoại binh" hay lực lượng chắp vá từ các đội bóng khác.

Sau lần “vụt sáng” tại giải AFF Cup 2008, bóng đá đỉnh cao của nước nhà đã chìm nghỉm trong biển trời thất vọng. Từ chuyện của AFF Cup 2010, 2012 cho đến thành tích nghèo nàn tại SEA Games 2009, 2011. Tất cả đã lấy hết đi niềm tin nơi phía NHM.

Đấy còn chưa kể tới những lùm xùm từ giải bóng đá mà người ta vẫn hay gọi là “chuyên nghiệp” mang tên V-League. Bộ máy quản lý yếu kém, năng lực của các vị vua áo đen luôn đặt trong những nghi ngờ. Bóng đá chuyên nghiệp nước ta thời hội nhập chẳng khác nào một “cái chợ” đầy những thị phi và ồn ào.

U19 Việt Nam đến giải đấu khu vực năm nay mang trong mình những cầu thủ mới 17 tuổi, đến từ lò đào tạo HAGL- Arsenal JMG. Chính lứa cầu thủ này trước khi trình làng ở khu vực đã gây tiếng vang tại Nhật Bản, đặc biệt là trong chuyến tập huấn tại châu Âu, những cầu thủ của Học viện HAGL- Arsenal JMG đã đánh bại U17 Arsenal danh tiếng.

Đến với giải đấu khu vực năm nay, U19 Việt Nam với những chàng trai 17 tuổi đã rơi vào bảng tử thần với Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Myanmar. Tuy nhiên, với dàn cầu thủ được đào tạo với giáo trình hiện đại của Học viện HAGL- Arsenal JMG, U19 Việt Nam đã tỏa sáng rực rỡ khi đánh bại tất cả những đối thủ sừng sỏ nhất của khu vực tại vòng đấu bảng.

Văn Quyến từng nổi lên rồi "chìm nghỉm"

Những Công Phượng, Văn Toàn, Trùm Tỉnh, Văn Trường... U19 Việt Nam đã tạo được tiếng nổ lớn tại đấu trường khu vực. Không chỉ là chiến thắng, không chỉ là thành tích bất bại, U19 Việt Nam chỉ thua U19 Indonesia trên chấm luân lưu 11m trong trận chung kết, các tuyển thủ 17 tuổi Việt Nam đã cho thấy tài năng, cho thấy phẩm chất của những cầu thủ được ăn học đến nơi, đến chốn, cả chuyên môn đá bóng lẫn văn hóa ứng xử trong cuộc sống.

Ít ai có thể ngờ rằng sau hơn 6 năm âm thầm đào tạo những “báu vật” của Bầu Đức đã bắt đầu làm nên công trạng. Từ những ngày còn chân ướt chân ráo vào trung tâm giờ đây mọi thứ đã bắt đầu diễn ra trong sự ngỡ ngàng của không ít người.

Mặc dù vậy, U19 Việt Nam đang sở hữu dàn cầu thủ tài năng, song để họ trở thành những trụ cột của đội tuyển quốc gia và gánh vác trọng trách đưa bóng đá Việt Nam vươn lên tầm châu lục còn đòi hỏi cả một quá trình gian nan.

Nhìn lứa U19 lần này khiến không ít người lại nhớ tới 13 năm trước, bóng đá nước nhà cũng sản sinh ra một lứa cầu thủ thực sự tài năng. Khi đó những Văn Quyến, Anh Cường, Đức Anh, Minh Đức…cũng đã nhận được rất nhiều kỳ vọng từ phía NHM. Thế nhưng sau lần “làm mưa làm gió” tại VCK châu Á năm 2000, đánh bại đội bóng trẻ của Trung Quốc mọi thứ đã bắt đầu mờ dần. Trừ Đức Anh, Minh Đức được gọi vào tuyển, Văn Quyến sau khi “dính chàm” dù đã được thi đấu trở lại nhưng không còn giữ được phong độ. Những người còn lại hoặc là tiếp tục sống nhờ bóng đá hoặc là bỏ hẳn.

Nhìn lứa cầu thủ “chìm dần” khiến không ít người cảm thấy tiếc nuối.

Và còn rất nhiều bài học đau lòng nữa về bóng đá trẻ Việt Nam. Nói như Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Thanh của CLB SLNA, bóng đá trẻ Việt Nam có tiềm năng không kém bất cứ quốc gia nào trong khu vực. Vậy tại sao bóng đá Việt Nam vẫn chưa có được sự phát triển ổn định? Câu hỏi đó xin được gửi đến những người có trách nhiệm. Và NHM Việt Nam hy vọng rằng, sau những gì U19 Việt Nam thể hiện, LĐBĐVN và đặc biệt là Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức của CLB HAGL cần có chiến lược đầu tư đúng, phù hợp cho các cầu thủ trẻ.

Tránh để những tài năng của bóng đá Việt Nam rơi vào cảnh “sớm nở tối tàn” như trong quá khứ.
Phạm Chiểu | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục