Serie A: Soi mình trong tấm gương Bundesliga

01:28 Thứ tư 08/05/2013

Những bước tiến thần tốc của Bundesliga trong thời gian gần đây khiến cho cả Châu Âu chỉ còn biết đứng nhìn, quan sát và học hỏi. Nhất là với Serie A, thành lũy đầu tiên mà người Đức đã đánh sập trong hành trình chinh phạt lục địa già, để rồi mỗi năm phải "cống nạp" mất một suất dự Champions League.

Nghĩ cho cùng, "thành lũy" Serie A nhiều năm nay đã rạn nứt, đổ vỡ từ bên trong với một nền móng xuống cấp và lung lay dữ dội. Nền móng ở đây là công tác đào tạo trẻ. Với phần lớn các CLB ở Serie A thậm chí là cả Serie B, họ làm công tác này theo kiểu “cho xong”. Để rồi những tài năng trẻ phải làm khán giả nhiều hơn chơi bóng, rồi bán đi bán lại cho các CLB khác nhau, rồi là đồng sở hữu của đội này đội nọ.

Giovinco được đánh giá là đầy hứa hẹn từ cách đây rất lâu nhưng phải đến khi được dự Euro 2012 anh mới được Juve mua đứt. Hè 2008, Antontini trở về khoác áo Milan sau khi thi đấu cho gần chục đội bóng và vẫn được xem là tài năng trẻ ở tuổi 26. Santon ở tuổi 18 được Mourinho phát hiện, khi đó anh được ngợi ca là Maldini mới, khi Mou đi không còn ai cho anh cơ hội nữa. Tương lai thì không rõ ràng như vậy, cơ hội thi đấu hạn chế, bao giờ Calcio mới có những tài năng làm đối trọng được với những Kroos, Muller, Gundogan, Goetze, Reus - những cầu thủ đôi mươi, được quan tâm đúng mực, đang giúp Bayern và Dortmund bay cao tại Champions League?

Goetze – Thật may anh không sinh ra tại Italia. Ảnh: Internet

Chắc sẽ phải rất lâu nữa khi mà chính người Ý đang tự thống kê những con số làm người ta phải giật mình. Chỉ có 7,8% các cầu thủ từ 15-21 tuổi thuộc lò đào tạo trẻ của các câu lạc bộ Serie A có nhiều hơn 3 năm gắn bó với đội bóng của mình. Năm 2010 chỉ 5% số cầu thủ ở độ tuổi đó thi đấu tại Serie A, ở Serie B cũng chỉ 11%. Càng đọc thống kê càng xót xa khi mà đến 67% số cầu thủ chuyên nghiệp Italia đang chơi ở hạng 3 và 4. Những con số quá thô trên như một bản kiểm điểm về công tác đào tạo trẻ của nền bóng đá đất nước hình chiếc ủng.

Và phải đến khi đã bị Bundesliga cho ngửi khói trên BXH Châu Âu, khi mà cơn suy thoái kinh tế làm CLB Serie A đau đầu về chuyện tiền bạc, và cộng thêm luật công bằng tài chính ngặt nghèo của UEFA thì họ mới rục rịch quay lại tu bổ cái “nền móng’ của mình. Thôi, thà muộn còn hơn không.

Bức tranh buồn của Serie A không chỉ có những gam màu ảm đạm về bóng đá trẻ mà còn có thêm những nét vẽ xấu xí về thực trạng sân vận động. Ở Italia hiện nay chỉ có 3 sân đạt tiêu chuẩn về hệ thống thoát nước và sưởi nóng, là San Siro của 2 đội bóng thành Milan, là Olimpico của Roma và cả sân bóng mới của Juventu. Cho nên dễ hiểu sao đến mùa đông cảnh các cầu thủ, CĐV đến sân rồi chưng hửng đi về nhiều như chuyện thường ngày ở huyện, khi mà sân bóng biến thành chỗ để "đắp người tuyết". Các tifosi sẽ không khỏi ngán ngẩm nhìn mặt sân Sao Paolo của Napoli xấu khủng khiếp sau mỗi trận mưa, đến mức mà ủy ban UEFA phải buông lời đe dọa cấm dự cúp Châu Âu mùa sau nếu vẫn còn cảnh "đá bóng trên ruộng" kia .

Đối lập với sự cũ kĩ ở Italia là sự mới toanh và hiện đại của các sân vận động ở Đức. Và ôm quanh các sân cỏ của họ là các khán đài luôn chật kín khán giả , đầy màu sắc và cuồng nhiệt. Hãy nhìn sân bóng của Dortmund, Bayern, Schalke mỗi trận đấu của họ như một ngày hội. Đến một đội bóng đã xuống hạng như Munich 1860 mà sân bóng 70000 chỗ của họ bao giờ cũng đông, đó là niềm mơ ước của ngay cả những đại gia tại Serie A.

Sân nhà Signal Iduna Park của Dortmund. Ảnh: Internet.

Nếu không muốn sân bóng trở thành những "đấu trường cổ" bất đắc dĩ thì các CLB phải nhanh chóng nâng cấp và tu sửa. Nhưng để làm được điều này không đơn giản. Agnelli – Chủ tịch Juventus đã lên án rằng tình trạng quan liêu ở Italia quá lớn, khiến cho Juve phải mất 10 năm mới có một sân vận động riêng, trong khi cũng khoảng thời gian tương đương (từ năm 2000), Bundesliga cắt băng khánh thành cho 10 sân bóng mới.

Phải, ở Ý, sân vận động là của chính quyền thành phố, các CLB phải đi thuê. Chính quyền thành phố thì không có tiền (hay không muốn dành tiền) tu sửa sân, CLB sợ nâng cấp xong thì bị chính quyền thu mất. Cái cảnh "cha chung không ai khóc" đầy bất cập này chỉ làm khổ bóng đá Italia. PCT Milan Galliani đã cảnh báo rằng nhờ có sân vận động đẹp hơn Ligue 1 chẳng mấy chốc sẽ đánh bật Serie A ra khỏi vị trí thứ 4 Châu Âu. Đừng nói ông là người bi quan hay lo xa.

10 năm trước cả Serie A hoan hỉ khi mà chiếc cúp Champions League là chuyện nội bộ của họ với trận chung kết toàn Italia trong khi Bundesliga vẫn đang miệt mài trong công cuộc cải tổ. 10 năm sau vẫn là 2 giải đấu này, chỉ có điều, họ đổi chỗ cho nhau.

(Bạn đọc: Thành Duy)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@tinthethao.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập TinTheThao.com.vn

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục