Mỗi tuần một tối kiến: Cải cách hay phá hoại?

15:40 Thứ hai 29/07/2013

Những nhà môi giới đúng là đang có ảnh hưởng đáng kể lên thị trường chuyển nhượng cầu thủ, nhưng việc FIFA tìm cách gạt họ ra khỏi cuộc chơi thì chưa hẳn đã là một ý tưởng hay.

Bài viết cung cấp độc quyền bởi

 

 

 

Thị trường chuyển nhượng hiện nay rõ ràng là chưa được quản lý một cách chuẩn mực, và các cơ quan quản lý bóng đá đang nỗ lực để minh bạch hóa các giao dịch mua – bán cầu thủ. UEFA hay Ủy ban châu Âu (EC) đều đã có những giải pháp riêng của mình, nhưng trong những năm gần đây thì FIFA có lẽ là bên mạnh tay nhất. Từ năm 2007, FIFA đã triển khai hệ thống đăng ký dữ liệu chuyển nhượng (Transfer Matching System – TMS) và đến năm 2009 thì bắt đầu cải cách phương thức cấp phép hành nghề đại diện cầu thủ. Đến năm 2011, FIFA đã ngừng việc cấp giấy phép cho các nhà môi giới và chuyển trách nhiệm này sang cho các Liên đoàn bóng đá quốc gia. Tuy nhiên, động thái mới nhất của tổ chức có trụ sở tại Thụy Sĩ này vẫn khiến không ít người phải bất ngờ: FIFA đang nghiên cứu xây dựng một sàn chuyển nhượng tập trung trên phạm vi toàn cầu (Global Player Exchange – GPX) để thay thế các tay “cò” cầu thủ.

Nếu không có người đại diện, ai sẽ cập nhật cho báo giới diễn biến chi tiết những vụ chuyển nhượng bom tấn như Gareth Bale?

GPX là một dự án đầy tham vọng, với kho dữ liệu về hơn 150.000 cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp trên thế giới. Sau khi thu thập những thông tin đó, FIFA sẽ hệ thống hóa lại dưới dạng một kho dữ liệu nhằm giúp các CLB đơn giản hóa quá trình mua sắm: chỉ cần đăng nhập vào dịch vụ GPX, chọn một số tiêu chí cần thiết như tuổi, quốc tịch, chiều cao, vị trí, số bàn thắng… là mục tiêu tiềm năng sẽ hiện ra mà chẳng cần phải liên lạc với tay đại diện cầu thủ nào cả. Thông qua chương trình này, các đội bóng cũng có thể trực tiếp thương lượng với nhau về tính khả thi của các vụ chuyển nhượng và các tay cò sẽ dần dần hết đất sống – ít nhất là theo quan điểm của FIFA. Tất nhiên, FIFA cũng có những cơ sở nhất định khi đưa ra đề xuất này: bên cạnh thành công của TMS (hiện đã có hơn 5.500 CLB đăng ký sử dụng và theo dõi được hơn 11.000 thương vụ mỗi năm), thì những tay môi giới cũng đang được hưởng mức phí trung gian quá lớn. Tính đến năm 2012, họ đã đút túi tổng cộng 28% giá trị của các hợp đồng mua bán cầu thủ, tức cao hơn rất nhiều so với các loại hình môi giới khác như bất động sản, chứng khoán…. và không phải CLB nào cũng sẵn sàng bỏ ra chừng ấy tiền “bôi trơn” cho các nhà đại diện.

Tuy nhiên sự lạc quan của FIFA (thể hiện rõ nhất qua phát biểu của ông Jacques Anoma – Chủ tịch Ủy ban bóng đá cấp CLB – rằng “dự án này sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong hoạt động chuyển nhượng”) dường như có phần hơi sớm. Trên thực tế, việc mua bán cầu thủ không diễn ra đơn giản như trong những trò chơi giả lập bóng đá, nên các CLB vẫn phải cần đến người đại diện để trao đổi thông tin. Một ví dụ: giả sử hệ thống GPX thực sự đã tồn tại trên đời, thì trạng thái mà Barcelona đăng ký cho Thiago Alcantara chắc chắn sẽ là “không phải để bán”, nên các đội bóng khác sẽ sớm từ bỏ mối quan tâm đến tiền vệ người TBN. Tuy nhiên, bởi vì chưa có ai sử dụng GPX, nên Bayern Munich (thông qua tay môi giới Pere Guardiola) mới biết được rằng trong hợp đồng của Thiago có một điều khoản cho phép anh ra đi chỉ với cái giá 18 triệu euro, bất kể Barca có đồng ý hay không. Ví dụ khác: dù Napoli rất muốn bán Edinson Cavani, nếu họ công khai đăng ký anh dưới dạng “cầu thủ cần bán” thì chắc chắn giá của anh sẽ tụt thê thảm. Nhưng nếu kín đáo bắn tin tới Chelsea, PSG…. qua một vài tay môi giới thì vị thế mặc cả của Napoli sẽ hoàn toàn khác, và bằng chứng là PSG đã phải bỏ ra tới 64 triệu euro để có được chữ ký của chân sút người Uruguay. Tóm lại, dù chi phí phải trả là không nhỏ thì cả bên mua lẫn bên bán vẫn cần đến các tay cò cầu thủ.

Một vấn đề nữa: rất ít cầu thủ được trang bị đầy đủ kiến thức về luật pháp, tài chính … để tự đứng ra thương lượng hợp đồng. Vì thế, đương nhiên họ cần đến sự tư vấn từ những người đại diện. Nếu FIFA tìm cách gạt những tay môi giới ra khỏi cuộc chơi, ai sẽ giúp các cầu thủ đàm phán hợp đồng với nhà tuyển dụng tiềm năng? Có bao nhiêu cầu thủ dám chuyển CLB? Khi đó, chỉ e là hoạt động mua bán sẽ hầu như đình trệ, và thị trường chuyển nhượng cầu thủ sẽ quay lại với cái thời xa xưa giữa thế kỷ 20.
Quang Hải | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục