Công văn của Bộ VH,TT&DL đã xác định rất rõ ràng 2 vấn đề: Sẽ thanh tra hợp đồng VFF ký với AVG và tạm thời yêu cầu các bên liên quan, kể cả VPF, phải tôn trọng quyền sở hữu bản quyền của AVG. Với động thái ấy của Bộ, người ta hiểu rằng Bộ VH, TT&DL đã xử thắng cho VFF trong vụ tranh chấp bản quyền.
Được biết, trong Điều lệ V-League có điều khoản quy định: "Bản quyền truyền hình các trận đấu của giải Vô địch Quốc gia thuộc về VFF, chỉ có VFF mới có quyền thương thảo và ký kết các hợp đồng bản quyền truyền hình trên mọi phương tiện truyền thông...".
Quy định là thế, song VFF không thể và không dám một mình tự quyết định ký vào bản hợp đồng 20 năm với AVG nếu như không được "cấp trên" xem xét và đồng ý. Bản hợp đồng bản quyền bóng đá mà VFF ký với AVG cũng giống như với một số hợp đồng có thời hạn 20 năm khác mà AVG ký với một số liên đoàn thể thao sau khi được Tổng cục TDTT và xa hơn là Bộ VH, TT&DL nhất trí.
Do vậy, không phải đợi đến khi Bộ VH,TT&DL ra công văn về việc lập đoàn thanh tra xử lý vụ tranh chấp bản quyền truyền hình thì VFF đã rất tự tin vào bản hợp đồng ký với AVG.
Điều đó đã được chính Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và cũng là Phó chủ tịch VPF thừa nhận về tính minh bạch, sự hợp pháp của bản hợp đồng với AVG. Thế cho nên, sẽ khó có bất ngờ nào về bản hợp đồng giữa VFF với AVG từ phía đoàn thanh tra của Bộ VH, TT&DL.
Thậm chí, trong công văn này, Bộ VH, TT&DL còn chỉ ra rất rõ vai trò làm chủ của VFF và VPF chỉ là tổ chức thành viên khi cho rằng: VFF là đơn vị có thẩm quyền tổ chức và quản lý các giải bóng đá tại Việt Nam. VPF là đơn vị được VFF ủy quyền tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia...
Mặc dù vậy, vụ tranh chấp bản quyền truyền hình sẽ chưa thể khép lại, bởi từ đây đã nảy sinh nhiều vấn đề khác. Một khi AVG đã được công nhận quyền làm chủ cũng có nghĩa họ có thêm sự tự tin để có thể "vác đơn" đi kiện những gì mà tổ chức này cho rằng quyền lợi của họ bị vi phạm.
Nhưng điều đó không làm người ta lo ngại bằng mối quan hệ giữa VFF và VPF đang có dấu hiệu rạn nứt. Chính Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cũng đã phê phán cách làm của VPF và than thở, không hiểu VPF muốn gì nữa...
Một khi VFF và VPF bất đồng quan điểm và có thể còn có thành kiến sau vụ bản quyền truyền hình thì không hiểu liệu họ có cùng nhìn chung về một hướng để chèo lái con thuyền bóng đá Việt Nam ra khơi hay chỉ quanh quẩn gần bờ với những toan tính cho nhóm nhỏ?