Manchester United: Họ sẽ ở đâu trong đôi mắt của bạn?

11:45 Chủ nhật 18/03/2012

1. Đôi mắt là truyện ngắn của nhà văn Nam Cao viết về cái nhìn của hai nhân vật nhà văn Hoàng và Độ đối với cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong khi Hoàng nhìn với con mắt bi quan, dửng dưng như nó chẳng liên quan đến mình thì Độ nhìn cuộc kháng chiến và người dân với một niềm tin tưởng, hy vọng. Độ đã đi theo tiếng gọi của cách mạng, hòa vào cùng nhân dân chiến đấu.

2. Vào đầu những năm 1992, M.U lúc đó đang khó khăn, những bản hợp đồng lớn của Ferguson không được như người ta mong đợi. Nhiều người đặt cược cho Ferguson sẽ cuốn gói khỏi United. Nhưng ban lãnh đạo và đặc biệt chủ tịch - một huyền thoại sống ở United – Sir Matt Busby hoàn toàn tin tưởng vào ông. Kết quả là M.U năm đó giành được cup FA và đạt liền hai danh hiệu Primer League vào năm 1993, 1994. Năm 1992 (tôi thích con số này) cũng đánh dấu một cột mốc đáng nhớ, lần đầu tiên đội hình dream team gồm Giggs, Scholes, Beckham, Neville ra mắt đội hình một. Khi những cầu thủ kinh nghiệm như Paul Ince, Mark Hughes và Andrei Kanchelskis rời khỏi câu lạc bộ sau mùa giải 1994–95, ông quyết định để cho những cầu thủ trẻ trám vào các vị trí đó thay vì mua những cầu thủ ngôi sao từ những câu lạc bộ khác, quyết định đó đã thu hút rất nhiều lời chỉ trích. Lời chỉ trích tăng lên khi United bắt đầu mùa giải với thất bại 1–3 trước Aston Villa, tuy nhiên, United đã thắng liền năm trận kế tiếp. M.U thi đấu ngày càng hay, khái niệm “bật như man” ra đời từ đó. Đỉnh điểm của thành công này là cú ăn ba lịch sử. Nó đã chứng tỏ niềm tin của ngài Alex hoàn toàn chính xác.

Song đến những năm đầu của thế kỉ 21, M.U chững lại, họ không được đánh giá cao ở cúp Champions League nữa, ở đấu trường quốc nội họ bị Chelsea và Arsenal vượt mặt. M.U lúc đó cũng có một cuộc thay máu (Cris Ronaldo, Evra, Ferdinand…) nhưng dream team của M.U không quá già, họ vẫn gánh được áp lực vẫn là xương sống của Quỷ đỏ. Họ vẫn chơi, vẫn giành nhiều danh hiệu mà cú đúp năm 2008 là một điểm nhấn.

Tuy nhiên gần đây, với phong độ tụt dốc như đường đi xuống của đồ thị hình sin, người hâm mộ lại dấy lên những nghi ngờ về sức mạnh thực sự của quỷ đỏ. Không phải chỉ đến năm nay người ta mới đặt dấu chấm hỏi mà ngay như Gary Neville – một trong những đứa con xuất chúng của sân Old Trafford cũng bình luận M.U có vấn đề từ lâu rồi. Chỉ là đến năm nay, khi mà Man đỏ hết đỏ, cùng phong độ tụt dốc (Evra, Ferdinand) thê thảm, và những chấn thương liên miên (Vidic, Fletcher…) thì người ta mới giật mình thừa nhận sự thật phũ phàng này. Đã có lúc M.U bung bét như một trái cam dập nát để đến nỗi gánh nặng phải đặt lên vai một tân binh như Phil Jones. Nếu không nhờ kinh nghiệm “liệu cơm gắp mắm” đã thành thương hiệu của Sir Alex thì có lẽ M.U đang vất vưởng ở vị trí thứ tư, thứ năm như Arsenal hay Chelsea. Nói rằng United hết đỏ không phải ám chỉ những bàn thắng kiểu “rùa rùa” mà do những biến cố xảy ra cùng một mùa giải. Đầu tiên là sự giải nghệ của Scholes và Edwin kế đến là chấn thương của Vidic cùng chục cầu thủ khác, tiếp theo là phong độ tụt dốc không dùng phanh của Evra và Ferdinand.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, chính thái độ hời hợt, chủ quan của M.U ở đầu mùa giải với các đội bóng như Basel, Benfica đã góp phần gây nên hậu quả như ngày hôm nay. Để rồi khi phải liên tiếp đón những ca chấn thương thì M.U lại không thể kiểm soát được tình hình và kết quả bị bật bãi khỏi CL. Xuống chơi European League, M.U cũng không khởi sắc hơn. Nói M.U buông là không đúng, bởi từ “buông” có nghĩa họ có thể làm nhưng không muốn làm. Chắc chắn M.U cũng muốn vô địch E.P để chuộc lại lỗi lầm bị loại khỏi C.L. Nhưng thực tế cho thấy M.U không đủ khả năng thi đấu trên cả hai đấu trường.

3. Sự thực thì M.U yếu đi đó là một hệ quả tất yếu của tự nhiên. Khi đồ thị hình sin lên đỉnh thì nó sẽ đi xuống. Có vẻ lịch sử năm 1992 sẽ lặp lại. Những cầu thủ ở thế hệ trước đã già quá rồi, United cần một cuộc thay máu mới. Cuộc thay máu này nhất định sẽ có những thất bại, đắng cay. Nó có thể làm người hâm mộ hụt hẫng, buồn rầu, tức giận nhưng dù vậy chúng vẫn phải diễn ra. Chúng ta nhìn vào cuộc cách mạng đó cũng như Hoàng và Độ trong Đôi mắt vậy. Sẽ có những lời chỉ trích, sẽ có những sự lạc quan. Hoàng không tin vào cách mạng, anh ấy sợ phải nhận những thất bại, sợ phải đối diện với cảm xúc thất vọng. Nhưng Độ đã tin bởi anh luôn luôn có niềm hi vọng vào tương lai, vào những người mình yêu quí đáng để gửi gắm niềm tin.

4. Sáng thứ Sáu, phải đi sớm nên tôi không thể xem đội bóng con cưng của mình. Khi đến trường, anh bạn ngồi cạnh trên giảng đường quay sang nói:

- Buồn quá, em ơi! M.U lại thua rồi, đã thua 3 trong 4 trận gần nhất ở đấu trường Châu Âu. Em xem nhiều, em có tin là M.U sẽ giành được cup lần thứ 20 không?

Tôi cũng chẳng biết trả lời thế nào.

- Nếu M.U không giành được cup lần thứ 20 có lẽ anh sẽ không hâm mộ M.U nữa.

Tôi cười:

- Còn em thì vẫn thích thế thôi!

(Bạn đọc: Princess Apple)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@tinthethao.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập TinTheThao.com.vn

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục