Xin lỗi Terry, anh không phải là nạn nhân!

13:04 Thứ ba 25/09/2012

Trong thông báo của mình, John Terry nói thẳng anh là nạn nhân của cách đối xử từ FA. Nhưng trên thực tế, FA và tuyển Anh nhiều lần trở thành nạn nhân của scandal do anh gây ra. Terry phải ra đi, tuyển Anh mới bình yên.

Trong 2 năm rưỡi qua, Terry luôn là nhân vật chính trong mọi scandal đáng chú ý nhất của tuyển Anh. Ngay trước thềm World Cup 2010, giải đấu mà người Anh đã kỳ vọng rất nhiều, là scandal tình ái liên quan đến bạn gái cũ của Wayne Bridge. Ngay sau vòng loại EURO 2012 là scandal phân biệt chủng tộc đối với Anton Ferdinand. Ngay trước VCK EURO 2012 là mối bất hòa với Rio Ferdinand, người đã khoác áo tuyển Anh nhiều hơn cả Terry.

John Terry - Ảnh Getty

Vì Terry, Bridge đã phải tự tuyên bố từ giã ĐT Anh. Bridge từng là bạn rất thân với Terry thời còn ở Chelsea. Nhưng Bridge đủ lòng tự trọng để hiểu rằng, không thể tiếp tục "cùng chiến đấu" với người đã cho đầu mình "mọc sừng", dù thời điểm ấy Bridge mới 29 tuổi và như bao cầu thủ khác, được khoác áo tuyển Anh là vinh dự đối với anh. Ở scandal này, Terry đã mất băng đội trưởng, nhưng Bridge đã đánh mất cả giấc mơ, vinh dự và niềm tin.

Vì Terry, Fabio Capello đã bị FA sa thải. Không ai bảo vệ Terry quyết liệt như Capello. Dù từng tước băng đội trưởng của Terry vì scandal liên quan đến Bridge, Capello luôn miệng khẳng định Terry mới là thủ lĩnh của "Tam sư". Cũng chính Capello đã phục chức cho anh sau "1 năm thử thách". Và cuối cùng, vì bảo vệ Terry ở vụ phân biệt chủng tộc đối với Anton Ferdinand, Capello đã mất việc. Ông đã giận dữ khi FA đơn phương tước băng đội trưởng của Terry (lần 2) mà không hề tham khảo ý kiến của ông. FA vin vào phản ứng ấy, đẩy ông ra đường. Trong suốt sự nghiệp hiển hách của mình, Capello chưa từng phải ra đi theo cách này. Học trò cưng của ông lại mất băng thủ quân, nhưng ông thì mất việc. HLV tuyển Anh luôn là người nhận lương cao bậc nhất thế giới.

Vì Terry, Rio Ferdinand coi như đã mất luôn sự nghiệp ở tuyển Anh. HLV Roy Hodgson đã không gọi anh vào ĐTQG, tham dự EURO 2012. Rio đá cho tuyển Anh từ năm 1997, trải qua 81 trận. Anh gắn bó với ĐTQG lâu hơn, đá nhiều trận hơn Terry và xét về đẳng cấp, chắc chắn không hề kém Terry. Tất nhiên rồi ai cũng phải rút lui vì vấn đề tuổi tác. Nhưng Rio đã không được đối xử hợp tình, hợp lý. HLV Hodgson giải thích rằng ông không gọi Rio vì lý do chuyên môn. Nhưng sự thực, ngay cả khi Gary Cahill dính chấn thương, Hodgson vẫn không gọi Rio thế vai bất chấp những trung vệ của tuyển Anh còn lại non kém về kinh nghiệm và đẳng cấp. Lý do thực sự: Hodgson không muốn Rio và Terry hục hặc nhau trong phòng thay đồ, vì scandal phân biệt chủng tộc đối với Anton Ferdinand, vốn là em trai của Rio. Hay nói cách khác, Rio chính là nạn nhân của Terry. Rio vẫn khát khao cống hiến cho tuyển Anh, nhưng những vụ bê bối của Terry đã hủy hoại khát khao này.

Vì Terry, phòng thay đồ của tuyển Anh luôn trở thành đề tài ưa thích của những tờ báo lá cải. Câu hỏi liệu Terry có xứng đáng được khoác băng đội trưởng, giành lại băng đội trưởng hay khoác áo ĐT Anh thường xuyên xuất hiện trên các mặt báo. Kẻ thì bảo vệ anh, người thì chỉ trích anh. Dù là bảo vệ hay chỉ trích, Terry là tâm điểm của những tranh cãi không đáng có.

Vì Terry, nội bộ của tuyển Anh luôn ở trạng thái bất ổn, nhất là khi họ tham dự các giải lớn. Chắc chắn tình trạng bất ổn ấy ảnh hưởng ít nhiều đến thành tích trên sân cỏ, dù không phủ nhận những lý do mang tính chuyên môn.

FA đã mất nhiều năm để xử lý dứt khoát những vấn đề liên quan đến Terry. Nguyên nhân: Terry được thừa nhận là "đại ca" trong phòng thay đồ. FA sợ xử lý Terry nặng sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn, khiến ĐT Anh thi đấu tệ. Nhưng với Terry "đại ca", tuyển Anh chẳng thể thành công.

Vậy nên cần phải thay đổi. Có thể FA đã có tác động nhất định đối với Terry, khiến anh phải tuyên bố rút lui. Nhưng đó chỉ là cái kết mà Terry xứng đáng phải đón nhận sau những gì anh đã gây nên.

Đức Lộc | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục