Xem người Thái tiếp thị bóng đá

14:30 Thứ ba 06/03/2012

Sau nhiều chuyến dự tính đi Thái Lan bị “bể” vào giờ chót, cuối cùng tôi cũng quyết định đi đến Bangkok để xả hơi cùng gia đình và cũng để tránh xa sự ồn ào của... bóng đá VN.

Một thanh niên Thái Lan chụp ảnh với manơcanh khoác áo ngôi sao Robbie Fowler tại khu mua sắm Zen Plaza - Ảnh: L.C.

Nói bóng đá VN “ồn ào” là vì vụ VPF tranh giành bản quyền truyền hình với AVG ầm ĩ quá, là vì chiến lược - mục tiêu đăng cai World Cup của ta “nổ” quá. Vậy mà qua đến Thái - ngay giữa thủ đô Bangkok - vẫn gặp bóng đá, và tôi đã thấy được cách người Thái tiếp thị bóng đá.

1
Ngày đầu tiên trong chuyến đi ba ngày hai đêm, tôi bắt gặp một cuộc diễu hành khá rầm rộ có cả dàn kèn đồng trên đường phố Bangkok. Hỏi ra mới biết đó là những sinh viên của hai trường đại học có tiếng tại thủ đô Thái Lan trong dịp diễn ra sự kiện trận đấu bóng đá truyền thống lần thứ 68 giữa Chulalongkorn (Chula) và Thammasat. Dù không đi xem trận này nhưng đến cuối ngày tôi cũng biết được kẻ thắng người bại. Gần 10 giờ tối, các CĐV Chula trong trang phục áo hồng vẫn còn tràn ngập các siêu thị, có lẽ để ăn mừng chiến thắng 1-0, dù đây mới chỉ là chiến thắng thứ 14 trong 68 lần gặp gỡ.

Trong lòng tự hỏi: “Người Thái mê bóng đá đến thế sao?”, rồi cũng tự tìm ra được câu trả lời: “Họ còn có thêm niềm tự hào vì màu cờ sắc áo”. Bóng đá sinh viên đã như thế thì bóng đá đỉnh cao không thể bậy bạ được.

Logo triển lãm bóng đá Thái Lan

2
Ngày thứ nhì ở Bangkok là ngày tôi phải hết “À...” rồi “Ồ...” nhiều lần dài thật dài với sự thán phục cách làm bóng đá không cần ồn ào nhưng hiệu quả của người Thái.

Những người làm bóng đá Thái Lan đã mang Premier League của họ, những câu lạc bộ của họ đến với người dân bằng một trong những con đường đơn giản nhất: xuất hiện tại các trung tâm mua sắm! 20 đội bóng ở Thai League đều có cơ hội tiếp cận với người hâm mộ hiện tại hoặc những người có tiềm năng trở thành người hâm mộ của họ thông qua các gian hàng của đội bóng được đặt ngay trước mặt tiền Central World - một trong những khu mua sắm tấp nập nhất Bangkok!

Tại các gian hàng này, người hâm mộ có thể gặp gỡ các cầu thủ đại diện của đội bóng để xin chữ ký, chụp ảnh lưu niệm, trong khi những người chưa có đội bóng nào trong tim mình thì có thể dạo một vòng qua các gian hàng - như kiểu đi chọn dâu - biết đâu sẽ tìm được một đội bóng mình sẽ yêu thích?

LĐBĐ VN có bao giờ nghĩ đến việc giúp các đội bóng có thêm người hâm mộ bằng cách đem hình ảnh các CLB đến những địa điểm như Vincom, Parkson hay Diamond Plaza? Hô hào V-League là số 1 Đông Nam Á không phải là cách tiếp thị tốt nhất và hiệu quả nhất đối với công chúng mà đại đa số còn chưa thuộc tên các đội bóng và chưa nắm rõ số lượng đội bóng dự giải!

Những ngôi sao vang bóng một thời của bóng đá Thái Lan được giới thiệu tại triển lãm

3
Bên trong Zen Plaza - khu mua sắm liền kề với Central World ở Bangkok - là một sân bóng mô hình với kích cỡ tương đương một sân bóng mini. Trên sân là manơcanh mặc áo đấu của tất cả những đội bóng dự Premier League của Thái. Nhiều bạn trẻ đứng săm soi logo của từng chiếc áo đấu. Một bạn là fan của BEC Tero giải thích: “Tôi muốn xem kỹ logo của Muang Thong United vì từ trước đến giờ chỉ loáng thoáng thấy trên tivi”. Muang Thong chính là đội bóng HLV Henrique Calisto từng dẫn dắt, và từng là điểm đến của Robbie Fowler - ngôi sao một thời của Liverpool và bóng đá Anh. Sân bóng mô hình này cũng là nơi để các CĐV được chụp ảnh lưu niệm với chiếc áo đấu của đội bóng mình yêu thích.

Ở một khu sảnh khác phía trong Zen Plaza là khu vực trưng bày... quá khứ của bóng đá Thái Lan. Đó là những chiếc áo vài chục năm trước của những đội bóng tên tuổi của Thái Lan, là những đôi giày của các cựu danh thủ, là những quả bóng cũ, là những chiếc cúp gợi nhớ một thời... Và trên hết là hình ảnh của những gương mặt đã trở thành huyền thoại của bóng đá Thái mà họ tự hào đặt phía trên một dòng chữ “Asia All Star”. Để mang bóng đá nội địa đến với từng ngôi nhà, những người làm bóng đá tại Thái Lan hiểu rõ họ phải biết trân trọng, tôn vinh những cựu danh thủ trong khi vẫn phải quan tâm, chăm lo cho thế hệ hiện tại. Không những thế, những người làm bóng đá Thái Lan còn biết cách gợi lại không khí hào hùng trong lòng người hâm mộ thế hệ cũ xưa, thỏa mãn thế hệ hiện tại và xây dựng thế hệ khán giả tương lai.

Người Anh đã cho thế giới bài học về sự quan trọng của khâu tiếp thị bóng đá. Người Thái đã nhanh học theo cách của người Anh. Còn VFF thì vỗ ngực nói mình 10 năm làm chuyên nghiệp, nhưng hiện giờ khâu tiếp thị là con số 0.

Lý Chánh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục