Vung tiền mua sắm - bí quyết thành công ở Ngoại hạng Anh

10:10 Thứ bảy 08/02/2014

Các thống kê chỉ ra rằng thành tích mà mỗi đội bóng đạt được trong năm năm qua tỷ lệ thuận với số tiền họ chi cho việc mua sắm cầu thủ.

UEFA đang nỗ lực thắt chặt việc chi tiêu vô độ thông qua Đạo luật Công bằng tài chính (FFP), nhưng Ngoại hạng Anh có vẻ vẫn chưa chịu tác động từ "chiếc vòng kim cô" này. Tiền vẫn là công cụ mang lại niềm vui và thành tích cụ thể nhất cho các CLB ở giải đấu này.

Thống kê của transferleague.co.uk cho thấy trong năm mùa gần nhất, những đội chịu khó chi tiền nhiều đều thống trị bức tranh toàn cảnh về cuộc đua tranh các danh hiệu. Ngược lại, với các đội chi ít tiền, danh hiệu là thứ xa xỉ.

Các đội bóng chi tiền nhiều nhất ở Ngoại hạng Anh năm năm qua

Man City là một hiện thân cho nguyên lý này, khi họ đứng đầu danh sách các CLB chi tiền nhiều hơn cả và đương nhiên gặt hái thành công.

Đội bóng có ông chủ là tỷ phú dầu mỏ này vung hơn 640 triệu bảng, trong đó mức thuần chi là ngót nghét 480 triệu, vào việc mua sắm trong năm năm qua. Nhờ những khoản đầu tư đó, từ một đội luôn phải lo trụ hạng và cùng lắm, chỉ mơ cán đích trong top 10, Man City vụt vươn mình thành một thế lực khi đoạt danh hiệu vô địch Ngoại hạng Anh đầu tiên trong lịch sử và một Cup FA.

Hè 2010, Man City chi 74 triệu bảng mua bộ tứ cầu thủ này. Trừ Boateng, ba người còn lại đều là những khoản đầu tư đắt, nhưng xắt ra miếng, góp phần giúp CLB gặt hái thành công lớn.

Chelsea, một ứng cử viên nặng ký bên cạnh Man City trên đường đua vô địch mùa này, đứng thứ hai trong danh sách, với mức thuần chi là 282 triệu bảng. Và nhờ khoản tiền đó, họ có một danh hiệu Ngoại hạng Anh, ba Cup FA, một Champions League và một Europa League.

Man Utd, bất chấp đà suy thoái thời hậu Ferguson hiện tại, vẫn là đội vung tiền nhiều thứ ba trong năm năm qua, với mức thuần chi là 139 triệu bảng, qua đó, đoạt ba danh hiệu Ngoại hạng Anh và hai lần ẵm Cup Liên đoàn.

Ngay cả Stoke, đội đứng thứ tư với mức thuần chi 92 triệu bảng, cũng là một bằng chứng cho việc vung tiền tỷ lệ thuận với thành công, tương xứng với tầm vóc của họ. Cụ thể, đội bóng này một lần vào chung kết Cup FA (2011) và liên tục trụ lại Ngoại hạng Anh.

Ở chiều ngược lại, Newcastle là đội bóng chi ít tiền nhất. Với thương vụ bán Yohan Cabaye cho PSG giá 20 triệu bảng hồi tháng 1, họ lãi ròng tới 45 triệu bảng trong công tác mua bán cầu thủ năm năm qua.

Thương vụ Cabaye là điển hình cho chính sách mua rẻ bán đắt giúp Newcastle kiếm lãi lớn năm năm qua. Nhưng cái giá cho thành công về tài chính đó là thất bại về thành tích trên sân cỏ.

Nhưng mức lãi đó có chăng chỉ làm hài lòng ông chủ Mike Ashley, người áp dụng chính sách tài chính rất hà khắc lên CLB suốt năm năm qua. Các CĐV thì có lẽ sẽ không thể vui vì Newcastle đã một lần xuống hạng và chạy trối chết để trụ lại Ngoại hạng Anh ở ba trong năm mùa giải gần nhất.

Chỉ có hai đội khác kiếm lãi từ việc mua bán cầu thủ trong năm năm qua, và cũng như Newcastle, họ không đủ sức thách thức các danh hiệu.

Everton và Arsenal, với mức lãi ròng lần lượt là 12 và bốn triệu bảng tính từ mùa 2008-2009, luôn được nhắc tới như là những điển hình cho một CLB được quản lý, điều hành tốt về mặt tài chính. Nhưng họ chỉ là số không xét về mặt danh hiệu.

Everton chỉ mon men được tới nhóm dự Cup châu Âu, trong khi Arsenal, giữ được chỗ trong top 4 và qua đó, kiếm đường dự sân chơi hái ra tiền Champions League, cũng là thành công lớn như việc đoạt một chiếc Cup.

Mức lãi ròng mà Arsenal mang về từ việc mua sắm cầu thủ không làm các CĐV hài lòng. Thứ mà họ cần là những danh hiệu lớn, điều chỉ có thể đạt được, nếu HLV Wenger và CLB chịu chi nhiều tiền.

Không ít lần, trong những trận cầu mà Arsenal chơi tệ hại, các CĐV Arsenal đã thể hiện thái độ của họ với HLV Wenger, người tôn thờ chính sách tài chính hà khắc, bằng những tấm biển ghi chữ "Hãy chi tiền".

Phương Minh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục