Vũ khí nào chống "xe bus 2 tầng"?: Người Đức cần thêm sự sáng tạo

15:02 Thứ sáu 22/06/2012

Tuyển Đức đã cho thấy họ có sự kiên nhẫn cần thiết để bẻ gẫy những hệ thống phòng ngự kiên cố nhất, và Hy Lạp sẽ là thử thách tiếp theo. Nhưng kiên nhẫn thôi chưa đủ, họ cần thêm chất sáng tạo nữa.

Thành tích toàn thắng trong 3 trận vòng bảng có thể không ấn tượng như thoạt trông bởi lẽ ở cả 3 trận đó, Đức đã trở về với bản thể thường thấy của họ là sự hiệu quả và thực dụng, hơn là một phong cách mới của tốc độ và sự sáng tạo vốn được ca ngợi từ thời Jurgen Klinsmann. HLV Joachim Loew, người kế thừa và phát huy lối chơi đó, có thể sẽ cần thêm sự sáng tạo tối nay nếu muốn công việc dễ dàng hơn.

Oezil (phải) sẽ cần thêm đối tác như Goetze

Đức đã bị chỉ trích nhiều vì từ bỏ lối đá tấn công từng khiến họ được ngưỡng mộ ở 3 kỳ giải lớn vừa qua và dù Loew cho rằng chính các đối thủ đã khiến đội bóng áo trắng khó thể hiện hơn, thì sự thực vẫn là Mannschaft cần thêm sự sáng tạo, nhất là ở hai cánh, để có thể khẳng định vị trí ứng viên đích thực của họ, bằng một chiến thắng thuyết phục tối nay. Sự kiên nhẫn mà họ thể hiện khi giành trọn 9 điểm trước BĐN, Hà Lan và Đan Mạch là rất chuyên nghiệp, nhưng đội bóng áo trắng cần nhiều hơn thế để đánh bại một Hy Lạp cũng sẽ chơi chậm chạp và câu giờ tối nay.

Felix Magath: Hãy cất Khedira, Schweinsteiger và Gomez đi

Trong mục xã luận thể thao của trang Welt.de, HLV Wolfsburg khẳng định “Hy Lạp sẽ lùi sâu và phòng ngự, giống như dưới thời Otto Rehhagel. Họ rất giỏi việc đó, tổ chức tốt, chơi quyết liệt và có kỷ luật. Họ chỉ để thủng lưới 5 bàn trong 10 trận vòng loại, một đối thủ rất khó đá. Họ cũng có thể chơi phản công hiệu quả và luôn ghi ít nhất một bàn". Trước một đối thủ như vậy, Magath cho rằng Đức không cần Sami Khedira và Bastian Schweinsteiger, cũng như tiền đạo cắm như Mario Gomez. Ông khẳng định rằng Mannschaft cần những tiền vệ có thể đi bóng, chuyền bóng, chơi tốt trong khoảng hẹp và tạo ra đột biến, như Mesut Oezil, Miroslav Klose, Andre Schuerrle hay Mario Goetze, những người đã phải ngồi dự bị thời gian qua. "Tất nhiên, những thay đổi như thế cũng có rủi ro khiến nhịp điệu bị phá vỡ, nhưng riêng trận này chúng ta cần điều đó", Magath kết luận "Khi đã vào bán kết, chúng ta có thể quay lại với đội hình xuất phát đã thành công ở vòng bảng"..
Cho tới nay, Loew đã sử dụng Lukas Podolski và Thomas Mueller ở hai cánh trong đội hình xuất phát 4-2-3-1 của ông. Nhưng có vẻ như Podolski và Mueller thích hợp hơn với lối chơi nhanh, thiên về phản công mà Đức từng thể hiện ở Nam Phi 2 năm về trước. Trong những thế trận áp đặt, Loew có thể cần một trong 3 nhân tố tiềm ẩn có thể tạo ra đột biến và dẫn dắt thế trận mà ông đang có trong tay, Mario Goetze, Toni Kroos hoặc Marco Reus.

Loew cũng có lý khi cho rằng các đối thủ của Đức đã tỏ ra thận trọng hơn rất nhiều khi phải đối mặt với họ. Ngay cả Hà Lan, ý thức rõ ràng về khả năng phản công với độ sát thương cực cao của Mannschaft, cũng không dám dâng lên quá cao. Hệ quả là dù muốn hay không, Đức cũng phải cầm bóng nhiều và nắm lấy quyền chủ động.

Một mình Oezil là chưa đủ

Sự thay đổi về thế trận sẽ dẫn tới sự thay đổi về con người. Cho tới giờ, Đức đã cho thấy họ vẫn có thể vượt qua những đội chỉ chăm chăm phòng ngự và không để lộ ra khoảng trống nào, nhưng những tình huống dẫn tới bàn thắng của Mannschaft vẫn ít ỏi hơn rất nhiều so với ở Nam Phi và Loew không thể mạo hiểm số phận đội bóng của ông vào những khoảnh khắc lóe sáng cá nhân hiếm hoi đó.

Podolski rất tốc độ, Mario Gomez giỏi chớp thời cơ và Mueller có khả năng chuyền bóng phản công sắc sảo, nhưng những phẩm chất đó chỉ phù hợp với một đội bóng chơi phản công. Nếu muốn nắm thế chủ động và đánh bại đối thủ, Đức sẽ cần nhiều hơn chỉ một Mesut Oezil để tạo ra sự sáng tạo cho thế trận tấn công. Goetze và Reus, dù còn rất trẻ tuổi, đã cho thấy khả năng dẫn dắt trận đấu ở Borussia Dortmund và Gladbach. Những pha phối hợp với tốc độ cao và liên tục giữa các cầu thủ có khả năng giữ bóng giỏi đó cũng sẽ là yếu tố quan trọng để kéo giãn hàng phòng ngự Hy Lạp, tạo ra khoảng trống cho mũi nhọn Gomez hoặc để Schweinsteiger dứt điểm từ tuyến hai.

Một cách ngắn gọn, Đức hoàn toàn có đủ thực lực để đánh bại Hy Lạp, đội công bằng mà nói đã vào tứ kết một cách khá may mắn. Toàn bộ vấn đề của trận đấu này chỉ là việc các cầu thủ áo trắng có tạo ra được những cơ hội thực sự từ thế trận chủ động mà họ có được hay không, bởi lẽ dứt điểm cũng không phải là vấn đề với Mannschaft vào thời điểm này.

2 Trong 24 trận gần nhất, Hy Lạp chỉ có vỏn vẹn 2 trận thủng lưới nhiều hơn 1 bàn. Một trong số đó là thất bại 1-2 trước CH Czech ở vòng bảng EURO 2012.

5 Hy Lạp chỉ thủng lưới 5 bàn sau 10 trận vòng loại EURO 2012, chỉ nhiều hơn ĐT Italia (2) và Nga, Pháp (4). ĐT Anh cũng thủng lưới 5 bàn, nhưng họ chỉ phải đá 8 trận.

34 Với 34 bàn thắng, Đức là đội bóng có hàng công mạnh thứ nhì ở vòng loại, chỉ kém Hà Lan (37), và gần gấp ba lần Hy Lạp (13)
Trần Trọng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục