VTV bàn về tuổi thật Công Phượng: Thuyết âm mưu hay ma trận truyền thông?

16:45 Thứ tư 19/11/2014

(TinTheThao.com.vn) - Tiếp theo về vụ tuổi thật của Công Phượng, Báo Thể thao Việt Nam xin gửi đến bạn đọc bài viết của độc giả Trần Đình Nhân, hiện là giảng viên khoa Ngữ Văn, Đại học Sư Phạm Huế về các giả thuyết từ góc nhìn của thuyết âm mưu.

Từ khi Chuyển động 24h làm một phóng sự mang tính chất điều tra, được gia cố bởi hiệu ứng âm thanh và hình ảnh, kết hợp với những phân tích, bình giá bằng một thứ ngôn từ sắc lạnh, khiến cho chúng tôi, những người xem không khỏi rùng mình. Vậy thật ra việc VTV quyết “lùng” ra cái mà họ cho là “sự thật” ấy nhằm mục đích gì? Tại sao họ lại hăm hở như thế? Có ai đứng đằng sau việc ấy hay không? Những câu hỏi ấy không dễ gì giải đáp. Bản thân chúng ta ai cũng lờ mờ nhận ra có điều gì đấy không ổn sau lớp sương mù ấy.

Nhưng cũng không dễ gì kết tội khi mà họ đã rất cẩn thận “bọc” nó bằng những mỹ từ tốt đẹp như đạo đức nhà báo, gìn giữ sự thật… Vậy nên xin được mạo muội đưa ra những giả thuyết (xin nhắc lại đây chỉ là giả thuyết) từ góc nhìn của thuyết âm mưu, một học thuyết vẫn thường hay được sử dụng khi nhắc đến các sự kiện mang tính bí ẩn và khó hiểu trong đời sống chính trị, xã hội. Biết đâu bạn đọc với vai trò to lớn của mình sẽ “nhìn” ra được điều gì đấy đằng sau ma trận truyền thông trùng trùng lớp lớp mà họ đã giăng ra

Công Phượng đã làm gì nên tội?

Mấy ngày nay, người hâm mộ bóng đá Việt Nam đang dấy lên cơn bão tranh cãi về việc gian lận tuổi của cầu thủ Nguyễn Công Phượng.

Đã có một thời kì chúng ta thực sự say mê với bóng đá Việt Nam. Mỗi khi lứa cầu thủ thủ thế hệ vàng với những Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Minh Chiến, Hoàng Bửu, Phương Nam… ra sân, chúng ta lại được sống trong không khí háo hức sôi nổi, cuồng nhiệt với nhịp trái bóng lăn. Mỗi dịp SEA Games, Tiger Cup (bây giờ là Suzuki AFF Cup) diễn ra, hàng triệu khán giả Việt Nam lại được dịp ăn bóng đá, ngủ bóng đá, thậm chí bỏ dở việc đồng áng để xem bóng đá. Vậy mà khi bóng đá Việt Nam chuyển lên chuyên nghiệp, bóng đá chính thức trở thành một nghề kinh doanh thì không khí ấy cũng dần tan biến.

Người ta đã cố níu kéo bằng việc giật tít những vụ bán độ, những bê bối bạo lực sân cỏ, những vụ lật kèo, phản bội câu lạc bộ của cầu thủ,… nhưng thủ hỏi, sức hút từ bóng đá việt Nam mang lại thật sự đã như thế nào? Tất cả chỉ là sự hờ hững. Người ta không nói, không bàn, không say sưa gì với bóng đá Việt Nam nữa. Do đâu mà ra thế, chắc hẳn ai cũng biết!

Vậy mà, như một luồng gió mới ùa vào cái không khí đìu hiu của sân cỏ Việt Nam, Công Phượng cùng U19 Việt Nam đã đánh thức tình yêu và niềm tin đối với bóng đá Việt. Họ hy vọng vào một lứa cầu thủ mới đủ đạo đức và trình độ để thay đổi nền bóng đá Việt Nam. Đã lâu lắm rồi mới lại thấy được cái không khí người người, nhà nhà nô nức bàn tán như thế. Những Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh… mỗi khi ra sân đều khiến bao triệu con tim thao thức. Họ dõi theo những bước chân khéo léo, uyển chuyển của các em. Họ tán thưởng hành động đầy văn hóa khi các em đã giúp đỡ cầu thủ của đội bạn bị chuột rút. Người ta say sưa với tinh thần chiến đấu hết mình của các em dù cho kết quả có thế nào đi chăng nữa,...

Và câu hỏi đặt ra ở đây là Công Phượng (và đồng đội) đã làm gì nên tội để VTV đã dành hẳn một phóng sự (dài kỳ) để biến các em từ những người hùng trong mắt hàng triệu con tim yêu thể thao chân chính thành một kẻ mang dáng dấp tội phạm làm ô uế nền thể thao nước nhà như vậy? Tôi xin thử đặt ra đây vài tội của Công Phượng (nếu việc gian lận tuổi ấy là sự thật) để anh hùng trong thiên hạ thử luận bàn sai đúng:

Tội thứ nhất: Công Phượng đã khai man tuổi để được theo đuổi niềm đam mê bóng đá của mình.

Ai cũng biết có lần Công Phượng đã trượt kì thi tuyển của câu lạc bộ bóng đá nọ. Chính vì vậy cậu bé gầy gò, ốm yếu nơi miền quê ấy phải khăn gói cùng cha bán thóc để vào tận Phố núi xa xôi thi tuyển vào học viện Hoàng Anh Gia Lai JMG. Và rồi cậu ấy đã đỗ, mang theo một cơ hội được thõa mãn niềm đam mê.

Thế giới có bao nhân tài bóng đá cũng nhờ sự may mắn vô tình ấy mà đã thành tài. C.Ronaldo suýt bị mẹ từ bỏ khi còn là một bào thai vì cậu bé ấy thuộc dạng “vỡ kế hoạch”. Lionel Messi từ một cậu bé còi xương, thấp bé may mắn được Barca nhận mới được như ngày nay. Rồi những ngôi sao khác như Ibrahimovic, Suarez, Di Maria… nhờ may mắn, thậm phải có chút mánh khóe mới có cơ hội lọt vào mắt xanh của các tuyển trạch viên để thành tài như ngày nay. Vậy tội đó có đáng gọi là tội?

Tội thứ hai: Công Phượng đã khai man tuổi để tìm cơ hội thoát nghèo.

Khi quyết tâm bán mấy tạ thóc để đưa con đi thi, ngoài việc cho con được thõa mãn niềm đam mê, ắt hẳn gia đình Công Phượng cũng hy vọng một ngày nào đó con sẽ thành tài để gia đình thoát cảnh đói nghèo. Đã có nhưng trang viết về hoàn cảnh khốn khó của gia đình Phượng khiến cho chúng ta rơi nước mắt. Nhiều người tự hỏi: chao ôi, gia cảnh của một tài năng như Công Phượng lại khốn khó đến vậy sao? Hãy nhìn ra thế giới, đã có bao người nhờ bóng đá mới thoát nghèo, nhờ bóng đá mới không trở thành tội phạm? Ibrahimovic từng tâm sự, nếu không có bóng đá, có lẽ anh cũng đã trở thành một gã du côn nơi khu phố nghèo đầy tệ nạn ấy. Vậy, việc khai man tuổi của Công Phượng (nếu có) thì có đáng để xem là tội, thậm chí tội nặng đến mức các vị ấy xem như con sâu làm rầu nồi canh hay không?

Vấn đề đặt ra ở đây là: phải chăng tội của Phượng và đồng đội là đã đá hay, đá đẹp, đá có văn hóa và đá không vụ lợi. Nếu thế thì có lẽ sự trong sáng của các em đã khiến cho những kẻ hay soi mói thấy chướng tai gai mắt.

Đâu là sự thật của việc “đi tìm sự thật”?

Vậy VTV có “âm mưu” gì không khi quyết đi tìm cái mà họ gọi là “sự thật” ấy? Câu trả lời có lẽ sẽ được tìm ra khi ta giải quyết được câu hỏi: họ làm như thế nhằm mục đích gì? Ai là kẻ được lợi? Để trả lời những câu hỏi ấy, chúng tôi xin thứ đưa ra một vài giả thuyết như sau:

Thứ nhất, họ đang tự đánh bóng tên tuổi của mình?

Giả thuyết này là có cơ sở. Trước khi họ làm phóng sự đầy chất hình sự ấy có bao nhiêu người biết đến Chuyển động 24h? Câu trả lời chính xác tôi không có vì không đủ khả năng điều tra sắc bén như họ-những nhà báo chuyên nghiệp. Tuy nhiên, có thể nói con số này không nhiều, bởi trước khi có phóng sự này diễn ra thì tôi đã hỏi nhiều đồng nghiệp, bạn bè và thậm chí là sinh viên của tôi thì họ đều lắc đầu không biết.

Bây giờ hỏi có ai biết không thì nhiều người có thể kể vanh vách nó được chiếu vào khung giờ nào? Ai là BTV?… Có thể kết luận một điều thế này: nhờ “con mồi” Công Phượng mà những gã “thợ săn” đã trở nên nổi tiếng. Nếu con Hổ trên đồi Cảnh Dương không phải là con hổ thành tinh thì Võ Tòng chắc cũng chả được gọi là anh hùng!

Thứ hai, họ đang trục lợi từ hình ảnh Công Phượng?

Giả thuyết này cũng có cơ sở. Nhờ Công Phượng và U19 Việt Nam mà họ có lãi từ việc bán bản quyền truyền hình, bán quảng cáo, bán đủ thứ để có thể mang về những món lợi kếch xù. Còn những món lợi ấy cụ thể như thế nào xin được bắt chước vị BTV nọ: “Câu trả lời chỉ có họ mới biết được”.

Chắc không phải là ngoa khi nói rằng, nhờ Công Phượng và đồng đội mà giờ phát sóng bóng đá Việt Nam từ một vùng trũng trở thành khung giờ vàng để các vị ấy có thể đẩy giá thành quảng cáo lên cao? Biết đâu giả thuyết này cũng có thể là một sự thật. Nếu thế thì họ đang tự hạ thấp đạo đức của mình chứ không phải đang nâng cao như lời họ nói. Tôi nhớ có nhà văn nổi tiếng nọ đã nói: “nhà phê bình là con chó ăn theo nhà văn”. Xét theo nghĩa nào đấy thì câu nói này hơi quá đáng vì vợ của nhà văn ấy bị một nhà phê bình quyến rũ. Tuy nhiên biết đâu nó lại đúng trong trường hợp này chăng? Nếu thế thì có còn gì để nói!

Thứ ba, họ là những người làm thể thao nhưng lại không yêu quý thao Việt Nam?

Giả thuyết này cũng có những điểm khá hợp lý. Nếu yêu bóng đá Việt Nam thì họ đã không trù dập nhân tài đất Việt như thế. Thay vì động viên để các em cống hiến cho thể thao nước nhà thì họ lại “nâng” các em lên rồi lại “quật” các em xuống. Thật dã man. Chắc đến khi các em ngắc ngoải không gượng dậy nổi họ mới vừa lòng chăng? Ông Ba Đức đã tiên đoán trước điều này nên ông nhắc các em hạn chế tiếp xúc, trả lời giới truyền thông. Ông đã cố che chở các em như thế rồi mà vẫn bị họ lôi ra hành hạ. Thật đáng thương thay.

Định hướng dư luận bằng ma trận truyền thông?

Mẹ tôi không hay xem bóng đá. Bỗng hôm nọ bà có nghe VTV làm phóng sự ấy, bà hỏi: “Công Phượng là ai mà thiếu đạo đức vậy con?” Tôi bất chợt giật mình. Cái cách mà họ định hướng dư luận đi đến một kết luận mà họ mong mọi người tin theo rằng Công Phượng là kẻ làm ô uế nền thể thao nước nhà ấy thật nguy hiểm.

Họ đã đi tìm bằng chứng sống bằng cách phỏng vấn những người có quen biết với gia đình Công Phượng. Và bằng việc cắt rời một số câu không đầu không đuôi, không rõ được nói trong ngữ cảnh nào, họ xem đấy là bằng chứng “quần chúng” đang vạch ra “sự thật”. Biết đâu đấy những nhân vật trong clip ấy đang dở khóc dở cười khi bị họ sử dụng hình ảnh theo hướng đó bởi: “Ý tôi nói đâu phải là như thế”.

Tôi nhớ có ngôi trường dân lập nọ vì tiếp đón các vị phóng viên không “đàng hoàng” nên cả buổi họp hay ho như thế người ta không nói gì, chỉ chộp ngay câu nói bên lề của vị lãnh đạo để đưa lên báo rằng trường ấy mỗi năm lỗ 3,5 tỉ khiến cho thí sinh nhiều nơi nghĩ rằng trường sắp “sập” đến nơi rồi. Biết đâu lời các nhân chứng sống ấy cũng đang bị sử dụng như thế?

Họ đã đi tìm bằng chứng từ những cơ sở pháp lý. Xin thưa, không cần nói đâu xa, ở quê tôi, mỗi lần các cháu ra xã xin bản sao giấy khai sinh, các vị ấy cũng nhiều khi kí bừa chứ chẳng cần xem số quyển gì sất. Vậy thì việc ấy xảy ra ở một xã vùng núi Đô Lương, Nghệ An ấy liệu điều đó có phải là quá dị biệt không? Muốn có câu trả lời các vị hãy đi về một miền quê nào đó tìm xem chắc cũng sẽ có những trường hợp tương tự như “dấu hiệu của việc làm phi pháp” như các vị đã nghĩ đấy!

Cách họ làm nếu bạn không có chính kiến chắc hẳn không dễ gì cãi được. Thêm nữa có lẽ bạn chưa kịp cãi thì đã thổ huyết mà chết rồi bởi sau khi “đánh phá” tơi bời không còn manh giáp, họ vẫn có thể ngạo nghễ tuyên bố rằng họ làm vì đạo đức nghề nghiệp, vì giữ gìn sự trong sáng của thể thao. Họ vẫn rất yêu quý và hâm mộ kẻ đã bị họ đánh cho tơi tả.

Còn nhớ vụ cầu thủ Thái Sung và đội bóng của mình vốn chẳng có mâu thuẫn gì đã bị ma trận ấy bủa vây đến mức người đọc gần như lạc lối còn nhân vật chính thì gần như bị trầm cảm. Để rồi đến nay, dẫu Thái Sung và Ban lãnh đạo đội bóng đã có nhiều thanh minh nhưng gần như không còn ai tin họ nữa. Bàn đến đây tôi xin được dừng để bạn đọc tự suy nghĩ. Còn tôi, xin được bắt chước câu nói vị BTV nọ: “Này các vị! Nếu các vị đang đọc bài này, hãy lên tiếng. Tôi rất yêu quý các vị chứ không phải đang phê phán các vị đâu nhé. Hãy tự thú để cho tâm hồn các vị được thanh thản.”

(Bạn đọc: Nhân Trần)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục