Vinh quang trong im lặng

06:20 Chủ nhật 19/01/2014

ASEAN Paragames lần 7 tại Myanmar đã đồng thời gánh vác hai nhiệm vụ: vừa kết thúc năm Quý Tỵ và vừa mở đầu năm 2014 cho các cuộc thi đấu thể thao quốc tế. Đoàn VN đã hoàn thành cả hai nhiệm vụ đó một cách xứng đáng.

VĐV Nguyễn Ngọc Hiệp - Ảnh: V.C.LẬP

Đấy là những cuộc thi đấu hết sức đặc biệt. Cũng là những phân định thắng thua, cũng là những tấm huy chương và những phần thưởng nhưng ở đây, ngoài những thắng lợi rực rỡ, còn rất nhiều những vinh quang im lặng, những niềm vui nước mắt và những anh hùng vô danh. Ý nghĩa nhân văn sâu sắc hơn, ý chí thi đấu mạnh mẽ hơn, tài năng được nảy sinh, tôi luyện và thành tựu cũng đặc biệt hơn. Và rất nhiều khi, những VĐV không hề bước chân lên bục chiến thắng lại thu được sự cổ vũ, để lại nhiều dư âm hơn cả.

Sống những ngày Paragames mà đôi khi tôi có cảm giác như tự mình đang giáo dục chính mình, qua những ấn tượng không bao giờ phai nhạt. Đấy là những cảm xúc thấm thía, là sự khâm phục không thể nào tả bằng lời, và đấy cũng là những cuộc đua thể thao đích thực với đầy đủ sự so đọ quyết liệt về tài năng, là sự căng thẳng và hồi hộp cho đến phút cuối cùng. Bên cạnh đó là rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện cảm động. Và sau đây chỉ là một câu chuyện thôi.

VĐV mang lại tấm HCV đầu tiên cho VN là Nguyễn Ngọc Hiệp. Anh là VĐV khiếm thị, phân loại F11, nghĩa là không còn nhìn thấy gì. Nhưng khi xem anh thi đấu, có cảm giác như anh có mắt nhìn ngay trên bàn chân. Bạn thử hình dung môn nhảy xa mà xem: chạy đà, giậm nhảy, ngay cả VĐV mắt sáng cũng phạm rất nhiều lỗi và gần nửa số lần giậm nhảy là phạm quy.

Thế nhưng vẫn chưa hết, HLV Đặng Văn Phúc giải thích: “Khó nhất là động tác chạm đất, khi người ta rơi xuống mà không biết gì về hố cát đang chờ đón mình. Một sự hụt hẫng lúc này không những làm hỏng tất cả mà còn rất nguy hiểm”. Nghe mà bỗng giật mình, khi nhớ lại những lần bước xuống thang gác, hụt chân, hẫng một cái mà có cảm giác như rơi xuống tận đâu đâu, rồi có thể ngã, có thể bị thương, có thể gây ra nỗi lo sợ. Vậy làm thế nào mà VĐV khiếm thị có thể nhận biết tất cả chính xác như vậy? HLV Đặng Văn Phúc nói tiếp: “Phải chia ra rất nhiều phân đoạn nhỏ, rồi mỗi phân đoạn nhỏ lại phải chia nhỏ ra nữa. Cứ thế mà tập, từ từ tập, kiên trì tập”. Còn cái “nhỏ” và “nhỏ nữa” kia nó như thế nào thì cũng không dám hỏi nữa, vì sợ có nghe giải thích tiếp cũng không hiểu.

Nguyễn Ngọc Hiệp đoạt HCV sau một cuộc thi căng thẳng. Anh liên tục dẫn đầu cho tới lượt nhảy thứ năm. Nhưng ở lần nhảy thứ sáu, lần nhảy cuối cùng, đối thủ lại vượt qua anh và ghi dấu 5,58m. Khi Hiệp bước ra vạch xuất phát chạy đà, mọi hơi thở như ngừng lại. Và cú nhảy của anh là 5,61m, chỉ hơn 3cm thôi, là rất đủ, quá đủ cho tấm HCV. Đấy là một cuộc thi đỉnh điểm trong thể thao, sát nút, căng thẳng và hồi hộp cho đến phút cuối cùng. Cho đến khi rộ lên những tràng vỗ tay vui mừng náo nhiệt. Giữa những nụ cười ấy, Hiệp có vẻ như thản nhiên. Và có thể gọi đó là niềm vinh quang trong im lặng. Rồi trong cái im lặng ấy của Hiệp, bỗng bật lên một tiếng khóc.

Ngạc nhiên quay lại thì thấy một nữ VĐV miệng cười mà nước mắt đang lăn tròn trên gò má. Hỏi: “Sao cháu khóc?”. Trả lời: “Vì cháu mừng cho em cháu quá”. “Cháu với Hiệp là chị em đấy à?”. “Không phải chị em, nhưng tập với nhau thì cũng coi như chị em”. Đây là một niềm vui nước mắt. Có nguyên do của niềm vui đặc biệt này.

Chỉ chút xíu nữa thì Hiệp đã không được dự thi môn này. Anh là VĐV thứ ba của VN. Và nếu mỗi nước chỉ được cử hai VĐV dự thi thì Hiệp đã không có mặt. Nhưng rồi luật thi đấu cho phép, và Hiệp đã đoạt HCV. Hơn nữa: tấm HCV đầu tiên tạo ra bước khởi đầu hanh thông cho đoàn VN. Lúc đó là hơn 9g ngày 15-1. Nữ VĐV đã khóc mừng cho Hiệp là Hà Thị Huệ.

Không chỉ mừng cho Hiệp, ai cũng ngạc nhiên vì sự tiến bộ của anh. Tại Giải vô địch quốc gia (tháng 7-2013), thành tích của Hiệp là 4,60m. Tới Giải vô địch trẻ châu Á (10-2013), Hiệp vượt lên 5,16m. Rồi chỉ gần ba tháng sau, tại ASEAN Paragames (1-2014) thành tích của anh là 5,61m. Có biết bao mồ hôi ẩn đằng sau bảng thành tích này, cả của Hiệp, cả của thầy Phúc và của cả những người như Huệ, cho dù không tập cùng anh, nhưng luôn ở bên anh với tất cả tấm lòng. Có thể Hiệp không nhìn thấy giọt nước mắt của Huệ, nhưng chắc chắn Hiệp hiểu hết và cảm nhận điều đó còn sâu sắc hơn cả người khác. Và, bạn thử hình dung cái độ dài 5,61m thật chính xác đi. Nếu bạn đã từng nhảy xa, chắc chắn bạn sẽ không chỉ khâm phục mà còn kinh ngạc. Xin nhắc lại: Hiệp không nhìn thấy gì.

Hiệp là một trong nhiều VĐV mà hình ảnh của họ xứng đáng trở thành tấm gương cổ vũ cho nhiều lớp người, nhất là thanh niên. Điều mà họ làm được thật đáng để chúng ta chiêm ngưỡng. Cho nên, thật ngạc nhiên, là số khán giả ở giải này thường không đông. Thật đáng tiếc, nhưng điều này còn có thể thay đổi. Cũng như thành tích của Hiệp vẫn còn có thể thay đổi nếu anh được đầu tư xứng đáng hơn. Cho tới nay, nhiều VĐV khuyết tật vẫn chưa nhận được chế độ tập huấn dài hạn. họ chỉ xáp vào tập cùng nhau chỉ một tháng trước khi vào giải. Nếu được đầu tư xứng đáng hơn, mọi chuyện còn có thể khác.

Vấn đề còn lại là: chúng ta sẽ làm gì cho VĐV khuyết tật, cho người khuyết tật để họ phát huy hết khả năng của mình?

Vũ Công lập | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục