Vì sao Italia 90 sống mãi trong ký ức về World Cup

10:33 Thứ năm 11/06/2015

25 năm sau mùa hè bóng đá ở Italy, những ký ức đầy cảm xúc về giải đấu này vẫn tồn tại trong bộ nhớ của nhiều người, cho dù đó là kỳ World Cup gây nhiều tranh cãi, có nhiều điểm tiêu cực và cả không ít nỗi buồn đau.

Italia 1990 có số bàn thắng trung bình mỗi trận ít nhất trong lịch sử các kỳ World Cup (2,21 bàn/trận), và bị chỉ trích vì đa số các đội áp dụng chiến thuật tiêu cực (thiên về phòng ngự, ưu tiên mục tiêu thủ hòa chờ đá luân lưu)... Bởi thế, có quan điểm rằng đây là World Cup “buồn ngủ nhất”, ít bàn thắng, nhưng nhiều thẻ đỏ (16, gấp đôi Mexico 1986). Tuy nhiên, Italia 1990 tới giờ vẫn có thể thắp sáng ánh mắt của bất kỳ người hâm mộ nào từng theo dõi giải đấu năm đó.

Đó có thể là hồi ức về hình ảnh của “Sư tử bất khuất” Cameroon bất ngờ vào tới tứ kết, về cố HLV Bobby Robson vẫn giữ vẻ lạnh lùng băng giá trong khi những người xung quanh ông ngày đó như tan chảy vì sung sướng với tấm vé vào bán kết – thành tích World Cup tới giờ vẫn là tốt nhất của tuyển Anh kể từ sau giải đấu năm 1966. Và còn nữa, một Schillaci bỗng vụt sáng thành “Vua phá lưới” rồi sau đó chìm vào quên lãng, “sư tử già” Roger Milla được cả thế giới bóng đá biết tới ở tuổi 38… Những dấu ấn khó quên đó hòa cùng với thứ âm nhạc đậm chất opera trong mùa hè nóng bỏng ở Italy tạo thành nguồn năng lượng hâm nóng trái tim của các CĐV bóng đá từng dõi theo kỳ World Cup này.

Italia 90 khai mạc ngày 8/6 cách đây tới 25 năm, nhưng nhiều người tới ngày nay vẫn nhớ mãi về nó dù giải đấu diễn ra ở thời kỳ chưa xuất hiện mạng xã hội và các cầu thủ cũng như người hâm mộ không hề biết tới khái niệm “chụp ảnh tự sướng” rồi đăng tải trên Facebook, Twitter hayInstagram.

Rijkaard nhổ bọt vào Voller. Hành động cắn đối phương của Luis Suarez ở World Cup 2014, cú thúc khuỷu tay của Leonardo (Brazil) vào đầu đối thủ ở World Cup 1994, pha ôm mặt vờ ngã của Rivaldo năm 2002 đều là những khoảnh khắc khủng khiếp, đáng xấu hổ trong lịch sử bóng đá. Tuy nhiên, giải vô địch thế giới ở Italy năm 1990 còn chứng kiến một hành động mà truyền thông đánh giá là ghê tởm nhất mọi thời đại. Frank Rijkaard của tuyển Hà Lan khi đó đã nhổ bọt vào mái tóc xoăn của Rudi Voller bên phía tuyển Đức, không chỉ một lần mà tới hai lần, ở trận đấu thuộc vòng 16 đội.

Một trong những tình huống nổi tiếng nhất lịch sử World Cup. Ảnh: Internet.

Pha phạm lỗi tàn bạo của Massing. Một đoạn video về tình huống này đã được đăng tải lại trên YouTube kèm dòng mô tả “đây là cú cản phá vĩ đại nhất trong lịch sử World Cup”.

Ngay trong trận mở màn World Cup 1990, Cameroon đã gây cú sốc lớn khi đánh bại đương kim vô địch Argentina của Maradona với tỷ số 1-0. Trận đó, đội bóng châu Phi phải kết thúc với chỉ chín cầu thủ trên sân. Sau khi có bàn mở tỷ số ở phút 67, các cầu thủ Cameroon đã bằng mọi cách để ngăn cản gã khổng lồ Nam Mỹ ghi bàn gỡ hòa. Phút 89, Claudio Caniggia, “Con trai của thần gió”, lao đi với tốc độ như tên lửa bên hành lang phải. Ngôi sao của Argentina vượt qua hai nỗ lực truy cản đầu tiên của các cầu thủ Cameroon, nhưng cuối cùng phải lăn mấy vòng trên sân trong đau đớn khi chuẩn bị tiến tới khu cấm địa đối phương. Benjamin Massing không muốn Cameroon lỡ thời cơ đi vào lịch sử cùng thắng lợi mong manh, vì thế anh đã lao cả người vào và nhấc cao mông cản ngã Caniggia. Trọng tài lập tức rút thẻ đỏ, rồi thêm một thẻ vàng đối với hậu vệ này.

BBC ví pha bóng này giống cảnh Caniggia đang phải chạy vượt rào với tốc độ cao thì Massing có hành động nhấc rào trước vạch đích. Một pha vào bóng thô bạo và rất nguy hiểm, chứ không đơn thuần là nỗ lực cắt đứt một đợt tấn công của Argentina. Sau cú phạm lỗi đó, Massing đã phải đi lại một chiếc giày văng khỏi chân anh. Những pha bóng thô bạo ở trận này mới chỉ là khởi đầu cho giải đấu có lượng thẻ đỏ nhiều gấp đôi (16 thẻ) so với kỳ World Cup liền trước đó.

Salvatore 'Totò' Schillaci - Vệt sao băng trên bầu trời Italia 90. Tiền đạo này chỉ có tất cả 16 lần khoác áo tuyển Italy trong hai năm 1990 và 1991. Nhưng những gì Schillaci 25 tuổi thời đó làm và đạt được ở kỳ World Cup trên quê hương là mơ ước với bất kỳ danh thủ nào. Schillaci chỉ được vào sân từ ghế dự bị trong trận đầu tiên của Italy tại giải đó, nhưng đã bất ngờ tỏa sáng để kết thúc giải đấu cùng danh hiệu Vua phá lưới (sáu bàn) và đoạt luôn cả giải thưởng Cầu thủ hay nhất giải bất chấp sự có mặt của Lothar Matthäus và Diego Maradona. Có thể nói, đỉnh cao sự nghiệp của Schillaci chỉ gói gọn tại World Cup 1990. Không có giải đấu đó, cái tên Schillaci có lẽ sẽ mãi không thể nổi tiếng ở tầm thế giới, bởi anh chưa ghi được bàn nào cho Italy tính đến trước kỳ World Cup đó. Schillaci vụt sáng thành hiện tượng của giải đó, nhưng chủ nhà Italy chỉ giành HC đồng.

“Sư tử già” Roger Milla. Tiền đạo này tới giờ vẫn giữ kỷ lục cầu thủ già nhất thi đấu ở một vòng chung kết World Cup (không tính thủ môn). Sau khi cùng Cameroon thi đấu không thành công ở World Cup 1982, Milla đã tuyên bố chấm dứt sự nghiệp thi đấu quốc tế vào năm 1987. Nhưng năm 1990, tổng thống Cameroon đã gọi điện thoại thuyết phục Milla trở lại giúp sức cho tuyển quốc gia. Ở tuổi 38, Roger Milla vẫn thi đấu rất sung mãn và trở thành một trong những ngôi sao của World Cup 1990, với bốn pha ghi bàn góp công đưa “Sư tử bất khuất” vào tứ kết (thua Anh ở loạt đá luân lưu). Cứ sau mỗi lần sút tung lưới đối phương ở giải đó, Milla lại thu hút sự chú ý của người hâm mộ bằng hành động lao tới sát cột cờ góc và lắc mông ăn mừng theo vũ điệu truyền thống của châu Phi. Milla còn tiếp tục góp mặt ở World Cup 1994, ghi thêm một bàn để phá vỡ kỷ lục cầu thủ già nhất ghi bàn ở một kỳ World Cup do chính ông thiết lập trước đó ở Italia 1990.

Vũ điệu ăn mừng của Milla. Ảnh: Internet.

Bài hát ‘Mùa hè Italy’. Ký ức về kỳ World Cup 1990 có sức sống mạnh mẽ một phần còn nhờ “Un Estate Italiana” (Mùa hè Italy), do song ca Gianna Nannini và Edoardo Bennato thể hiện. 25 năm qua, bài này luôn nằm trong danh sách 10 ca khúc hay nhất của lịch sử World Cup.

Tổng kết World Cup 1990

Quốc gia đăng cai: Italy, diễn ra tại 12 thành phố.

Thời gian: từ 8/6 đến 8/7 (31 ngày).

Số đội tham dự: 24

Đội vô địch: Tây Đức

Á quân: Argentina

HC đồng: Italy

Thứ tư: Anh

Số trận đấu: 52

Số bàn thắng: 115 (2,21 bàn/trận)

Tổng số khán giả: 2.516.215 (48.388 người/trận)

Tổng số thẻ: 178 (162 thẻ vàng, 16 thẻ đỏ)

Cầu thủ trẻ nhất: Ronald Gonzalez Brenes (Costa Rica, 19 tuổi và 307 ngày)

Cầu thủ già nhất: thủ môn Peter Shilton (Anh, 40 tuổi 292 ngày)

Quả bóng vàng: Salvatore Schillaci (Italy)

Chiếc giày vàng: Salvatore Schillaci (Italy, 6 bàn)

Cầu thủ trẻ hay nhất: Robert Prosinecki (Croatia)

Giải Fair Play: Anh

Đội hình tiêu biểu của giải

Thủ môn: Sergio Goycochea (Argentina); hậu vệ Andreas Brehme (Đức), Guido Buchwald (Đức), Franco Baresi (Italy); tiền vệ Diego Maradona (Argentina), Lothar Matthäus (Đức), Dragan Stojkovic (Nam Tư), Roberto Donadoni (Italy); tiền đạo Salvatore Schillaci (Italy), Roger Milla (Cameroon), Jürgen Klinsmann (Đức).

Xuân Lộc | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục