VFF: 'Chốt lời' quá sớm, quên tương lai

10:04 Thứ sáu 02/03/2012

Điều gì đã khiến Warren Buffett trở thành một trong những người giàu nhất thế giới? Giới kinh doanh tài chính hay nói về cái gọi là “bữa ăn trưa với Warren Buffett” mà để có cơ may ấy, không ít người đã phải bỏ hàng triệu USD chỉ để hy vọng học được công thức làm giàu.

Trong bức thư thường niên gửi tới các cổ đông hôm 25/2 vừa qua, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã quyết định tiết lộ công thức đầu tư của ông. Thật bất ngờ, nó rất đơn giản và dễ nhớ, chỉ gói gọn vẻn vẹn trong 4 từ “mua hàng- bán nhãn”. Diễn giải một chút, công thức này là “mua hàng hóa giá rẻ, tạo dựng thương hiệu cho nó, rồi bán đống cổ phiếu đó đi khi nó có giá trị cao hơn rất nhiều lần”.

Nhưng mà nếu như thế, thì dễ quá, chúng ta cần gì phải làm việc, gom một ít vốn, tới phố Wall hay thưởng thức những ly cà phê thơm nức tại sàn chứng khoán và rồi chờ đợi làm tỷ phú.

Đầu tư mang rủi ro rất cao và nó cũng là một nghệ thuật.

Và đây là câu chuyện của bóng đá Việt thời điểm hiện tại. V.League dưới sự điều hành của VFF là một thứ hàng hóa giá rẻ để rồi khi VPF ra đời, cố gắng tạo dựng thương hiệu cho nó và hy vọng sẽ trở thành một thương hiệu có giá cao”.

VPF chưa mang tới nhiều sự khác biệt

Sự quyết liệt của các ông bầu trong việc đòi lại thương quyền của giải đấu và chỉ khi nắm giữ được nó thì mới thực hiện được vế sau trong công thức của Warren Buffett là “bán nhãn”.

Cho đến bây giờ, khi VPF chưa đạt được điều mình cần và rất có thể họ phải chờ…20 năm nữa thì các ông bầu, hoặc là những người thích khoe tiền và ném nó ra cửa số, hoặc đích thị là những chàng ngốc chứ không phải là những học trò của Buffett.

Warren Buffett từng đưa ra hai quy tắc nổi tiếng: “Một là không bao giờ để mất tiền. Hai là không bao giờ quên quy tắc một”. Những ông bầu, có hàng ngàn tỷ trong tay đang điều hành VPF thừa hiểu chuyện này. Họ không bao giờ đầu tư vào thứ vu vơ.

Bởi vậy, khi ông Võ Quốc Thắng- một người được cho là rất chừng mực phải nói rằng “Nếu hợp đồng giữa VFF và AVG được bảo lưu, các CLB gần như không có tiền thương quyền bởi số tiền thực nhận là không đáng kể. Cứ như thế, liệu còn ai dám đầu tư vào bóng đá nữa không ?". Thậm chí người ta dự báo một cuộc tháo chạy ồ ạt của các ông chủ CLB theo đúng cách của thị trường chứng khoán: các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu để cắt lỗ khi cảm thấy mớ cổ phiếu của mình không có cơ hội sinh lời.

Hôm qua, ông bầu Đoàn Nguyên Đức của HAGL phải lên báo thanh minh về khoản thuế hàng trăm tỷ mà tập đoàn HAGL chưa nộp là “nợ thuế chứ không phải xù thuế”. Các ông chủ chắc chắn sẽ chịu thêm sức ép từ các cổ đông về những khoản đầu tư vào bóng đá mà họ chưa nhìn hoặc không nhìn thấy lợi nhuận.

Còn một ông bầu khác thì đùa rằng: “Muốn doanh nghiệp đầu tư vào bóng đá nhưng lại ngăn con đường để họ có thể tìm thấy lợi nhuận thì chẳng khác nào câu chuyện Trạng Quỳnh, chỉ cho “ị” chứ không cho đái. Cái này không trách được AVG, vì họ cũng chỉ là nhà đầu tư. Trách là trách VFF “chốt lời” cho mình sớm quá, mà quên tương lai thôi…”

Thái Hoàng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục