Vấn đề của V-League không phải VAR

17:22 Thứ tư 04/09/2019

Khi V-League 2019 sắp hạ màn, thì những tranh cãi về trọng tài hay đòi hỏi về VAR lại nổi lên. Nhưng đó có phải điều thực sự cần thiết với bóng đá nước nhà.

Trước khi tạm dừng để đội tuyển quốc gia tập trung, V-League vốn không chỉ hấp dẫn bởi cuộc đua Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh trên bảng xếp hạng, mà còn nóng lên bởi một số sai sót của các trọng tài, và rồi yêu cầu sử dụng VAR tại V-League lại được đặt ra.

Thật tiếc khi phải nói rằng việc cầu viện tới các phương pháp kỹ thuật chỉ cho thấy chúng ta đang làm bóng đá kiểu giật gấu vá vai mà thôi. Nhiều năm trước, khi VAR chưa ra đời, khi trọng tài mắc sai sót, áp lực thuê trọng tài ngoại gia tăng, và cuối cùng trọng tài ngoại được thuê thật, nhưng cũng không giải quyết được hết vấn đề, thậm chí trọng tài ngoại vẫn mắc sai sót như thường. Gần đây, VAR trở nên phổ biến và các CLB, người hâm mộ lại tiếp tục yêu cầu phải có VAR “ngay và luôn” tại V-League. Nhưng ít ai chỉ ra rằng, chúng ta đang ở trong một nền bóng đá thiếu niềm tin như thế nào.

V-League 2019 bắt đầu 'nóng' vì trọng tài ở những vòng cuối - Bóng Đá

Người hâm mộ đang rất muốn V-League sẽ áp dụng công nghệ VAR để hạn chế sai sót.  

Giả dụ chúng ta có VAR, liệu các đội bóng có chấp nhận kết quả từ VAR, hay họ sẽ tiếp tục đổ lỗi cho đội ngũ trọng tài vận hành hệ thống này. Nên nhớ rằng VAR cũng chỉ là những cái máy, và có người điều khiển, có người đọc kết quả. Nếu có “thuyết âm mưu” tung ra rằng hình ảnh trong video được chỉnh sửa thì liệu có khiến nhiều người tin theo hay không? E rằng là có, bởi chỉ từ một tấm bảng quảng cáo đặt trên sân, họ có thể suy ra rằng ông bầu nọ là chủ của đội bóng kia luôn kia mà.

Cốt lõi của vấn đề không phải là trọng tài ngoại hay máy móc thiết bị, mà là niềm tin. Các CLB không tin tưởng ban tổ chức, không tin tưởng trọng tài, các khán giả luôn luôn mặc định đội bóng yêu thích của họ bị bắt ép, cầu thủ luôn tin rằng phản ứng với trọng tài sẽ giúp khỏa lấp thực tế là họ chơi dở trên sân. Tệ hơn là có những đội bóng biết sử dụng phản ứng của dư luận, phản ứng của nhiều khán giả luôn cho rằng mình là quan tòa cần bảo vệ công lý để hướng người hâm mộ quên đi những vấn đề nội tại của mình. Nếu vẫn còn những tình trạng như vậy thì dù có VAR hay là gì đi nữa thì cũng chả giải quyết được vấn đề gì.

V-League 2019 bắt đầu 'nóng' vì trọng tài ở những vòng cuối - Bóng Đá

Nhưng chung quy vấn đề có phải là niềm tin?  

Câu hỏi đặt ra là tại sao niềm tin trong bóng đá Việt lại thấp đến như vậy? Sẽ thật dễ hiểu khi chúng ta nhìn về quá khứ, những thời điểm mà bóng đá tình cảm lên ngôi, với những đội bóng đi tỉnh khác đá thì được gọi là đi “làm kinh tế”, với những trận đấu nhuốm mùi mà không ít cầu thủ, trọng tài đã phải ra hầu tòa. Hay cả ở cấp độ đội tuyển quốc gia cũng không thoát khỏi vòi bạch tuộc của sự gian lận.

Tuy nhiên, đó là quá khứ. Nếu chúng ta mãi nhìn hiện tại bằng những nghi ngại từ quá khứ, sẽ không ai có thể xây dựng được điều gì cả. Rất nhiều thế hệ cầu thủ mới đã ra đời, tương tự như vậy là rất nhiều thế hệ khán giả mới của bóng đá cũng ra đời, tại sao chúng ta lại nhìn nhận sự việc bằng con mắt lỗi thời?

V-League 2019 và sự cần thiết của công nghệ VAR - Bóng Đá

Bóng đá Việt Nam vẫn chưa tạo được niềm tin tuyệt đối nơi người hâm mộ.  

Các CLB hãy dũng cảm chấp nhận cuộc chơi và đừng đổ lỗi cho ngoại cảnh khi mà bản thân mình còn nhiều vấn đề. Những cổ động viên hãy thôi bàn tán về những thuyết âm mưu, hãy thôi ném đá bất kỳ ai, dù là cầu thủ hay trọng tài, khi mà mình không thực sự theo dõi một trận đấu nào của V-League. Và dĩ nhiên là ban tổ chức cũng phải xử lý sai phạm cũng như điều hành giải đấu một cách chuyện nghiệp chứ không chạy theo dư luận hay chậm chạp trong các quyết định của mình.

Các cầu thủ Việt đã bắt đầu vươn đến những nền bóng đá phát triển, còn chúng ta lại ngồi tranh cãi, ngồi bàn tán về những điều mới chỉ là nghi ngờ, thì có đáng hay không? Những người chưa từng xem một trận đấu ở Thai League, ở K- League lại đi quảng cáo không công cho họ, trong khi V- League bị mặc định là “Võ League”, là giải đấu với đầy rẫy bất công, sai sót, điều tiếng, ...thì có công bằng hay không?

5 điểm nhấn vòng 22 V-League 2019: HAGL tạm thoát hiểm, Sanna Khánh Hoá lâm nguy - Bóng Đá

Bóng đá Việt Nam vẫn còn nhiều điều cần làm để chiếm trọn trái tim của người hâm mộ nước nhà.  

Nói tóm lại, giải quyết được vấn đề niềm tin, V-League sẽ còn tiến xa hơn nữa. Và để giải quyết nó, không chỉ Liên đoàn bóng đá, không chỉ Ban tổ chức là có thể làm được, mà tất cả các thành phần từ ông bầu, CLB đến cầu thủ và cổ động viên cũng đều phải chung tay.

(Bạn đọc: Phan Huỳnh Tuấn)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

Bongda.com.vn-TTVN | 16:15 04/09/2019
TỪ KHOÁ
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục