Vai trò của bình luận viên thể thao

13:19 Chủ nhật 17/08/2014

Tròn một tháng, từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 7, với người hâm mộ thể thao ở Việt Nam “cơn bão” World Cup 2014 đã thổi bay tất cả mọi thứ. Cho dù vào thời điểm này, quần vợt cũng có một giải đấu quan trọng, hấp dẫn là Wimbledon với rất nhiều trận đấu hay, rất nhiều kết quả bất ngờ song nó vẫn phải nhường chỗ cho bóng đá, môn thể thao chiếm phần lớn trái tim Việt. Nhưng không lẽ lại viết thuần về bóng đá trên Tạp chí quần vợt? Điều đó thật chẳng giống ai! Vậy có câu chuyện nào có thể gắn kết với nhau giữa World Cup với quần vợt không? Xin thưa là có…

Cách đây cũng khá lâu, tôi đã có một bài viết về câu chuyện ông Vũ Đình Tuấn, tạm gọi là một chuyên gia quần vợt đang sinh sống tại Ukraine. Ông có một trang web về quần vợt, với rất nhiều bài bình luận sâu sắc, những nhận định sát sườn, những tư vấn giá trị và cả những góp ý thẳng thắn cho quần vợt Việt Nam. Tôi nhớ trong một chuyên đề phân tích về những mặt yếu kém của quần vợt Việt Nam, ông Tuấn có đề cập đến cho giới bình luận quần vợt trên truyền hình, trên báo chí của Việt Nam là còn thiếu chuyên môn lẫn thiếu chuyên nghiệp. Thậm chí ông còn có bài viết nói thẳng “bình luận truyền hình cần chuyên nghiệp hơn”.

Nhớ những góp ý của ông Tuấn, chợt giật mình khi xem World Cup 2014, câu chuyện bình luận viên trên VTV đã thật sự trở thành một điểm nóng. Do chuyện này cũng đã được nói rất nhiều rồi trên các báo, trên các trang mạng xã hội nên tôi xin không nhắc lại những điều để chứng minh cái gọi là “thảm hoại bình luận viên World Cup”, mà chỉ muốn cung cấp thêm một góc nhìn nhằm lý giải vì sao bình luận viên cần phải chuyên nghiệp.

Theo ông Vũ Đình Tuấn, các đài truyền hình quốc tế khi trực tiếp các giải quần vợt, người ta thường mời các cựu ngôi sao làm bình luận viên. Các ngôi sao này sẽ giúp cho khán giả làm giàu kiến thức cho mình bằng những bình luận về chuyên môn hết sức sắc sảo mà chỉ có dân nhà nghề mới thấy được. Từ đó, trình độ thưởng thức quần vợt của khán giả được nâng cao. Chưa kể trong số các khán giả xem trực tiếp quần vợt, có không ít các tay vợt trẻ, các tay chơi phong trào. Và như vậy, rõ ràng xem một trận quần vợt được bình luận bởi một cựu ngôi sao, điều đó giúp cho khán giả tiếp cận với trận đấu không chỉ với tư cách một người đang thỏa mãn nhu cầu giải trí, mà còn là một “học sinh” với những người thầy có trình độ thật sự. Như vậy, sự chuyên nghiệp của một bình luận viên góp phần cho sự phát triển của quần vợt.

Ông Tuấn đã cho rằng, bản thân ông từng theo dõi kỹ các bình luận viên quần vợt trên truyền hình Việt Nam và nhận thấy phần lớn đều chưa thật sự am hiểu chuyên môn. Đến đây, ắt mọi người sẽ đồng tình với tôi rằng, có một sự giống nhau giữa bình luận viên quần vợt với bình luận viên bóng đá trên truyền hình ở Việt Nam? Thế tại sao chúng ta không học theo nước ngoài, đó là mời những cựu vận động viên quần vợt, bóng đá nổi tiếng tham gia bình luận các trận đấu? Bi kịch chính là ở đây: Phần lớn các vận động viên của Việt Nam rất yếu về khâu ăn nói-một điều được hình thành nên bởi giáo dục, văn hóa. Chúng ta vẫn thường thấy các vận động viên khi trả lời phỏng vấn trên truyền hình đều nói rất kém. Trong xã hội Việt, chuyện ăn nói vốn đã thua xa các nước tiên tiến vì nền giáo dục của chúng ta không khuyến khích, phát huy khả năng tranh luận. Vậy nên, ngay cả những người có học vấn ngon lành, khả năng ăn nói cũng còn kém, còn thiếu tự tin thì làm sao mong đội ngủ vận động viên giỏi được!

Hiện nay, đa phần các bình luận viên thể thao trên truyền hình đều không xuất thân từ vận động viên thực thụ. Họ chỉ có một thứ “vũ khí” duy nhất là sự hoạt ngộn, nên đã lấy nó để khỏa lấp cho lỗ hổng chuyên môn. AFC (Liên đoàn bóng đá châu Á) khi nói đến mô hình phát triển môn thể thao vua, đã đưa ra một đội hình mà trong đó không chỉ có các nhà quản lý, lực lượng cầu thủ, HLV, trọng tài mà còn có cả khán giả và giới truyền thông. Tất cả các thành phần trong đội hình phải cùng chuyên nghiệp thì mới có một nền bóng đá chuyên nghiệp thật sự. Tôi nghĩ quan điểm này cũng đúng đối với quần vợt. Và lâu nay, chúng ta thường chỉ mới phân tích sự yếu kém của liên đoàn, của HLV, trọng tài, VĐV… chưa còn ít đề cập đến truyền thông nói chung, bình luận viên truyền hình nói riêng. Những nhà bình luận, nhà báo am hiểu chuyên môn thật sự như cố nhà báo Chánh Trinh là quá hiếm hoi ở Việt Nam.

Xin các đồng nghiệp đừng giận vì quan điểm này, bởi trong sự yếu kém không loại trừ cả người viết bài này. Tôi chỉ muốn nêu lên một vấn đề để thấy rằng, muốn có một nền thể thao chuyên nghiệp thật sự ở Việt Nam, tất cả chúng ta còn phải nỗ lực rất nhiều.

Huy Tho | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục