Trương Thị Phương: chất 'lì' của cô bé người Sán Dìu

00:34 Chủ nhật 14/06/2015

Cha mẹ sợ con theo học karate sẽ có phần bạo lực - đó là “ngộ nhận” khiến cô gái người dân tộc Sán Dìu Trương Thị Phương chọn bộ môn đua thuyền và gây nên bất ngờ ở SEA Games 28.

Anh Trương Hồng Quân và chị Phó Thị Hai xúc động xem lại giây phút “đăng quang” của con gái

Chúng tôi tìm về xóm núi Chung Mầu (H.Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) một ngày sau khi vận động viên (VĐV) Trương Thị Phương đoạt huy chương vàng (HCV) SEA Games cho đội tuyển canoeing Việt Nam. Thấy chiếc xe lạ đậu trước cửa, hàng xóm ngỡ Phương về nên chạy ùa sang hỏi thăm. Người đứng, người ngồi chật kín cả căn nhà cấp bốn lợp mái ngói sơ sài.

“Ăn “tuyền” (toàn - PV) ngô sắn thôi mà đẻ con giỏi như thế này đấy các chị ạ”, bác hàng xóm vỗ vai phóng viên bày tỏ sự khâm phục. Trước những lời tán dương, trầm trồ, chị Phó Thị Hai, mẹ Phương (SN 1975) vẫn ngồi khiêm tốn ở góc giường. Suốt buổi nói chuyện, người mẹ cứ chực trào nước mắt khi kể về cô con gái vừa làm nên kỳ tích.

Sinh năm 1999, Phương là con gái út chăm chỉ, không được chiều chuộng như nhiều bạn gái cùng trang lứa vì hoàn cảnh gia đình khá khó khăn, vất vả. “Lúc Phương bé, vợ chồng tôi toàn để con ở nhà để lên rừng hái củi. Bốn tuổi, Phương đã phải cùng bố mẹ đi bán vải. Con bé ít nói nhưng có duyên lắm, bán quả nào hết quả ấy. Tới năm lớp ba, lớp bốn, Phương đã phải lên rừng hái măng. Mọi việc trong gia đình, từ nấu cơm đến trồng lúa…, Phương làm cái gì cũng giỏi. Hàng xóm cứ bảo Phương tham làm giống bố mẹ”, chị Hai kể lại.

Nói về cơ duyên đến với bộ môn đua thuyền của con gái, chị Hai thành thật: “Năm lớp sáu, Phương được Trung tâm huấn luyện thể dục thể thao của tỉnh về tuyển chọn. Khi đó, chiều cao của Phương thiếu 3cm để vào đội bóng chuyền. Còn môn karate thì bố không cho theo học vì sợ sau này lớn, em “đấm cả bố”. Thế nên thầy giáo bảo cho em vào bộ môn đua thuyền là phù hợp nhất”. Khi mới nhập học, thấy con luyện tập vất vả, ngày ngày dãi nắng dầm mưa trên mặt hồ, chị Hai khuyên con về nhà nhưng Phương nhất quyết từ chối. Phương bảo: “Đã lựa chọn rồi thì phải theo đuổi mãi”.

Cứ ngày cuối tuần, anh Trương Hoàng Quân - bố Phương (SN 1975), lại lọc cọc đi xe hơn chục cây số để đón con. Nhưng sau này, lịch học, lịch thi đấu dày đặc nên số lần về nhà của cô gái trẻ cứ thưa dần, có khi kéo dài đến cả ba, bốn tháng. Hỏi chị Hai có lo lắng khi để con gái sớm xa nhà, chị lắc đầu: “Phương đi học đã có các thầy lo. Từ ngày xa nhà, em trưởng thành và thương bố mẹ hơn”.

Chị Hai chỉ lên bức ảnh cỡ lớn, treo ngay ngắn trên tường: “Đó là bức ảnh Phương dẫn cả nhà đi chụp cách đây hai năm, nhân kỷ niệm 20 năm ngày cưới của bố mẹ. Phương cứ bảo rằng thương mẹ khổ, cả đời chỉ biết làm, chưa được ăn mặc đẹp ngay cả trong ngày cưới”.

 

Phương thừa hưởng chiều cao của bố, khuôn mặt và nụ cười tươi của mẹ, nhưng khi nói về tính cách, thì cả anh Quân và chị Hai đều thốt lên rằng con bé... chẳng giống ai! Nữ VĐV canoieng ít nói và không thích phô trương ngay cả với người thân trong gia đình. Năm 2014, khi mới 15 tuổi, Phương giành HCV giải vô địch Đông Nam Á tổ chức tại Singapore.

Lần đầu tiên con gái xuất ngoại và đạt giải quốc tế, nhưng phải đến khi đội tuyển điện thoại về nhà thông báo, bố mẹ Phương mới vỡ òa sung sướng bởi… chẳng biết con mình đi thi lúc nào. Ngay cả dãy huy chương treo trên tường, trước đây Phương để hết ở đội. Chị Hai kêu lắm, Phương mới mang về nhà cho bố mẹ treo cách đây ít ngày. Chẳng thế mà khi hỏi thành tích của Phương, anh chị đều mơ hồ: “Con bé thích nói cái nào thì biết cái ấy thôi”.

Ở đội tuyển đua thuyền của tỉnh Vĩnh Phúc, bạn bè của Phương cũng thừa nhận, cô bé người dân tộc Sán Dìu này “thích làm hơn nói”. Trong thi đấu, cô gái trẻ lại càng thể hiện rõ “sự lì lợm”. “Khi bước vào trận đấu, Phương không bao giờ lo sợ đối thủ mạnh cỡ nào, nguy cơ bị đánh bại ra sao mà chỉ biết… chiến đấu. Ở Phương có độ lì và ngoan cường mà ít vận động viên nào có được”, Nguyễn Đức Duy - VĐV đua thuyền của Vĩnh Phúc chia sẻ. Trương Thị Phương cũng được đánh giá là một trong những VĐV có thể lực vượt trội trong đội tuyển. Biệt danh Phương “bò” ở đội tuyển được đặt ra cũng bởi lẽ, Phương “đáng gờm quá”!

Sau khi Phương đoạt huy chương, anh Trương Hồng Quân đã chuẩn bị sẵn hai con lợn để khao xóm làng, còn chị Phó Thị Hai thì cứ lâng lâng, vui sướng đến độ mất ngủ. Nhưng những trăn trở vẫn hiện hữu trong tâm trí người mẹ. “Từ ngày Phương tham gia đội tuyển tới nay, việc học hành của em thua kém hẳn. Chúng tôi chỉ biết động viên con, đã theo con đường này thì phải cố gắng hết mình. Còn nếu hết tuổi thi đấu mà không thành tài được thì lại về nhà… lấy chồng. Chỉ sợ khi ấy, tuổi tác lỡ dở…”, chị Phương túm lấy gấu tay áo, quệt vội dòng nước mắt.

Chiều 11/6, sau những ngày thi đấu ngoan cường tại SEA Games, cô gái vàng canoeing Việt Nam đã mang niềm vui chiến thắng về với gia đình. Trương Thị Phương như vẫn còn nguyên cảm xúc khi được tiến lên bục cao nhất nhận huy chương: “Đây là kỷ niệm đáng nhớ nhất của em”. Sau giây phút “đánh đích” thành công, Phương mừng quá, ngã nhào xuống nước khiến truyền thông một phen xôn xao. Nhắc đến chuyện này, cô bé chỉ cười: “Đối với em, ngã thuyền là chuyện rất bình thường trong những lần tập và thi đấu”.

Được hỏi về con đường phía trước sau tấm HCV, cô gái tuổi 16 trả lời giản đơn: “Em chưa cảm thấy lo lắng gì mà chỉ có hoài bão”. Hoài bão của cô gái trẻ là sau khi học đại học có thể làm huấn luyện viên đua thuyền, tận tụy như người thầy đang dìu dắt em. Dù biết, phụ nữ theo nghiệp thể thao sẽ rất khó khăn, thậm chí có khi phải bỏ lại gia đình phía sau lưng, nhưng Phương bảo: “Em tin có đam mê sẽ vượt qua tất cả”.

Huyền Anh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục