Tổng hợp: Đuốc Olympic qua các kỳ thế vận hội

14:53 Thứ năm 12/07/2012 | 1

Olympic ngày nay không những chỉ là dịp thi tài của các vận động viên, mà còn là dịp để các nhà thiết kế, các kiến trúc sư cho ra những sản phẩm đặc sắc nhất của mình. Mỗi kỳ Olympic được diễn ra trên một đất nước khác nhau. Vì thế, những thiết kế các logo, biểu tượng, linh vật, sân thi đấu luôn mang tính quảng bá hình ảnh của đất nước mình. Và tất nhiên, trong các sản phẩm dành cho Olympic đó, một sản phẩm không thể thiếu đó là ngọn đuốc.

Ngọn đuốc Olympic luôn được ban tổ chức chú trọng, vì nó là biểu trưng cho hình ảnh của đất nước, nơi sự kiện diễn ra và có tính kết nối toàn cầu này.

Chúng ta cùng điểm qua hình ảnh và ý nghĩa của các ngọn đuốc qua các thời kỳ:

Berlin Mùa Hè 1936 - Lần rước đuốc đầu tiên được tổ chức trước kỳ Olympics Berlin. Được thiết kế bởi nhà điêu khắc Walter Lemcke và sản xuất bởi tập đoàn thép và đồ quân sự Freidrich Krupp, đã có tổng số 3.840 cây đuốc được ra đời để 3.331 người lần lượt tiếp nhận. Có hai nhíp mồi lửa tự động để đảm bảo ngọn lửa luôn cháy, các cây đuốc được làm bằng thép không gỉ, dài 27cm và nặng 450g.
London Mùa Hè 1948 - Đuốc do Ralph Lavers, một người theo trường phái kinh điển, thiết kế. Ông cần tạo ra cây đuốc không đắt quá, nhưng phải tinh tế và rước được qua toàn Âu châu trước khi thắp sáng cho "Thế vận hội thắt lưng buộc bụng". Hai kiểu đuốc đã được đưa ra, một bằng nhôm, với các viên hexamine/naphthalene được nhồi bên trong, và kiểu thứ hai dùng trong các đoạn rước cuối cùng, trước khi lửa về tới sân vận động với ngọn lửa magnesium nằm trong ống thép không gỉ để mọi người có thể nhìn thấy ngay cả trong ánh sáng ban ngày.
Oslo Mùa Đông 1952 - Lễ rước đuốc Olympics mùa đông đầu tiên được tổ chức không phải tại Hy Lạp mà tại Morgedal, khu vực nhảy cầu trượt tuyết và trượt vòng số tám của Na Uy. Các ngọn đuốc từng được dùng trong hàng thế kỷ tại Na Uy trong các buổi trượt tuyết buổi đêm và người ta nảy ra ý tưởng đưa ngọn lửa tới Oslo. Chín mươi lăm ngọn đuốc được gắn trên cán đuốc dài 23 cm với hình một mũi tên nối giữa Morgedal và Oslo được trang trí trên đó.
Helsinki Mùa Hè 1952 - Chỉ có 22 cây đuốc được làm ra, thay vì hàng trăm. Có 1.600 bình gas được sử dụng làm nhiên liệu thắp sáng cho đuốc. Đàn ông chạy với khoảng cách 1km còn phụ nữ chạy ngắn hơn một chút. Các cây đuốc đã được chuyền tay giữa những người tham gia rước chạy và cứ 20 phút lại được đổi bình gas mới một lần. Phần trên màu bạc, nặng 600g được đặt trên giá đỡ hơi cong bên dưới. Các cây đuốc đã được trao cho các nhà tổ chức Olympics sau kỳ thi đấu.
Cortina D'Ampezzo Mùa Đông 1956 - Ngọn lửa Olympics cho Thế vận hội mùa đông ở miền bắc Italy được lấy từ đền thờ thần Jupiter trên đỉnh Capitol, một trong bảy ngọn đồi của thành Rome, ăn mừng kết quả Rome vừa được chọn làm thành phố đăng cai Olympics Mùa Hè 1960. Một giá đỡ ba chân được gửi tới từ làng Olympia của Hy Lạp tới để sử dụng cho công tác rước đuốc. Người đầu tiên rước đuốc là vận động viên Olympics Adolfo Consolini. Một phần lễ rước đuốc được thực hiện bằng những màn trượt pa-tanh.
Melbourne Mùa Hè 1956 - Kiểu thiết kế của tác giả Ralph Lavers người London đã tạo cảm hứng cho ngọn đuốc Melbourne. Các sự kiện cưỡi ngựa được tổ chức tại Stockholm để rước đuốc qua Thụy Điện và Áo. Ngọn đuốc được rước qua những vùng lụt lội, những con đường gập ghềnh và qua những vùng khí hậu khác nhau, để đến Melbourne sau khi trải qua khoảng cách 20.470 km với sự tiếp sức của 3.118 người tham gia rước đuốc.
Squaw Valley Mùa Đông 1960 - Disney được trao trọng trách thiết kế phần hào nhoáng cho Thế vận hội Mùa Đông được tổ chức tại California và John Hench, một trong những nhà sáng tạo đầy trí tưởng tượng của hãng, đã thiết kế ngọn đuốc. Ông bị ảnh hưởng nhiều bởi khuôn mẫu ngọn đuốc London/Melbourne.
Rome Mùa Hè 1960 - Thiết kế hình dáng mảnh như chiếc kèn flute, cây đuốc nhôm mạ đồng nặng 580 g được làm dựa theo hình những cây đuốc có trên các tượng đài cổ. Việc rước đuốc diễn ra từ Hy Lạp, đi theo hành trình mà người cổ đại từng đi khi tìm ra các vùng đất ở Sicily và bán đảo Italy, tạo nên vùng Magna Grecia.
Innsbruck Mùa Đông 1964 - Từng là vận động viên trượt tuyết tham dự Olympics Mùa Đông 1956, Joseph Rieder đã dùng đuốc để thắp sáng tháp đuốc. Kỳ thế vận hội này đã bị hoen ố bởi cái chết của hai vận động viên, xảy ra trong quá trình luyện tập, và bởi tuyết rơi quá ít.
Tokyo Mùa Hè 1964 - Ngọn đuốc được rước đi bằng đường không, đường bộ và đường biển từ Olympia tới Tokyo. Tại Nhật, ngọn lửa được chia rước thành bốn ngả trước khi tái hợp. Yoshinori Sakai, sinh tại Hiroshima hôm 6/8/1946, ngày Nhật bị thả bom hạt nhân, là người cuối cùng rước lửa tới thắp sáng tháp đuốc. Khi ngọn lửa được đưa vào sân vận động, nước hoa vị hoa cúc đã được xả khắp các nơi trên khán đài.
Grenoble Mùa Đông 1968 - Cây đuốc bằng thép mạ đồng đã có hành trình qua nước Pháp với đầy các sự kiện. Người rước đuốc đã băng qua Le Puy de Sancy trong trời bão tuyết khắc nghiệt đầu tháng Giêng. Đuốc được mang qua cảng cổ Marseille bởi một thợ lặn, với ngọn lửa được giơ lên cách mặt nước chừng một cánh tay cho khỏi tắt.
Mexico City Mùa Hè 1968 - Ba ngàn cây đuốc thể hiện hình ảnh ba chiều của kỳ Thế vận hội Mexico City 1968, với dòng chữ được khắc ở trên cùng. Việc rước đuốc diễn ra theo hành trình mà Christopher Columbus đi từ châu Âu sang Tân Thế Giới. Lần đầu tiên đuốc được thắp sáng bởi một phụ nữ, Enriqueta Basileo. Hỗn hợp nhiên liệu đặc hóa ra lại không thật an toàn và đã gây ra một số vụ nổ nhỏ, khiến những người tham gia rước đuốc bị bỏng nhẹ.
Sapporo Mùa Đông 1972 - Ngọn đuốc được đưa tới Nhật Bản bằng các thanh thiếu niên từ 11 đến 20 tuổi và lại một lần nữa được chia ra để được rước bằng nhiều ngả để nhiều người có cơ hội chiêm ngưỡng. Cây đuốc bằng hợp kim nhôm chứa được buồng đốt chứa nhiên liệu dài 55 cm. Kiểu dáng đuốc được lấy theo mẫu tháp đuốc Olympics do Munemichi Yanagi, nghệ sỹ nổi tiếng với những hình trang trí bướm, thiết kế.
Munich Mùa Hè 1972 - Hình dáng cây gậy thể thao của Otl Aicher được sử dụng trong kỳ Olympics này. Đuốc gas được làm bằng nickel, chrome và thép ở ba phần - tay cầm, đĩa hứng và ống lửa được ráp vào nhau. Đuốc được thử nghiệm độ chịu đựng trong các thời tiết khắc nghiệt, kể cả khi trời mưa lớn. Tuy nhiên đuốc lại không chịu được nhiệt độ quá cao. Khi thời tiết lên tới 46độC khi được rước từ Hy Lạp sang Đức, những cây đuốc đặc biệt đã được dùng thay thế.
Innsbruck Mùa Đông 1976 - Trông giống như thiết kế của đuốc Munich, đuốc của Thế vận hội này cũng thể hiện hình ảnh ba chiều những vòng tròn Olympics và được dùng để thắp sáng hai tháp đuốc, tượng trưng cho sự kiện Olympics hai lần được tổ chức tại Innsbruck. Sau Hy Lạp, đuốc được đưa tới Vienna và được rước qua Áo trên hai tuyến đường, miền bắc và miền nam nước này.
Montreal Mùa Hè 1976 - "Trông nó sẽ thế nào trên TV?" là mối quan tâm chính của George Huel và Michel Dallaire. Hai người đã thiết kế cây đuốc với tay cầm màu đỏ và buồng đốt màu đen, với một phiên bản đặc biệt màu vàng và đen. Ngọn lửa lần đầu tiên được thắp sáng bằng chùm tia laser được gửi qua vệ tinh từ Athens tới Ottawa. Nhưng ngọn đuốc lại được tiếp nhiên liệu bằng dầu ô-liu. Hôm 22/7, tháp đuốc Olympics bùng tắt trong trời bão và đã được thắp lại từ ngọn lửa dự phòng
Lake Placid Mùa Đông 1980 - Cây đuốc quay trở lại với hình dáng có vành đĩa và tay cầm, nhưng lần đầu tiên đội ngũ rước đuốc được tổ chức ở quy mô nhỏ, gồm 26 nam giới và 26 phụ nữ, mỗi người từ một tiểu bang của Hoa Kỳ. Họ là các nam nữ vận động viên xuất sắc và rước đuốc theo hành trình suốt đất nước, bắt đầu từ nơi gần với các khu định cư nói tiếng Anh đầu tiên và đi qua các địa điểm lịch sử.
Moscow Mùa Hè 1980 - Có sự khác biệt với những mẫu trước, đuốc màu vàng và bạc đặt bộ phận hình chiếc tách phía trên buồng đốt và phần tay cầm có tấm che bảo vệ. Các doanh nghiệp tại Leningrad đã làm 6.200 chiếc đuốc gas do Boris Tuchin thiết kế. Kiểu dáng đuốc đã được đăng ký sáng chế tại Cộng hòa Liên bang Xô-viết và được cấp bằng đăng ký số 729414.
Sarajevo Mùa Đông 1984 - Đuốc do hãng thể thao Nhật Bản Mizuno sản xuất một lần nữa là xuất hiện trong hình ống dài, mảnh với phần đĩa hứng, biểu tượng cho Olympics. Việc rước đuốc diễn ra theo hai tuyến hành trình trên Nam Tư cũ, đi qua tất cả các khu vực hành chính lớn của nước này, mà sau đó năm năm đều tách ra ly khai.
Los Angeles Mùa Hè 1984 - Cây đuốc được làm bằng nhôm mạ đồng với tay cầm bọc da. Đuốc có hình Memorial Coliseum, nơi tổ chức các kỳ Olympics LA 1984 và 1932. Tuy nhiên, việc rước đuốc đã gây tranh cãi bởi các nhà tổ chức Hoa Kỳ đã bán quyền chạy rước đuốc với giá 3.000 đô la Mỹ một km, khiến người Hy Lạp tức giận. Chỉ hai giờ đồng hồ sau khi lễ rước đuốc diễn ra, Cộng hòa Liên bang Xô-viết tuyên bố tẩy chay kỳ thế vận hội này để đáp lại việc Hoa Kỳ đã tẩy chay Olympics Moscow 1980 bốn năm trước đó. Tuy nhiên, điều này cũng không ngăn cản được hàng ngàn người chen vai thích cánh theo dõi suốt dọc tuyến đường rước đuốc.
Calgary Mùa Đông 1988 - Tương đối nặng với trọng lượng là 1,7kg, cây đuốc có hình giống như tháp Calgary nổi tiếng, với tay cầm làm bằng gỗ phong Canada và buồng đốt làm bằng thép và nhôm. Cây đuốc được chạm khắc câu khẩu hiệu của Olympics, Citius Altius Fortius - nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn. Các hình khắc bằng tia laser trên phần tay cầm thể hiện 10 môn thể thao chính thức của thế vận hội mùa đông. Lễ rước đuốc kéo dài 88 ngày bắt đầu từ vùng duyên hải phía đông tới Calgary, đi qua 10 tỉnh thành và hai vùng lãnh thổ của Canada.
Seoul Mùa Hè 1988 - Công ty chất nổ Hàn Quốc, Korea Explosive Company Ltd, sản xuất ra những cây đuốc bằng đồng, nhựa và da với kiểu dáng tương tự như cây đuốc được dùng mùa thi đấu trước. Những hình ảnh truyền thống của Hàn Quốc, gồm hai con rồng biểu tượng cho sự hòa hợp Đông - Tây. Đuốc được rước đi trong 22 ngày, qua 4.167,8km với 21 thành phố, qua tay 1.467 người rước với hàng ngàn người trợ lý và hộ tống.
Albertville Mùa Đông 1992 - Cây đuốc làm bằng thép không gỉ đánh dấu sự khởi đầu của những kiểu dáng hiện đại và dấu ấn của các nhà thiết kế nổi tiếng. Pháp chọn Philippe Stark, nổi tiếng quốc tế với những sản phẩm nội thất của mình, người trước đó một thập niên đã tân trang các căn hộ của Tổng thống Pháp Francoise Mitterand, làm người thiết kế cho cây đuốc năm nay.
Barcelona Mùa Hè 1992 - Andre Ricard, một nhà thiết kế mỹ thuật công nghiệp từ Barcelona, đã đưa ra kiểu dáng đuốc mới nhằm thể hiện chất "la-tinh". Việc rước đuốc diễn ra qua 652 trung tâm với việc rước bằng xe đạp ở những đoạn thưa thớt dân cư. Tháp đuốc được thắp sáng tại sân vận động Olympics Montjuic bằng một mũi tên mang lửa bắn đi từ cánh cung của cung thủ khuyết tật Antonio Rebollo, vận động viên Thế vận hội khuyết tật.
Lillehammer Mùa Đông 1994 - Lần đầu tiên, thế vận hội mùa đông và mùa hè bắt đầu được tổ chức luân phiên cách nhau hai năm. Cây đuốc gầy mảnh này chịu được gió lớn nhằm đảm bảo không bị trục trặc gì khi được đưa tới tháp đuốc bằng cú nhảy trượt tuyết kỹ thuật trong lễ khai mạc tại Lysgardsbakken. Một lần nữa ngọn đuốc lại được thắp sáng tại Mordegal, mà lần này là sau lễ rước kéo dài 12.000 km. Nhưng Hy Lạp đã phản đối việc kết hợp ngọn lửa này với lửa lấy từ Olympia - ngọn lửa Olympia cuối cùng đã được đưa tới Lillehammer.
Atlanta Mùa Hè 1996 - Thiết kế của Malcolm Grear với những đoạn trông như ống sậy được kết vào nhau mang dáng dấp của những cây đuốc thời cổ đại. 22 ống sậy nhỏ làm bằng nhôm đại diện cho các kỳ Olympics trước đó. Với tay cầm ở đoạn giữa làm bằng gỗ hồ đào, đây là cây đuốc dài nhất của các thế vận hội mùa hè. Đã có thêm một số cải tiến nữa, sau khi một số đoạn trúc nhôm bị chảy và ngọn lửa hơi khó nhìn.
Nagano Mùa Đông 1998 - Cây đuốc lấy cảm hứng từ Taimatsu truyền thống của Nhật Bản nhưng cũng kết hợp thêm các yếu tố hiện đại. Cây đuốc nhôm hướng tới chủ đề thân thiện với môi trường, và sử dụng chất liệu sạch, chất đốt propane. Phần trên của đuốc có hình lục lăng thể hiện khối pha lê và bên ngoài có bọc bạc, thể hiện mùa đông. Nhà vận động phòng chống bom mìn người Anh Chris Moon, người bị mất hai chi trong khi gỡ mìn tại Mozambique, đã chạy vào sân vận động với cây đuốc trên tay để mở đầu lễ khai mạc.
Sydney Mùa Hè 2000 - Nhà hát Sydney, hình cong của cây boomerang và màu xanh của Thái Bình Dương đã tạo cảm hứng cho việc thiết kế cây đuốc. Ba phần được đặt chồng lên nhau, tượng trưng cho Trái đất, lửa và nước. Sau 10 ngày rước ở Hy Lạp, đuốc được đưa tới Úc, từ Uluru tới rặng san hô nổi tiếng Great Barrier Reef. Vận động viên chay nước rút người thổ dân Cathy Freeman đã thắp lửa tại sân vận động Olympics và sau đó đã giành chiến thắng ở giải chạy 400m.
Salt Lake City Mùa Đông 2002 - Mang hình dáng một cột băng và làm bằng chất liệu bạc, đồng của miền tây nước Mỹ, cây đuốc được thiết kế nhằm quảng bá cho khẩu hiệu của Thế vận hội Salt Lake "Thắp sáng ngọn lửa bên trong". Lửa được đốt ở phần đầu đuốc, làm bằng kính, trông giống như bằng đá băng. Thân nhân của những người thiệt mạng trong các vụ tấn công 11/9 cũng tham gia rước đuốc.
Athens Mùa Hè 2004 - Nhà thiết kế mỹ thuật công nghiệp người Hy Lạp Andreas Varotsos nhìn lại cội rễ cổ đại của lịch sử Olympics với cây đuốc làm bằng magnesium và gỗ với hình dáng giống như chiếc lá ô-liu. Việc rước đuốc được tổ chức qua năm châu lục, đem đến cho 260 triệu người cơ hội được nhìn thấy ngọn lửa thiêng. Đuốc được thiết kế nhằm không khí lưu thông được từ phía tay người cầm cho tới tận ngọn lửa ở phía trên cùng.
Turin Mùa Đông 2006 - Hãng thiết kế xe hơi của Ý, Pininfarina, hướng tới việc thiết kế đuốc từ các kiểu dáng truyền thống ở các hãng xe hơi khổng lồ như Ferrari, Maserati, Rolls-Royce và Jaguar. Đuốc có hình cây gậy trượt tuyết và ngọn lửa tỏa sáng ở quanh phần đầu. Nhưng đây là cây đuốc bị chỉ trích nhiều vì quá nặng cho người rước, với trọng lượng tới gần 2kg.
Bắc Kinh Mùa Hè 2008 - Đuốc có hình cuộn giấy với hình những đám mây báo điềm lành, biểu tượng thường được dùng trong truyền thuyết Trung Quốc, nhằm thể hiện sự hòa hợp. Một lễ rước đuốc hoành tráng, dài nhất trong lịch sử đã diễn ra trên năm châu lục và ở Trung Quốc, nhưng thường bị gián đoạn vì các cuộc biểu tình phản đối.
Vancouver Mùa Đông 2010 - Kiểu dáng mà Canada đưa ra là của hãng Bombardier và hãng Hudson's Bay Company. Cây đuốc dài 94,5cm và nặng 1,6kg, lấy cảm hứng từ những đường cắt do dấu tích trượt tuyết và từ phong cảnh Canada. Cây đuốc có màu trắng của mùa đông với dấu ấn lá phong. Nó thể hiện khẩu hiệu của Thế vận hội và logo của Vancouver 2010 - hình Inukshuk, tức những chồng đá xếp lên nhau tạo thành hình người cho người Inuit làm.
London Mùa Hè 2012 - Với việc lần thứ ba đăng cai tổ chức Thế vận hội, cây đuốc ba cạnh được hãng thiết kế Barber Osgerby trình làng. Màu vàng, với những tấm hợp kim nhôm, mỗi chiếc đuốc có 8.000 lỗ thủng nhỏ tượng trưng cho 8.000 người tham gia rước đuốc. Với chiều dài 80cm, đây là cây đuốc dài nhất, nhưng cũng có trọng lượng nhẹ nhất, khoảng 800-850g kể cả phần buồng đốt đặt ở trong, dùng nguyên liệu propane-butane. Do nhẹ nên các thiếu niên tham gia cũng có thể rước đuốc một cách dễ dàng.
Tổng hợp | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục