Tiki-taka với người Anh: Chế tạo đồng hồ cho bóng đá Anh

16:59 Thứ hai 15/10/2012

Tích tắc, tích tắc, tích tắc. Chuyền, di chuyển, chuyền, lại di chuyển. Cái đồng hồ ấy đã mở ra một thời đại mới cho đội tuyển Tây Ban Nha, và bây giờ, người Anh cũng muốn chế tạo nó. Nhưng mất bao lâu?

Công nghệ chế tác. Người Anh vốn không có công nghệ chế tác Tiki-taka, và cũng không có những “nghệ nhân” nhào nặn nên Tiki-taka. Yếu tố cơ bản của lối chơi này là chuyền bóng và di chuyển liên tục đã bị lép vế trước các phẩm chất thể lực và tinh thần trong nhiều năm. Bóng đá Anh hiện tại cũng không có một HLV có tầm tư tưởng mang tính cách mạng như Johan Cruyff, người đã đặt nền móng cho Tiki-taka. Và ý tưởng ấy càng không được thể hiện bằng một bản vẽ phù hợp: Đến giờ, đội tuyển Anh vẫn chơi 4-4-2, thay vì 4-3-3, một hệ thống cơ động hơn.

Tố chất của người Anh không đủ để chơi Tiki-taca - Ảnh Getty

Con đường nào cho bóng đá Anh? Premier League cần thưởng thêm một điểm cho các chiến thắng mà đội giành 3 điểm kiểm soát bóng tốt hơn đối phương. Cho các HLV người Anh theo học một khóa Tiki-taka cơ bản ở Hà Lan (Cruyff đứng lớp) và nâng cao tại TBN (Aragones, hay Del Bosque có thể làm thầy). Hay đơn giản hơn, cấm các cầu thủ chuyền bóng vượt quá chiều cao khung thành, và ai vi phạm thì phạt ngay một thẻ vàng. Công nghệ từ đó mà nên.

Chất liệu chế tác. Trước EURO 2008, đội tuyển TBN là một bản sao của đội tuyển Anh. Ở cấp CLB, Barcelona và Real Madrid vẫn thành công, nhưng đội tuyển TBN đã trải qua nửa thế kỷ hoang mang, cho đến khi Tiki-taka ra đời. Nhưng ngay cả trước khi có lối chơi này, thì các cầu thủ TBN cũng được đào tạo thiên về kỹ thuật. Ngược lại, cầu thủ Anh chỉ đáp ứng kỹ thuật ở mức cơ bản và không đủ nền tảng để phát triển một lối chơi đòi hỏi hàm lượng kỹ thuật (đặc biệt là kỹ thuật chuyền bóng) và tư duy cao như Tiki-taka. Người Anh cũng không có một lò đào tạo nào ra hồn về kỹ thuật, trừ Arsenal.

Hai năm trở lại đây, LĐBĐ Anh (FA) mới nghĩ đến việc cho các cầu thủ nhí chơi ở mặt sân nhỏ, thay vì bắt các em tập trên sân người lớn, để rèn luyện kỹ thuật, hơn là phát triển cơ bắp và tốc độ. Nhưng như vậy xem ra là chưa đủ. Hãy bắt đầu từ giới hạn chiều cao ở vị trí tiền vệ: Cầu thủ phải cao dưới 1m75 (ở tuổi 18) mới được cho ra sân ở Premier League, và không gọi tiền vệ cao trên 1m75 vào tuyển Anh. Nên nhớ là Paul Scholes, chỉ cao 1m70, hiện vẫn là một trong những “của hiếm” ở Premier League dù đã gần 40 tuổi! Nếu chưa đào tạo kỹ thuật cho ra hồn, người Anh đừng… to cao làm gì.

Văn hóa chế tác. Tiki-taka không phải một chiếc đồng hồ khoe mẽ. Nó không đẹp ở hoa văn, mà ở sự nhịp nhàng, chính xác của các kim giờ, phút, và giây. Xavi, Iniesta v.v, không phải những cây kim bóng bẩy, nhưng được chế tạo rất tinh xảo, sau nhiều năm mài giũa cùng nhau ở La Masia. Vẻ đẹp của nó nằm ở sự hài hòa giữa các chi tiết ăn khớp với nhau tuyệt đối, và danh tiếng của chiếc đồng hồ này được tạo ra bởi chất lượng tự thân, không phải bởi các chiến dịch marketing.

Người Anh sẽ làm gì để có văn hóa chế tác? Bịt miệng các tuyển thủ để cấm họ thốt ra các lời phân biệt chủng tộc? Cấm các cầu thủ trẻ đọc báo Anh, vì nếu đọc, ai cũng tưởng họ là thần đồng? (Tom Cleverley là ví dụ mới nhất) Hay Premier League cần cấm các cầu thủ có scandal ra sân? Văn hóa chế tác, nếu không được sản sinh từ ý thức, thì phải bắt đầu bằng mệnh lệnh và hình phạt. Mà tổ chức có vị trí cao nhất của FA thì thậm chí còn đang bị một cầu thủ máu mặt của Chelsea chửi mắng một cách thô tục.

Tiki-taka đã phải trải qua chừng 20 năm từ khi thai nghén (Johan Cruyff đến Barca năm 1988) cho đến lúc hái được trái ngọt (chức vô địch EURO 2008), ngay cả khi đã có đủ cả công nghệ, chất liệu và văn hóa chế tác. Nếu người Anh không bất chấp tất cả đề tạo ra nền tảng ấy, thì 200 năm nữa, e họ vẫn chưa nghe được tiếng “Tích, tắc”.

Phạm An | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục