Thể thao Việt Nam: Chờ ngựa hay đường dài

09:37 Thứ bảy 09/08/2014

Dường như mỗi khi thể thao Việt Nam chuẩn bị cho các đại hội như Olympic, SEA Games và Asian Games ít nhiều cũng gặp “chuyện”. Lần này, thêm một lần nữa người hâm mộ lại thấy sốt ruột khi bóng chuyền, bóng bàn không đăng ký góp mặt và mới nhất có thông tin cho rằng tổ điền kinh 400m nữ đang tập huấn tại Mỹ cũng không đạt được kỳ vọng…

1. Câu chuyện về tổ chạy tiếp sức 4x400m nữ đi tập huấn tại Mỹ (gồm Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Thúy, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền) đã được nói rất nhiều. Ngay từ trước khi họ được lên đường đi Mỹ thì đã có nhiều thông tin chia sẻ.

Phải khẳng định, đưa VĐV ra nước ngoài tập huấn nhằm đạt thành tích tốt hơn là chiến lược và kế sách hợp lý của ngành thể thao cùng bộ môn điền kinh. Nước Mỹ hẳn nhiên là nơi tập luyện lý tưởng. Chúng ta đã có minh chứng cụ thể với trường hợp Nguyễn Thị Ánh Viên. Hơi đáng tiếc khi tổ 4x400m nữ của chúng ta khi tới Mỹ thì đã phải qua 2 địa điểm tập và hiện tập ổn định ở Florida (Mỹ).

Thầy trò tổ chạy tiếp sức 4x400m nữ trong chuyến tập huấn tại Mỹ.

Ngay khi có thông tin cho biết, có thể tổ trên không đạt thông số kỹ thuật tốt trong quá trình tập huấn nên đi Asian Games sẽ chỉ còn một mình Quách Thị Lan và từ vị thế nhóm đặt kỳ vọng giành huy chương đã trở thành cơ hội quá mong manh thì một số ý kiến của VĐV đã bày tỏ rất thẳng thắn rằng đừng vội tạo áp lực cho VĐV bởi hãy để thành tích chứng minh trên thi đấu. Đó cũng là sự phân tích dễ cảm thông.

Ở đây, chúng ta cũng chưa vội khẳng định chiến lược đi Mỹ của điền kinh Việt Nam đã bị lãng phí tiền bạc. Ranh giới giữa thành công và thất bại ở thể thao rất gần nên từ được tung hô rồi ngay lập tức bị phán xét đã xảy ra với nhiều trường hợp. Ai cũng hiểu, đợt tập huấn tại Mỹ là cuộc chơi sòng phẳng để riêng các VĐV thể hiện trình độ và cũng là để các đơn vị đóng góp quân trong chuyến hành trình trên xem xét việc đầu tư có hiệu quả hay không.

2. Cũng là câu chuyện về từ “lãnh phí” đang khá nhạy cảm. Mới đây, ngành thể thao đã có cuộc họp bàn để nghe báo cáo về đề cương kịch bản chương trình văn hóa, nghệ thuật tại lễ bế mạc Đại hội Thể thao bãi biển châu Á 4 (ABG 4) tại Phukhet Thái Lan (dự kiến ngày 23-11-2014). Đó là thời điểm chúng ta có 15 phút để thực hiện hoạt động nhận cờ từ Ủy ban Olympic châu Á trao cho quốc gia tổ chức ABG5 là Việt Nam cùng một chương trình trình diễn (khoảng 12 phút). Nghe qua về khoảng thời gian trên thật ngắn gọn và hợp lý. Tuy nhiên, cái giá mà ông Trần Bình - Giám đốc nhà hát nghệ thuật đương đại Việt Nam (đơn vị có thể đồng hành cùng đoàn Việt Nam đi nhận cờ tại ABG4) để thực hiện chương trình trình diễn là… 400 triệu đồng. 400 triệu đồng cho 12 phút biểu diễn. Theo lý giải từ lãnh đạo nhà hát, số tiền trên để “gánh” cho 36 nghệ sĩ múa, ca sĩ, phần âm nhạc bổ trợ kèm theo trang phục.

Mọi chuyện chưa thể quyết định. Theo quy định, nếu khung tiền đưa ra từ 100 triệu đồng trở lên thì các đơn vị sẽ phải tham gia quá trình đấu giá. Từ đó ngành thể thao có thể lựa chọn đơn vị nào hợp lý nhất. Nhưng có thể thấy, nếu quyết cái rụp về 400 triệu đồng chỉ để dành cho khoảnh khắc nhận cờ ngắn ngủi thì mới đúng là sự lãng phí thật sự.

Từ sự việc trên mới thấy, chưa hẳn đưa VĐV ra nước ngoài tập huấn mà không đạt thông số kỹ thuật đã là một sự lãng phí vì trong tuyển chọn, họ đã và đang là những con người tốt nhất ở nội dung vào thời điểm hiện tại. Thành công đều phải trải qua thời gian. Đôi khi, những quyết định (nếu có) khác về nhiều mặt còn lãng phí hơn.

Nguyễn Đình | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục