Thể thao đã giải phóng nữ quyền

14:30 Thứ hai 06/08/2012

Những cuộc biểu tình gây náo loạn của nhóm ngực trần FEMEN ở London không phải là áp lực khiến Ban tổ chức (BTC) Olympic 2012 quyết định phải thay đổi cách nhìn nhận của mình với Saudi Arabia, đất nước theo đạo Hồi lần đầu tiên trong lịch sử cử hai VĐV nữ đến tham dự thế vận hội. Nói như Trưởng BTC Thế vận hội Sebastian Coe thì “đây đã là thế kỷ XXI và những người phụ nữ cần phải nhận được sự đối xử bình đẳng, bởi tài năng và ước mơ chính đáng của họ”.

"Những người phụ nữ cần phải nhận được sự đối xử bình đẳng bởi tài năng và ước mơ chính đáng của họ"

Tại London những ngày qua, Saudi Arabia là tâm điểm bị nhóm FEMEN (dù không nêu đích danh) chỉ trích. Trong lịch sử của mình, Saudi Arabia chưa một lần cho phép các VĐV nữ tham dự thế vận hội bởi không muốn những quy tắc ăn mặc khắc nghiệt của đạo Hồi bị phá bỏ. Ngay tại Olympic 2012, Saudi Arabia dù cử đến hai nữ VĐV dự tranh các môn judo và điền kinh, ban đầu họ vẫn tranh cãi quyết liệt với BTC vì muốn các cô gái này phải ra sân trong trang phục trùm kín mặt, kín đầu. Vì tranh cãi này, nhóm FEMEN đã biểu tình ngực trần trên đường phố London, yêu cầu BTC Olympic loại bỏ những quốc gia đạo Hồi (nhằm vào Saudi Arabia) đối xử tệ bạc với VĐV nữ.

Tất nhiên, BTC Olympic London không thể hành động một cách dại dột để chiều theo ý nguyện của nhóm biểu tình từng gây náo loạn tại Euro 2012. Loại Saudi Arabia hay bất kỳ quốc gia đạo Hồi nào khác là điều không thể thực hiện, nhưng giúp các VĐV nữ của nước này thỏa mãn giấc mơ tranh tài tại ngày hội thể thao lớn nhất thế giới (như một cách giải phóng họ khỏi những điều luật khắc nghiệt) “là điều cần phải làm bằng sự tận tâm” (lời ông Sebastian Coe).

Với quan điểm này, BTC Thế vận hội 2012 đã cùng Saudi Arabia ngồi lại tìm giải pháp. Thay vì trùm khăn kín mít từ cổ lên đầu, các VĐV nữ của Saudi Arabia sẽ chỉ phải đội một chiếc mũ nhỏ, vừa đủ cho họ cảm thấy thoải mái khi thi đấu (và tuân thủ đạo Hồi). Sự linh hoạt đó đã giúp Wojdan Shaherkani được ra sân thi đấu ở môn judo. Bị loại chóng vánh, cô đã khóc và hình ảnh ấy trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới như một khoảnh khắc lịch sử.

Đến Olympic 2016, người ta tin rằng sẽ có nhiều hơn nữa những cô gái đạo Hồi đến từ Saudi Arabia. Quốc gia nổi tiếng bảo thủ về tôn giáo này đã trải qua một bước tiến lớn từ trong quan niệm. Thể thao đã giải phóng nữ quyền. Đó mới chính là điều tốt đẹp nhất đọng lại chứ không phải những cuộc biểu tình “gây sốc” như FEMEN thực hiện.

Tiến Thịnh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục