Ten Hag phải chặn đà khủng hoảng kinh tế của MU

19:09 Thứ sáu 27/01/2023

Chỉ có thành tích trên sân cỏ khả quan vào cuối mùa mới giúp đội chủ sân Old Trafford tránh khỏi việc gặp khó về tình hình tài chính.

 - Bóng Đá

 MU cần những danh hiệu và suất dự Champions League vào cuối mùa để cải thiện tình hình tài chính. Ảnh: Reuters.

Khi công ty tài chính nổi tiếng, Deloitte, công bố kết quả hoạt động kinh doanh của các CLB hàng đầu thế giới vào tuần trước, một số người sẽ coi mức doanh thu 602 triệu bảng (688,6 triệu euro, tăng 23% so với mùa trước đó) của Manchester United ở mùa giải 2021/22 là một tín hiệu tốt.

Nhưng thực tế tình hình của "Quỷ đỏ" không thật sự ổn. Họ lần đầu tiên kiếm tiền kém Liverpool sau 20 năm, cộng với dòng tiền mặt suy giảm và mức thua lỗ nặng nề trong cùng mùa giải 2021/22. Sức khỏe tài chính của nửa đỏ thành Manchester thật sự gặp vấn đề.

Khoản lỗ 2 triệu bảng mỗi tuần

Trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của MU ở mùa giải 2021/22, CLB nước Anh lỗ (trước thuế) lên tới 115,5 triệu bảng, đồng nghĩa với việc trung bình một tuần ở mùa giải trước, đội chủ sân Old Trafford lỗ 2 triệu bảng. Doanh thu mùa 2021/22 của MU tăng so với năm trước (thời điểm dịch bệnh), nhưng nó không gánh được chi phí tiền lương cũng như chuyển nhượng đè nặng lên ngân sách của CLB.

Kieran Maguire, giảng viên tài chính bóng đá tại Đại học Liverpool phân tích: "Chi phí hoạt động của MU đang tăng nhanh hơn doanh thu. Kể từ khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu vào năm 2013, tỷ lệ tiền lương/doanh thu tăng từ 50% lên 66%. Với việc đưa về Cristiano Ronaldo và những bản hợp đồng khác, quỹ tiền lương của mùa giải 2021/22 đã tăng thêm 60 triệu bảng, đạt mức 384 triệu bảng - một kỷ lục của Premier League".

Trong bóng đá, tỷ lệ tiền lương/doanh thu của CLB luôn là một chỉ số quan trọng. Với các CLB đỉnh cao châu Âu, tiền lương chính là khoản chi phí tiêu tốn nhất trong một mùa giải, cần lượng tiền mặt lớn để giải quyết. Barcelona hay Juventus là hai CLB hiểu rõ điều này nhất, khi doanh thu của họ tăng nhưng không thể gánh được quỹ lương phình to ra.

Đội chủ sân Old Trafford xếp thứ 4 trong danh sách các CLB có doanh thu cao nhất thế giới theo bảng xếp hạng từ Deloitte. MU từng là CLB có doanh thu cao nhất thế giới trong nhiều năm qua, đặc biệt ở giai đoạn 2015-2017. Song, hiện tại họ chỉ xếp thứ 4, kém Man City, Real Madrid và Liverpool. Họ lẽ ra có thứ hạng tốt hơn nếu các hợp đồng tài trợ cùng Chevrolet và TeamViewer được duy trì như thỏa thuận ban đầu.

Chevrolet kết thúc hợp đồng tài trợ với "Quỷ đỏ" vào năm 2021, trong khi Team Viewer cũng vừa hủy hợp đồng trị giá 235 triệu bảng với CLB nước Anh vào tháng 12 năm ngoái. "Manchester United không có sự tăng trưởng đáng kể về thu nhập thương mại và các trận đấu kể từ năm 2016 nhưng trong khoảng thời gian đó, tiền lương đã tăng từ 232 triệu bảng lên 384 triệu bảng, gây áp lực lên tình hình tài chính của CLB", Maguire phân tích.

Mức doanh thu tăng 23% của MU ở mùa giải 2021/22 chỉ là hệ quả từ giá bản quyền truyền hình Premier League tăng, cũng như việc các khán giả được trở lại sân vận động. Việc bỏ lỡ một chuyến du đấu đến châu Á do dịch bệnh vào năm 2020, sa thải hai HLV (Ole Gunnar Solskjaer và Ralf Rangnick), sự trượt giá của đồng bảng, chi phí cải tạo sân Old Trafford, là những yếu tố tạo nên gánh nặng cho ngân sách của MU ở mùa giải trước.

Kỳ chuyển nhượng ảm đạm

Tình hình tài chính không tốt chính là một trong những lý do lớn khiến MU chỉ thực hiện một vụ chuyển nhượng trong phiên chợ tháng 1/2023. "Quỷ đỏ" chi 3 triệu bảng để mượn Wout Weghorst về từ Burnley. Gần như nửa đỏ thành Manchester sẽ không bổ sung thêm tân binh trong quãng thời gian ngắn ngủi còn lại của phiên chợ đông năm nay. Trong top 6 Premier League, đội bóng của Ten Hag là những người mua sắm ít nhất.

 - Bóng Đá

 Kỳ chuyển nhượng mùa đông 2023 sắp kết thúc và "Quỷ đỏ" khả năng cao chỉ thực hiện duy nhất thương vụ Wout Weghorst. Ảnh: Reuters.

CEO MU, Richard Arnold đã tuyên bố từ cuối năm ngoái, rằng đội bóng sẽ chi tiêu hạn chế ở kỳ chuyển nhượng tháng 1. "Chúng tôi có những kế hoạch cho mùa hè 2023", Arnold khẳng định. "Thị trường chuyển nhượng mùa đông luôn rất rủi ro và đội bóng thực tế đã chi nhiều trong mùa hè 2022".

Đó là những phát biểu có lý của CEO Manchester United. Trong kỳ chuyển nhượng mùa hè 2022, "Quỷ đỏ" đã chi gần 200 triệu bảng để mua Antony và Casemiro, hậu vệ Tyrell Malacia và trung vệ Lisandro Martinez.

Song, thực tế là các đội ở top 6 Premier League không ngần ngại chi tiêu mạnh mẽ ngay trong kỳ chuyển nhượng mùa đông. Chelsea chi hơn 170 triệu bảng cho các tân binh ở phiên chợ vừa qua, Arsenal bỏ ra 47 triệu bảng, trong khi con số đó với Liverpool là 40 triệu bảng.

Ngay cả Man City, đội gần như hoàn thiện về nhân sự, cũng bỏ ra hơn 10 triệu bảng để đem về Maximo Perrone, tiền vệ sinh năm 2003. MU trở thành đội tiết kiệm nhất trong top 6 Ngoại hạng Anh trong một tháng qua. Những kết quả khả quan mà thầy trò HLV Ten Hag có được trên sân cỏ không thể khỏa lấp thực tế, đó là "Quỷ đỏ" vẫn cần bổ sung nhân sự.

Tình hình tài chính khó khăn khiến CLB chủ sân Old Trafford không còn có thể vung tiền thoải mái vào thời điểm hiện tại. Mọi chuyện có thể thay đổi nếu MU vô địch Premier League hoặc Europa League vào cuối mùa. Hai danh hiệu kể trên có giúp doanh thu của CLB tăng thêm khoảng vài chục triệu bảng. Hoặc ít nhất, Ten Hag cần giúp MU cán đích trong top 4, để đảm bảo suất dự Champions League 2023/24, tấm vé có thể giúp ngân sách của CLB tăng lên khoảng 40-50 triệu bảng.

Tình hình hiện tại khiến việc nhà Glazer công khai rao bán MU trở nên hợp lý hơn bao giờ hết. Các ông chủ người Mỹ muốn rút lui khi cảm thấy rằng CLB không còn là "con gà đẻ trứng vàng" cho họ như trong quá khứ.

Nguồn: Zing.vn
Tường Linh | 18:05 27/01/2023
TỪ KHOÁ
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục