TDDC Việt Nam đối mặt nhà vô địch thế giới người Philippines

14:41 Thứ năm 05/05/2022

TDDC Việt Nam bước vào SEA Games 31 với thách thức lớn ở cả các nội dung nam và nữ khi Philippines mang tới những VĐV vượt trội về thành tích cũng như khả năng.

SEA Games 29, TDDC Việt Nam giành 5 HCV và 3 HCB. Tại kỳ Đại hội diễn ra 3 năm trước, đội chỉ giành 3 HCV, 2 HCB và một HCĐ. Tới SEA Games 31, đội tuyển TDDC Việt Nam tham dự cả 14 nội dung nhưng chỉ đặt mục tiêu bảo vệ thành tích 3 HCV ở kỳ đại hội trước. Dù vậy, nhiệm vụ này cũng không hề dễ dàng.

Screen Shot 2022-05-05 at

 TDDC nam Việt Nam đặt mục tiêu bảo vệ thành tích 3 HCV tại SEA Games 30. Ảnh: Việt Linh.

Trẻ hóa lực lượng

TDDC đang trong giai đoạn trẻ hóa lực lượng ở cả hai đội nam và nữ. Ở các nội dung nam, chỉ còn 2 VĐV kỳ cựu Đinh Phương Thành và Lê Thanh Tùng. 4 VĐV còn lại đều lần đầu tham dự SEA Games.

HLV Trương Minh Sang không có sự phục vụ của Đặng Nam, người từng 4 lần liên tiếp giành HCV nội dung vòng treo ở các kỳ đại hội lần trước. VĐV được chọn thay thế anh là Nguyễn Văn Khánh Phong. Phong mới có hai giải quốc tế trước khi bước vào tranh tài tại SEA Games 31.

Tại World Cup diễn ra hồi tháng 3 tại Baku (Azerbaijan), Khánh Phong lọt tới chung kết nội dung vòng treo. Anh được kỳ vọng là nhân tố tranh chấp HCV. Dù kinh nghiệm thi đấu quốc tế chưa nhiều, Khánh Phong được HLV Trương Minh Sang đánh giá cao: "Khi bước vào bài thi, Khánh Phong có sự tập trung tối đa. Cậu ấy không bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Tôi không lo vấn đề bản lĩnh và tâm lý thi đấu của cậu ấy".

Vị HLV này cho biết kết quả kiểm tra, điểm số bài thi vòng treo của Khánh Phong rất khả quan, đủ sức cạnh tranh huy chương với các đối thủ đến từ Philippines và Indonesia. Ngoài Khánh Phong, TDDC nam Việt Nam còn có Đặng Ngọc Xuân Thiện cũng rất tiềm năng ở nội dung ngựa vòng.

Ở các nội dung nữ, VĐV Việt kiều Nguyễn Katelyn Tienna không thể tham dự dù nằm trong kế hoạch chuẩn bị ban đầu. Cô vướng việc học tại Mỹ. Người được chọn để thay thế là Lâm Như Quỳnh. HLV Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết đội TDDC nữ Việt Nam tham dự SEA Games lần này với lực lượng tương đối trẻ và chỉ đặt mục tiêu HCV đồng đội dù tham dự ở cả 6 nội dung.

"Ở các nội dung cá nhân, chúng tôi có Nguyễn Thị Quỳnh Như từng 2 lần dự SEA Games. VĐV này tập trung nội dung nhảy chống. Đội đánh giá Quỳnh Như có khả năng tranh chấp huy chương. Đỗ Thị Ngọc Hương cũng là nhân tố được kỳ vọng. Em ấy từng giành HCB nội dung xà lệch và phấn đấu tranh huy chương tại đại hội lần này", HLV Thanh Thúy chia sẻ với Zing.

Screen Shot 2022-05-05 at

 HLV Thanh Thúy hướng dẫn động tác cho Trần Đoàn Quỳnh Nam. Ảnh: Việt Linh.

Thách thức từ Philippines

Ở khu vực Đông Nam Á, TDDC nam Việt Nam vốn có thế mạnh ở hai nội dung xà kép của Đinh Phương Thành và nhảy chống của Lê Thanh Tùng. Tuy nhiên từ SEA Games 30, Carlos Yulo của nước chủ nhà nổi lên trở thành đối trọng đáng gờm. Nhà vô địch thế giới năm 2019 được đánh giá cực kỳ toàn diện, đã cạnh tranh quyết liệt với Đinh Phương Thành trước khi thúc thủ ở cả hai nội dung xà kép và xà đơn.

Tại kỳ đại hội lần này, HLV Trương Minh Sang đánh giá Carlos Yulo vẫn là thách thức rất lớn. "VĐV này đã giành HCV và HCB thế giới ở cả hai nội dung vốn được coi là thế mạnh của chúng ta. Năm nay, cậu ấy lại vào độ chín. Vì thế, nhiệm vụ bảo vệ thành quả 3 HCV là tương đối khó khăn đối với TDDC nam Việt Nam", ông nói.

Đối mặt với những khó khăn, ban huấn luyện đội đã có tính toán cụ thể cho từng nội dung đơn môn cho đến toàn năng và cả đồng đội: "Chúng tôi đang tính toán và có 4 đến 5 phương án ở các nội dung khác nhau. Ngoài Philippines với Yulo là chủ lực, Malaysia cũng mạnh ở nội dung nhảy chống. Vòng treo còn có sự cạnh tranh từ Indonesia. Ở nội dung đồng đội, Indonesia, Thái Lan hay Malaysia cũng rất đáng gờm".

Theo ông Sang, nội dung đồng đội mang yếu tố quyết định đến cuộc cạnh tranh tổng thể khi được tính điểm đầu tiên ngay từ phần thi vòng loại. "Chúng tôi đang hướng đến giành HCV đồng đội. Mỗi nội dung đơn môn có 5 VĐV tham gia và lấy điểm của 4 bài thi cao nhất. Văn Vĩ Lương và Trịnh Khải Khang đang được hướng đến để cùng đồng đội tranh chấp nội dung đồng đội. Nhìn chung, cuộc cạnh tranh khá căng thẳng", ông nói.

Không chỉ các nội dung nam chịu thách thức từ đoàn Philippines. HLV Thanh Thúy cho biết đội nữ cũng gặp thử thách tương tự khi đối thủ đăng ký thành công VĐV nhập tịch từ Mỹ Aleah Finnegan. Nữ VĐV sinh năm 2003 từng lọt top 20 xứ cờ hoa và nằm trong đội dự bị TDDC nữ Mỹ. Đẳng cấp của Aleah Finnegan vượt trội so với mặt bằng chung của khu vực Đông Nam Á.

"TDDC nữ tại SEA Games 31 có 6 nội dung, Aleah Finnegan tham dự tác động đến cuộc cạnh tranh ở 5 nội dung (4 cá nhân, một toàn năng). Chúng tôi chỉ hy vọng tranh chấp HCV ở nội dung đồng đội", HLV Thanh Thúy nói.

"Điều tích cực là các VĐV đang có sự ổn định về tâm lý và quyết tâm cao. Tôi cũng chờ đợi vào sự bất ngờ ở nội dung cầu thăng bằng. Chỉ cần VĐV đảm bảo bài thi tốt, không có sai sót, ai cũng còn cơ hội giành huy chương".

TDDC tại SEA Games 31 diễn ra từ 13 đến 16/5 tại Cung Thể thao Quần Ngựa (Hà Nội) với 14 nội dung (8 nam, 6 nữ). Đội tuyển TDDC Việt Nam tham dự đại hội với 12 VĐV (6 nam, 6 nữ) ở tất cả các nội dung.

Theo Đỗ Hải - Zing.vn | 14:00 05/05/2022
TỪ KHOÁ
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục