Sự thù địch giữa các câu lạc bộ
Trong khi tất cả mọi người đều muốn đưa đội tuyển Anh giành được vinh quan thì hầu hết những tên tuổi lớn đều không thể rời xa lòng trung thành với câu lạc bộ của họ.
Nhiều cầu thủ Manchester United không thể cùng tồn tại với các ngôi sao Liverpool. Các đại diện của Chelsea và Arsenal bị chia rẽ bởi mối hận thù sâu sắc đến mức không thể hàn gắn trong các đợt tập trung quốc tế ngắn ngày.
Nhiều người đã lên tiếng thẳng thắn về vấn đề này, trong đó có cựu trung vệ Man Utd Rio Ferdinand.
“Nó đã giết chết đội tuyển Anh thế hệ đó,” anh nói với The Times.
“Có năm chúng tôi sẽ phải chiến đấu với Liverpool để giành chức vô địch, năm khác sẽ là Chelsea. Vì vậy, tôi sẽ không bao giờ bước vào phòng thay đồ đội tuyển Anh và cởi mở với Frank Lampard, Ashley Cole, John Terry hay Joe Cole của Chelsea. Cũng tương tự với Steven Gerrard hay Jamie Carragher phía Liverpool, vì tôi sợ họ sẽ biết thứ gì đó về câu lạc bộ của mình và dùng nó để chống lại chúng tôi.
Tôi không nhận ra rằng những gì mình làm lúc đó đang gây tổn hại cho nước Anh. Tôi quá mải mê, quá ám ảnh với chiến thắng cùng Man Utd - không còn gì quan trọng hơn nữa".
Cái tôi và sự băng giá
Có ý kiến cho rằng Thế hệ vàng của nước Anh có lẽ quá mạnh so với những gì họ cần.
Các cầu thủ như Terry, Lampard, Ferdinand, Gerrard, David Beckham, Michael Owen, Wayne Rooney - đây đều là những siêu sao tầm cỡ thế giới. Bất kể người hâm mộ yêu thích câu lạc bộ nào, không ai có thể phủ nhận tài năng của từng cá nhân trong đội hình này.
Tuy nhiên, điều đó cuối cùng đã góp phần vào sự sụp đổ của người Anh. Những ngôi sao kể trên không chỉ đã quá quen với việc trở thành tâm điểm trong thành công của câu lạc bộ, mà cuối cùng họ còn khiến cho không một huấn luyện viên nào có đủ can đảm để loại bỏ một hoặc hai cầu thủ danh tiếng.
Sven-Goran Eriksson, Steve McClaren và Fabio Capello đều áp dụng những cách tiếp cận khác nhau để quản lý nguồn tài năng dồi dào vô tận. Một số mềm dẻo để tránh các cuộc cãi vã, trong khi những người khác cố gắng thiết quân luật và thách thức các ngôi sao, nhưng cả hai phương án đều không thành công với một nhóm cầu thủ không thể đặt tập thể lên trên cá nhân.
Thiếu cân bằng
Vấn đề cái tôi đã ảnh hưởng đến chiến thuật của đội tuyển Anh, khi kế hoạch lấp đầy đội hình xuất phát với những siêu sao đơn giản là không phù hợp với bóng đá quốc tế.
Nước Anh đã phải chịu đựng một câu hỏi hóc búa khi cố gắng duy trì mối tính liên kết giữa Lampard và Gerrard. Trên lý thuyết, đó là bộ đôi không thể ngăn cản, nhưng hai tiền vệ thiên về tấn công này thường xuyên cản đường nhau và để lại những khoảng trống rất lớn phía sau.
Một người như Owen Hargreaves có thể mang lại nhiều lợi ích hơn cho đội bóng, nhưng anh không có đủ danh tiếng ngôi sao cần thiết để trụ vững ở một đội tuyển vốn đã sợ đánh rơi các siêu sao đến mức Paul Scholes phải chơi ở vị trí tiền vệ cánh trái. Xa hơn nữa, Michael Carrick cũng từng là nạn nhân của câu hỏi tương tự.
Tuyển Anh có 11 cầu thủ giỏi nhất, nhưng không thể là một đơn vị đồng nhất, và nhiều thành viên của Thế hệ Vàng đã công khai đặt câu hỏi về chiến thuật mà họ được áp dụng.
Joe Cole nói với FourFourTwo : “Vấn đề lớn nhất của chúng tôi là tụt hậu so với các quốc gia khác về mặt chiến thuật. Chúng tôi có những cầu thủ xuất sắc nhưng hệ thống này không phù hợp với bóng đá quốc tế, đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng. Chúng tôi không kiểm soát bóng và chạy lung tung.
Chúng tôi có các cầu thủ để ghi bàn chỗ này chỗ kia, nhưng điều đó thường không tuân theo chiến thuật nào cả - chúng tôi chỉ chờ ai đó xuất hiện và tỏa sáng. Đó không phải là cách để giành chiến thắng trong một giải đấu."
Suy nhược tinh thần
Lampard thừa nhận áp lực của việc được mô tả là 'Thế hệ vàng' đã ảnh hưởng đến đội tuyển Anh, những người gặp khó khăn trong việc đưa phong cách câu lạc bộ của họ đến với đấu trường quốc tế.
Nhớ lại những ngày đầu khoác áo đội tuyển Anh, Rooney nói với podcast Stick to Football rằng anh có thể cảm nhận được “nỗi sợ hãi” ở một số cầu thủ, những người đơn giản là không cảm thấy sẵn sàng trước thử thách thi đấu tại World Cup 2006, nơi mà Những chú sư tử thất thủ trước Bồ Đào Nha ở tứ kết.
Ở cấp câu lạc bộ, đây đều là những cầu thủ giỏi nhất, nhưng việc không thể tái lập thành tích năm 1966 đã tạo ra một bầu không khí ngột ngạt, thứ ngăn cản bất kỳ ai thể hiện phong độ tốt nhất của mình.
Trong khi nước Anh đang gặp khó khăn thì những quốc gia như Pháp, Brazil, Đức và Tây Ban Nha thường xuyên ghép các mảnh lại với nhau bằng những đội hình với chất lượng nhân sự thấp hơn. Không ai có câu trả lời, và thất bại liên tục ập đến với họ khi áp lực lên đến đỉnh điểm.
(Bạn đọc: Đăng Nguyễn)
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.
Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.
Trân trọng,
Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam