Sự phục hưng của bóng đá Italy tại cúp châu Âu

11:32 Thứ bảy 20/05/2023

Sau kỷ nguyên vàng trong thập niên 1990 và 2000, các đội bóng Italy suy yếu và dần đánh mất vị thế. Chỉ đến mùa này, tiếng vang từ những đại diện của Serie A mới thực sự trở lại.

Sự phục hưng của bóng đá Italy tại cúp châu Âu - Bóng Đá

Inter Milan đứng trước cơ hội lớn để lên ngôi Champions League lần đầu kể từ năm 2010. 

Inter Milan, AS Roma và Fiorentina lần lượt góp mặt tại chung kết Champions League, Europa League và Europa Conference League. Trước khi mùa giải hiện tại khởi tranh, số người tin vào viễn cảnh trên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Goal lúc đó thậm chí còn bình luận: “Serie A đang tụt dốc thành giải đấu hạng B của châu Âu”.

Mùa trước, AS Roma lên ngôi Conference League, chức vô địch châu Âu cấp CLB đầu tiên của bóng đá Italy kể từ danh hiệu Champions League của Inter năm 2010. Hơn một thập kỷ trắng tay tại các đấu trường châu lục được chấm dứt bởi danh hiệu được xem là hạng thấp ở lục địa già. Đó hoá ra lại là điểm khởi đầu của sự phục hưng của các đội bóng Serie A tại cúp châu Âu mùa này.

Sự trở lại của bóng đá Italy

Thập niên 1990 và 2000, các đội bóng đến từ mảnh đất hình chiếc ủng như Juventus, AC Milan và Inter là những thế lực hàng đầu châu Âu. Serie A lúc đó là giải đấu hấp dẫn bậc nhất thế giới với nguồn vốn đầu tư dồi dào, từ đó thu hút nhiều cầu thủ xuất sắc như Diego Maradona, Marco van Basten và Lothar Matthaus, hay sau này là “Người ngoài hành tinh” Ronaldo, Zinedine Zidane và Kaka.

Trong 6 mùa giải liên tiếp tại giải đấu cấp CLB số một châu Âu từ khi chính thức đổi tên thành Champions League vào năm 1992, không trận chung kết nào diễn ra mà không có đại diện đến từ Serie A. Đỉnh cao của bóng đá Italy được cho diễn ra vào mùa giải 2002/03, khi AC Milan và Juventus đối đầu nhau trong trận chung kết Champions League.

Thời điểm bấy giờ, các CLB tại châu Âu, đặc biệt ở Anh, bắt đầu được những ông chủ giàu có đầu tư. Nổi bật, Chelsea được tỷ phú người Nga Roman Abramovich thâu tóm, trong khi Manchester United được gia đình Glazer từ Mỹ mua lại. Với nguồn vốn dồi dào, Premier League bắt đầu thúc đẩy các chiến dịch quảng bá thương hiệu một cách hiệu quả. Tiền bản quyền truyền hình của giải đấu từ đó cũng tăng đáng kể, cung cấp lợi nhuận lớn cho các đội bóng Anh.

Trong bối cảnh đó, những ông chủ của các đội tại Serie A bắt đầu thể hiện khả năng quản lý tài chính yếu kém. Sự thiếu hiệu quả trong việc hiện đại hoá mô hình kinh doanh như nâng cấp sân vận động hay thu hút các nhà tài trợ khiến các CLB Italy dần cảm thấy khó khăn khi phải đáp ứng mức lương cao ngất ngưỡng của các siêu sao trong đội hình.

Vụ bê bối Calciopoli bị phanh phui năm 2006 đánh dấu đà suy yếu của Serie A. Juventus, nhà vô địch giải đấu mùa giải 2005/06 cùng nhiều CLB lớn khác như AC Milan, Fiorentina, Lazio, và Reggina bị cáo buộc dàn xếp tỷ số. Các quan chức cấp cao tại Italy được cho là dính líu đến vụ việc, phản ánh chế độ quan liêu, sự không trong sạch trong công tác quản lý bóng đá của xứ sở mỳ ống.

Bất chấp việc niềm tin vào Serie A suy giảm sau vụ Calciopoli, đội tuyển quốc gia Italy vẫn thể hiện sự kiên cường để vô địch World Cup 2006 diễn ra ngay sau đó. Mùa giải 2006/2007 và 2009/10, AC Milan và Inter cho thấy rằng bóng đá Italy vẫn còn sức cạnh tranh tại đấu trường châu lục với các chức vô địch Champions League.

Song, những thành tích trên là vinh quang cuối cùng mà các CLB Italy có được trước khi bước vào thập niên 2010 tăm tối. Thế hệ các siêu sao cũ trụ lại Serie A không chiến thắng được thời gian. Trong khi đó, với nguồn tài chính không ổn định, các đội bóng tại đất nước hình chiếc ủng không thể thu hút thêm những cầu thủ lớn khác. Hệ quả tất yếu là giải đấu hàng đầu Italy dần mất sức hút với khán giả, các CLB từ đó cũng suy yếu theo.

Sự phục hưng của bóng đá Italy tại cúp châu Âu - Bóng Đá

Bóng đá Italy, từng tự hào về việc sở hữu nhiều danh thủ, vấp phải khó khăn vì có nền kinh tế yếu kém. Ảnh: Reuters. 

Juventus là đội bóng Serie A duy nhất góp mặt tại vòng chung kết Champions League trong thập niên 2010, cụ thể là vào mùa 2014/15 và 2016/17. Song, “Bà đầm già thành Turin” thất bại trong cả hai trận đấu trên trước lần lượt Barcelona và Real Madrid. Tại Europa League, thành tích của bóng đá Italy còn tệ hơn khi không có đại diện nào tiến được đến trận chung kết trong giai đoạn trên.

Sự cạnh tranh trong nội bộ Serie A cũng ngày càng yếu trước sự thống trị của Juventus với 9 Scudetto liên tiếp từ mùa 2011/12 đến 2019/20. Điều này giúp đội chủ sân Juventus gần như trở thành điểm đến hấp dẫn duy nhất tại Italy, gián tiếp làm suy yếu các đội khác.

Trên đà tụt dốc tưởng như không có điểm dừng, các đại diện của đất nước hình chiếc ủng bỗng trở lại mạnh mẽ ở mùa giải 2022/23. Lần đầu tiên kể từ mùa giải 1993/94, Italy mới có 3 đại diện góp mặt ở cả chung kết Champions League, Europa League lẫn Conference League, gồm Inter, Roma và Fiorentina. Trước đó, tại lượt trận bán kết các cúp châu Âu, Italy còn có lần đầu tiên trong lịch sử đóng góp tổng cộng 5 đại diện (có thêm Juventus và AC Milan - PV).

Bóng đá Italy thực sự trở lại với đấu trường châu Âu, ít nhất là ở mùa này. Dẫu điều đó xảy đến vào thời điểm không ai lường trước, đây là thành tích mà CĐV của xứ sở mỳ ống có quyền vui mừng và là cơ sở để họ mơ về một cuộc phục hưng lâu dài của các CLB Serie A tại đấu trường châu lục.

Cuộc phục hưng sẽ kéo dài bao lâu?

Trong quá khứ, các CLB Serie A trở nên hùng mạnh nhờ sở hữu nhiều cá nhân xuất chúng. Mùa này, bóng đá xứ sở mỳ ống thành công nhờ công tác huấn luyện và mua sắm cầu thủ xuất sắc.

Roma lọt vào trận chung kết Europa League nhờ lối chơi phòng thủ “xấu xí” đặc trưng của HLV Jose Mourinho trước Bayer Leverkusen ở trận bán kết lượt về. Đáng chú ý hơn, Transfermarkt cho biết đội bóng áo bã trầu chỉ bỏ ra 9 triệu euro để mua sắm ở mùa này, trong khi thu về hơn gấp bảy lần con số đó từ việc bán cầu thủ.

Sự phục hưng của bóng đá Italy tại cúp châu Âu - Bóng Đá

Roma thành công tại cúp châu Âu nhờ sự dẫn dắt của HLV Mourinho và chiến lược chuyển nhượng khôn ngoan. Ảnh: Reuters. 

Trong khi đó, Inter bỏ ra khoảng 40 triệu bảng cho tổng phí chuyển nhượng ở mùa này để góp mặt ở trận chung kết Champions League đầu tiên kể từ năm 2010. Con số trên thấp hơn cả Brighton, CLB tầm trung của Premier League, với 55 triệu bảng. Đối thủ của nửa xanh thành Milan trong trận tranh cúp tai voi sắp tới, Man City, chi đến 150 triệu bảng trong cùng giai đoạn.

Napoli là ví dụ cho thành công của bóng đá Italy mùa này. Đẩy đi các trụ cột lâu năm như Kalidou Koulibaly, Fabian Ruiz và Lorenzo Insigne, CLB này vẫn giành Scudetto lần đầu sau 33 năm bằng cách mang về những bản hợp đồng thành công như Kim Min-jae hay Khvicha Kvaratskhelia. Không chỉ vậy, dưới sự dẫn dắt của HLV Luciano Spalletti, Napoli còn thể hiện lối chơi tấn công đẹp mắt và vào đến tứ kết Champions League.

Song, liệu thành công tương tự có lặp lại với các CLB tại xứ sở mỳ ống trong những năm tới? Việc đó không dễ bởi khi các siêu sao hiện tại dần khẳng định tên tuổi, yêu cầu về mức lương cũng sẽ cao hơn. Với cách làm kinh tế kém hiệu quả, những đội Serie A khó lòng giữ chân những cầu thủ xuất sắc. Và lấy gì đảm bảo họ sẽ tiếp tục mua sắm hiệu quả trong những mùa giải kế tiếp?

Nói vậy để thấy các CLB Serie A cần xây dựng một chiến lược phát triển kinh tế bền vững hơn. Có vậy thì họ mới có thể thu hút các ngôi sao và giữ chân những trụ cột. Tuy nhiên, vấn đề này đã tồn tại hơn một thập kỷ và vẫn chưa thể được giải quyết triệt để. Muốn bóng đá Italy thật sự phục hưng chứ không chỉ vô tình vực dậy ở mùa này, các đội bóng cần nỗ lực nhiều hơn thay vì phụ thuộc vào tài năng của HLV hay khả năng mua sắm cầu thủ.

Nguồn: Zing.vn
Minh Tô | 09:00 20/05/2023
TỪ KHOÁ
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục