Roland Garros 2015: Làm ơn đừng cho tôi biết đối thủ kế tiếp!

12:41 Thứ sáu 29/05/2015

Thường trong thể thao bây giờ, người ta hay mượn câu nói đánh trận của người xưa 'biết người biết, trăm trận trăm thắng'. Tất nhiên, nói vậy thôi chứ biết thì vẫn thua như thường, vì đối thủ quá mạnh.

Nadal không bao giờ nói trước về các đối thủ của anh. Ảnh: Internet.

“Biết người biết ta” là cần thiết với đa phần người chơi bởi điều đó khuyến khích họ chuẩn bị cho các trận đấu kỹ hơn. Tay vợt Pháp Gilles Simon thường nghiên cứu băng hình đối thủ của anh rất kỹ trước các trận đấu. Hay Roger Federer ở giải nào có thể đụng phải Rafael Nadal, thế nào anh cũng gọi điện dàn xếp một số buổi tập với đàn anh thuận tay trái Bob Bryan.

Nhưng có một số tay vợt chẳng muốn “biết người” chút nào, họ thậm chí càng tránh xa bảng bắt thăm nhánh đấu càng tốt. Lý do là họ không muốn phân tán sự tập trung. Như tay vợt Marin Cilic người Croatia: “Dính đến những chuyện không nằm trong sự kiểm soát của mình chỉ khiến mình mệt mỏi đầu óc mà thôi, tốt hơn hết là hãy tập trung đến những chuyện nằm trong sự kiểm soát của mình: thể lực, dinh dưỡng, tập luyện và tập trung thi đấu…”

Tránh nói chuyện xa cũng là cách thể hiện sự tôn trọng đối thủ gần. Chuyện phỏng đoán là của giới truyền thông, chứ không phải của các tay vợt. Nadal được hỏi nghĩ thế nào khi có thể phải gặp Novak Djokovic ở tứ kết, anh trả lời: “Cả tôi và Novak đều có những trận đấu khó khăn trước mắt, nào ai chắc chúng tôi sẽ có mặt ở trận đó, tất cả các đối thủ ở Roland Garros đều rất mạnh.”

Nếu Nadal huyên thuyên về trận tứ kết có thể với Djokovic mà thua ngay ở những vòng trước đó có phải bẽ mặt không? Các tay vợt hàng đầu như Djokovic hay Nadal không bao giờ nói chuyện kiểu này.

Thường những tay vợt không cần “biết người” khá nhạy cảm. Trong buổi họp báo sau trận thắng Venus Williams ở vòng 1 Roland Garros, tay vợt nữ người Mỹ Sloane Stephens được hỏi: “Chị có thể mô tả cảm xúc khi hạ Venus để lọt vào vòng 2?”, Stephens lập tức đối đáp: “Đừng nói cho biết đối thủ tiếp theo của tôi là ai nhé.” Tất nhiên, khán phòng tôn trọng yêu cầu của Stephens.

Cũng giống với Stephens là Serena Williams: “Nếu tôi biết đối thủ của mình, trong đầu tôi sẽ vang lên các tiếng nói: ồ, cú thuận tay của cô ta mạnh lắm, đừng đánh bóng vào chỗ đó. Suy nghĩ nhiều về điều này chỉ khiến tôi căng thẳng. Tôi cảm thấy nếu tập trung vào lối chơi của mình thì tôi có thể đánh bại bất kỳ đối thủ nào, cứ như vậy đi.”

Việc chuẩn bị là của HLV Patrick Mouratoglou, ông sẽ đi xem các đối thủ kế tiếp của Serena thi đấu ra sao, vạch ra các kế hoạch và chỉ nói với Serena các kế hoạch này 30 phút trước trận đấu. “Tôi chưa bao giờ để học trò mình mất ngủ về chuyện sẽ gặp ai ngày kế tiếp,” Mouratoglou nói.

HLV Mouratoglou là người chuẩn bị đấu sách cho Serena. Ảnh: Internet.

Bảng bắt thăm lớn đặt bên ngoài để các khán giả tiện theo dõi, cũng có những bảng nhỏ đặt ở phòng thay đồ hay sảnh nghỉ của các tay vợt. Muốn né chúng thì các tay vợt chỉ cần quay mặt bước qua nhanh thôi. Nhưng giờ là thời đại internet, mạng xã hội, ở đâu cũng có thể bắt gặp được phỏng đoán “Serena sẽ gặp Victoria Azarenka ở vòng 3”, vậy làm thế nào?

Họ sẽ tìm cách né luôn internet. Falconi nói cô không vào Twitter. Người bạn cô Madison Keys thì nhét chiếc smartphone kỹ dưới đáy va-li để tránh buồn tay cọ quẹt, sắm một chiếc “cùi bắp” để chỉ nghe với gọi người thân. Petra Kvitova nhất quyết rời xa cám dỗ Facebook, để trang fanpage cho người quản lý tùy nghi xử lý.

Một số thực tế hơn với chuyện này: “Trước sau thì mình cũng biết các đối thủ kế tiếp thôi, trong thời đại thông tin này, làm sao tránh được,” Andy Murray nói. Anh biết rõ Nadal và Djokovic nằm cùng nửa trên nhánh đấu với mình, biết rõ luôn những mối nguy hiểm tiếp theo của mình: Nick Kyrgios, David Goffin, John Isner, David Ferrer.

Khúc Dương | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục