Robin Van Persie: Anh đâu phải thiên thần

11:58 Thứ bảy 21/09/2013

Robin Van Persie đã trở thành một phần của Manchester United, nhưng người Arsenal vẫn có nhiều điều để nói về anh. Để thỏa mãn khát vọng và cá tính của bản thân, Persie đã phải trả giá bởi sự ghét bỏ của khá nhiều người.

Từ chiếc áo MU

Antifan của MU thì rất nhiều, vì cả những lý do chính đáng và không chính đáng. Gia nhập MU nghĩa là Van Persie được đặt dưới kính hiển vi của cả những antifan chân chính và phong trào của Quỷ đỏ. Khi ở Arsenal,Van Persie có nổi đóa, có hành động thiếu bình tĩnh, người ta cũng mau chóng lãng quên, coi đó như một nét cá tính thông thường ở một cầu thủ chinh chiến tại giải đấu đầy sức mạnh như Premier League, thật ra là chẳng ai quan tâm và nhớ đến cả. Nhưng khi về MU, thái độ cứng rắn trước đối phương và “thiếu cam chịu” khi trọng tài xử lý sai của anh ngay lập tức bị bắt chộp từng chi tiết và đeo những cái mác: cục cằn, xấu tính, thô bạo, “đầu gấu”, là ra vẻ ngôi sao. Thôi thì đành phải chịu.

Van Persie không ăn vạ, chẳng đánh nguội, cũng chẳng dùng tay ghi bàn, anh chơi bằng thực lực và chỉ nổi nóng ở những tình huống oan sai hoặc bị chơi xấu. Chẳng phải ai cũng hiền như Kaka, vui vẻ như Ronaldinho, trong những giờ phút cân não của mỗi trận chiến, có lẽ người ngồi ngoài không có mấy sức thuyết phục để dạy cầu thủ trong sân bài học về sự bình tĩnh, điềm đạm.

Trong mắt người hâm mộ Van Persie là kẻ "đáng ghét" ngoại trừ Fan M.U. Ảnh: Internet.

Kể từ khi rời Arsenal, Persie cứng cỏi hơn nhiều, cá tính của anh bộc lộ rõ hơn, mạnh mẽ, quyết đoán kể cả trong cách chơi bóng. Không hề mất thời gian để hòa nhập, Persie ngay lập tức chứng minh đẳng cấp ở đội bóng mới, tự tay đem về thành quả, đóng vai trò chủ chốt trong chức vô địch của MU. Không có bản lĩnh, sự quyết liệt với mục đích đặt ra, tinh thần chiến đấu cao độ, một ngôi sao khó có thể làm được điều đó. Có hàng nghìn cầu thủ nổi nóng trên thế giới này, nhưng họ vẫn lấy đó làm lý do để “ghét” Persie.

Eric Cantona là huyền thoại của không chỉ MU mà của cả giải ngoại hạng, người dẫn đầu và mở ra giai đoạn vàng son cho Quỷ đỏ với 13 chức vô địch. Một người đội trưởng mẫu mực với cái tôi to đùng, một người đã có thể đạp thẳng vào cổ động viên đội bạn khi bị mắng chửi thì anh ta có coi mấy câu to tiếng, mấy cái vùng vằng của Persie hôm nay vào đâu? Persie chẳng làm hại ai cả, anh chỉ bày tỏ cảm xúc và tự bảo vệ mình.

Rồi thế hệ vàng của Arsenal còn đó một Vieira sắt thép, sẵn sàng ăn thua đủ với bất cứ đối thủ nào. Những quái kiệt như Henry, Pires, hay xa hơn là Seaman, sau này là Jens Lehmann, ai là người hiền lành không bao giờ va chạm và cau mày trên sân bóng? Đá xấu hay bạo lực thì chẳng có gì hay cả, nhưng chỉ đơn thuần chê bai những cầu thủ nóng nảy, cứng rắn thì chắc phải chê hết ngày, thậm chí hết tuần, hết tháng, bởi họ quá nhiều, và đầy rẫy là những thần tượng.

Ghét thì là ghét, lý do gượng ép sẽ trở nên nực cười. Giả dụ Van Persie không mặc chiếc áo màu đỏ đó của MU, người ta sẽ bớt soi xét anh hơn, và tốt hơn nữa là đừng đi khỏi Arsenal, sẽ chẳng có đâu những người oán trách. Cứ phản ứng đi và họ sẽ nói “Persie cứng lắm đấy, chớ động vào”, thậm chí cứ phạm lỗi đi rồi họ sẽ nhẹ nhàng chép miệng “Nóng quá, ăn thẻ rồi”. Vậy thôi, đó là tình cảm. Tình cảm thay đổi, cái nhìn cũng khác đi, âu cũng là dễ hiểu.

Persie không phải thiên thần

Ít, rất ít những thiên thần trong thế giới bóng đá này, đúng hơn là không có mấy người có nhu cầu làm một hình mẫu hoàn hảo. Ngay cả Messi cũng sút bóng vào mặt cổ động viên, cũng quát nạt đồng đội, Rooney cũng thi đấu uể oải lúc muốn ra đi, và Casillas cũng lén đâm huấn luyện viên, làm loạn phòng thay đồ. Van Persie chưa làm bất cứ điều nào trong số đó, dù sắp đi anh vẫn chơi cho Arsenal hết mình, luôn tỏ thái độ đúng mực, khuyến khích đồng đội, luôn tôn trọng huấn luyện viên cho dù của MU hiện tại hay của Arsenal quá khứ. Anh chẳng ăn mừng khi ghi bàn vào lưới Pháo thủ, cũng rất thân thiết khi gặp lại những cố nhân, còn cần gì nữa?

Không giống như Samir Nasri, Adebayor, Persie chưa từng ăn mừng khi ghi bàn vào lưới Arsenal. Ảnh: Internet.

MU cần Van Persie đá quả penalty như một cầu thủ chuyên nghiệp được tin tưởng nhất, họ trách anh cạn tình. Anh tuyên bố hạnh phúc hơn trước, họ mắng anh vô ơn. Anh ôm Arsene Wenger, họ bảo anh giả tạo. Những câu chuyện cổ tích kiểu vì quá yêu Arsenal nên vào nhầm phòng thay đồ không cần nhắc đến, nhưng có lẽ để chiều lòng tất cả, Persie cần làm ngược lại hết. Anh phải một mực từ chối đá penalty, đẩy đội bóng mới vào thế khó trong một trận cầu quan trọng, ai cũng biết Rooney đang bị tâm lý thế nào. Rồi anh phải tuyên bố rằng ở Arsenal tôi hạnh phúc hơn, tôi thích không có danh hiệu hơn, đá cùng ít ngôi sao hơn. Và tất nhiên, phải làm mặt lạnh khi nhìn thấy người thầy cũ.

Arsenal có niềm kiêu hãnh của Arsenal, họ không thành công không phải họ không hay, mà vì hoàn cảnh của họ nhiều hạn chế. Tuy nhiên, Van Persie cũng có niềm kiêu hãnh của Van Persie, có mục đích sống của Van Persie, anh muốn làm một cầu thủ của sự chinh phục, muốn sưu tập những chiếc cup cho sự nghiệp chẳng còn dài nữa của mình. Lúc ấy, chỉ có MU là đội thiết tha, trả giá phù hợp, Arsenal cũng thuận mua vừa bán, và thế là Persie ra đi.

Người ta lãng quên những Adebayor, Nasri, Clichy rất nhanh, nhưng khi Van Persie tỏa sáng rực rỡ tại MU, anh mau chóng trở thành cái gai trong mắt nhiều người. Thật ra, cổ động viên Arsenal cũng chẳng có lỗi, đội nào cũng vậy thôi, làm sao không cay đắng, không oán hờn cho được khi cầu thủ trụ cột đến để thăng hoa cùng kình địch. Song đó là bóng đá, Persie đã chấp nhạn rồi.

Chính vì không muốn giả tạo, anh không nói nhiều lời đãi lòng, tung hô thời gian cống hiến ở Arsenal, bởi thực tế anh bị chấn thương hành hạ quá lâu, và khi chơi hay thì cũng bất lực chẳng thể với đến những cái đích mình mong muốn. Anh từng bị fan Arsenal dè bỉu khi chỉ biết nằm trên giường bệnh, rồi bị sỉ vả lúc ra đi, đó là những người xem tivi, còn bóng đá với Van Persie là sự nghiệp, là cuộc sống. Anh không đủ hiền hòa, vị tha để phải làm mát lòng những người mà rất nhanh thôi, họ có thể coi anh chẳng ra gì, chỉ vì một chấn thương, chỉ vì anh không làm điều họ thích - ở lại với câu lạc bộ mà họ yêu.

Persie không phải Kaka, không phải thiên thần. Ơn nghĩa không thể đè lên ước mơ mà anh nung nấu. Mà kỳ thực, cầu thủ vì câu lạc bộ mà trấn thương, câu lạc bộ chữa trị, đó đã là chuyện tất nhiên phải thế, là quan hệ hai chiều. Arsenal giữ Persie, gạt bỏ những Adebayor, Chamakh… không phải vì “tình cảm” với anh, hi sinh cho anh, đơn giản đội bóng biết Persie là người giỏi hơn tất cả, là ngôi sao tiềm năng mà họ đặt nhiều kỳ vọng, điều đó rất đỗi bình thường.

Hãy cứ bị ghét đi, vì anh không phải thiên thần, Persie ạ...

Mạnh Quang | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục