Quả bóng trách nhiệm

16:21 Chủ nhật 08/02/2015

Nghi án mua - bán huy chương, chuyển nhượng VĐV trái quy định ở bộ môn taekwondo TPHCM vẫn chưa đi đến hồi hết, khi giới chức quản lý ngành TDTT vẫn chưa đưa ra bất kỳ kết luận hay tuyên bố chính thức nào. Dư luận có cảm giác quả bóng trách nhiệm, như mọi khi, đã được chuyền qua chuyền lại, vẫn chưa tìm được chủ nhân đích thực của mình.

Không ngoa ngôn, nhưng đấy là căn bệnh lây lan rất nhanh và tồn tại trong ngành TDTT TPHCM từ lâu rồi. Và vì nó đã ăn sâu bám rễ vào tư duy của phần lớn những người làm thể thao nơi đây, thành thử mỗi khi xảy ra xung đột ở môn bóng bàn, điền kinh, bóng chuyền, xe đạp và giờ là taekwondo, người ta mới nhìn thấy nó hiện rõ.

Sau rắc rối, điều mà dư luận quan tâm, giới truyền thông chú ý chính là ai chịu trách nhiệm cuối cùng? Song, khi mọi sự gần như đã rành rành ra đó, rất nhiều đầu mối, nhiều chứng cứ đã chỉ ra sai sót thuộc về cung cách quản lý khá nghiệp dư (hay có chủ đích) của Trưởng bộ môn taekwondo cũng như Ban huấn luyện đội tuyển thành phố, dẫn đến việc chảy máu VĐV về Cà Mau, Bình Phước trước thềm Đại hội TDTT toàn quốc 2014, câu trả lời vẫn khá mơ hồ.

Ảnh minh họa

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM thừa nhận vụ này không đến mức động trời nhưng phức tạp vì cách đổ lỗi lòng vòng, đảo ngược “lời khai” từ HLV, VĐV và những người có liên quan. Nói như nhiều người, càng gỡ, chuyện càng thêm rối vì chưa ai chịu nhận sai sót, hoặc nếu có cũng theo cách rất “ngây thơ” rằng chính họ cũng bị qua mặt. Nếu sự việc không bị báo chí phanh phui, có lẽ nó đã chìm vào quên lãng. Nhưng vấn đề là khi xảy ra rắc rối, không có nhà quản lý nào đứng ra xin lỗi và hứa chỉnh đốn.

Để cấp dưới qua mặt làm bừa, làm ẩu khiến danh tiếng của thể thao TPHCM bị ảnh hưởng và thậm chí trở thành đề tài đàm tiếu ở làng thể thao Việt Nam thì quả là điều đáng tiếc.

Thể thao TPHCM vẫn đang nỗ lực tìm lại vị thế của mình ở sân chơi trong nước sau hơn một thập niên sa sút. Taekwondo chính là một trong những môn được đầu tư trọng điểm, đơn giản vì TPHCM được ví là “cái nôi” của taewondo Việt Nam, từng có giai đoạn phát triển đến cực thịnh. Song vài năm trở lại đây, đóng góp cho đội tuyển của TPHM chỉ còn vài gương mặt xuất sắc ở nội dung quyền, trong khi sở trường đấu đối kháng đã nhường hết cho Hà Nội và các địa phương khác.

Taekwondo đã trồi sụt, giờ đây đến điền kinh, bóng bàn, xe đạp, bóng chuyền… không xảy ra tranh cãi về chế độ đãi ngộ thì cũng “tan đàn xẻ nghé”, hoặc bết bát về thành tích dù kinh phí đầu tư lâu nay dành cho nhóm những môn trọng điểm này (từng có thời gánh vác chính về thành tích cho thể thao TPHCM) không hề nhỏ. Có lẽ, đã đến lúc chính những nhà quản lý cần nghiêm túc đánh giá lại năng lực làm việc của bản thân và của cả tập thể, đã thực sự có tâm, có tầm vì thể thao TPHCM chưa?

Lê Hùng | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục