Phân tích số liệu trong bóng đá đang ngày một thịnh hành

08:47 Chủ nhật 11/10/2020 | 1

Trong hai thập kỷ vừa qua, ảnh hưởng của phân tích dữ liệu đã ngày càng gia tăng trong mọi khía cạnh của cuộc sống: từ kinh doanh, chăm sóc sức khỏe đến truyền thông và mới nhất, thể thao. Cho đến một vài năm trước, bóng đá vẫn được coi là miễn nhiễm với xu hướng này. Có quá nhiều những dữ liệu và sai số để khiến việc phân tích trở nên khó khăn đến vậy.

Và với chúng ta, người hâm mộ, điều quan trọng cốt yếu, vẫn là cảm xúc đọng lại sau khi xem một trận bóng. Điều mà các con số khô khan và trống rỗng không thể thay thế được. Tựu chung lại, “việc thưởng thức bóng đá thiên về phân tích số liệu tựa hồ như việc chúng ta mua một chiếc bánh để ngửi, chứ không phải để ăn.”

Ngược dòng thời gian, phân tích bóng đá không phải là một ngành mới mẻ như chúng ta thường nghĩ. Người đi tiên phong, là một nhân viên kế toán trong Không quân Hoàng gia Anh tên Charles Reep. Sau thế chiến thứ 2, ông bắt đầu thu thập và phân tích dữ liệu về các trận đấu bóng đá bằng những công cụ thô sơ như bút chì và giấy.

Reep rút ra kết luận rằng hầu hết các bàn thắng được ghi từ ít hơn ba đường chuyền, và việc triển khai từ tuyến dưới là vô nghĩa. Bóng phải được đưa lên phía trên càng nhanh càng tốt. Lý thuyết của ông sau này được biết đến với tên bóng dài (Long ball), và gây ảnh hưởng lớn đến bóng đá Anh trong nhiều năm. Thời kỳ nở rộ của lối chơi trên là những năm 80 của thế kỷ trước. “Trực diện” chính là hai từ nắm thế thượng phong trong từ điển bóng đá trong thời gian này.

Tuy nhiên, lý thuyết của Reep sau đó đã có những lỗ hổng và được chứng minh là không chính xác một cách tuyệt đối. Nhà văn Jonathan Wilson (tác giả cuốn ‘Inverting the Pyramid’), đã chỉ ra trong những trận đấu mà Reep phân tích: 91.5% các hành động có nhiều nhất là 3 đường chuyền, đồng nghĩa với việc 91.5% số bàn thắng cũng sẽ như vậy.

Charles Reep đã làm đúng một điều, đó là thu thập dữ liệu. Cái sai của ông chính là đưa ra các kết luận gây tranh cãi, mà đa phần chưa được kiểm chứng. Suy cho cùng, ông cũng chỉ là một kế toán với niềm đam mê bóng đá cùng khả năng thống kê các con số được tích lũy qua năm tháng. Ông không phải là một nhà khoa học dữ liệu.

Đây chính là ví dụ chân thực nhất về việc chỉ có dữ liệu thôi là chưa đủ, điều quan trọng nhất là phải diễn giải nó. Dữ liệu càng đầy đủ và phát triển, vai trò của các nhà khoa học về ngành này càng quan trọng.

Vấn đề về khả năng diễn giải dữ liệu vẫn còn tồn đọng rất nhiều. Các câu lạc bộ bóng đá luôn đầy ắp các luồng số khổng lồ, nhưng nếu thiếu phương pháp giải thích và trích xuất thông tin để từ đó đưa ra quyết định hành động, dữ liệu gần như vô nghĩa. Điều đó cũng như việc chúng ta cung cấp tất cả giá, tỷ lệ và các chỉ số về cổ phiếu, tiền tệ hay hàng hóa cho một người không biết gì về thị trường tài chính. Giao dịch sai lầm là không thể tránh khỏi. Tất nhiên, để đưa ra một quyết định hợp lý, các đội bóng vẫn phải thu thập càng nhiều dữ liệu càng tốt.

Vào năm 2003, cuốn sách ‘Moneyball: The Art of Winning an Unfair Game’ được xuất bản, là bài giới thiệu thực sự, mang phân tích thể thao tới gần hơn với khán giả. Được chấp bút bởi Michael Lewis, cuốn sách tập trung vào đội bóng chày Oakland Athletics và giám đốc điều hành của họ, Billy Beane.

Khái niệm Sabermetrics (phân tích thống kê về bóng chày) đã được làn tỏa rộng khắp Hoa Kỳ và thật sự trở thành một cơn sốt. Nội dung cuốn sách thuật lại thời kỳ trước khi sabermetrics được đưa vào môn bóng chày, các đội phụ thuộc vào kỹ năng của các tuyển trạch viên để tìm kiếm và đánh giá cầu thủ.

Lewis lập luận rằng ban lãnh đạo của Oakland Athletic đã tận dụng triệt để thước đo về phân tích hiệu suất để tìm kiếm những cầu thủ còn vô danh và xây dựng một tập thể vượt trội. Đội bóng thật sự trở thành đối trọng của các ông lớn giàu tiềm lực tài chính tại MLB (giải bóng chày nhà nghề Mỹ). Chuỗi 20 trận giành chiến thắng liên tiếp từ 13/8 đến 4/9/2002 chính là lời khẳng định đanh thép về hiệu quả của phân tích số liệu. Cuốn sách đã được chuyển thể thành bộ phim nổi tiếng Moneyball với sự góp mặt của nam tài tử Brad Pitt vào năm 2011.

Thành công với nhiều môn thể thao ở Hoa Kỳ, nghi ngờ về tính khả thi vẫn bị đặt ra trong bóng đá. Nhiều ý kiến trái chiều xuất hiện. Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng, bóng đá sẽ không thể phân tích bằng dữ liệu. Tuy nhiên, các trường hợp điển hình và đã thành công như Liverpool, AZ Alkmaar hay Midtjylland đang chứng minh số đông có thể mắc sai lầm. Hãy phân tích hai trường hợp điển hình tại Anh quốc, nơi có sự góp mặt của các câu lạc bộ hàng đầu.

1. Brentford

Thành công trên thị trường chuyển nhượng cho phép họ cạnh tranh sòng phẳng tại hạng Nhất, mặc dù có ngân sách lương thấp hơn 60% so với mức trung bình của giải đấu.

Matthew Benham là một nhà kinh doanh, người đã thành lập công ty tư vấn cá cược, Smartodds, cung cấp dịch vụ nghiên cứu thống kê và mô hình thể thao cho những khách hàng cụ thể là những tay đánh bạc chuyên nghiệp.

Tháng 6/2012, Benham trở thành người sở hữu phần lớn Brentford FC, khi đó đang chiến đấu cho một suất thăng hạng lên League One (tương đương hạng 3 Anh). Tháng 7 năm 2014, ông trở thành chủ sở hữu câu lạc bộ Đan Mạch FC Midtjylland.

Cả hai đội bóng đều có một mục tiêu chung, nghe thì tương đối đơn giản, nhưng để thực hiện lại là chuyện khác: tối đa hóa lợi nhuận trên thị trường chuyển nhượng. Neal Maupay, được mua về với giá rẻ mạt 2 triệu euro từ Saint-Etienne, chuyển sang Brighton hai năm sau với con số gấp 10 lần. James Tarkowski sẽ vẫn còn đang ngụp lặn đâu đấy nếu không được Brentford phát hiện.

Năm 2014, đội bóng chiêu mộ anh với giá chỉ 300.000 bảng. Năm 2016, Burnley phải bỏ ra 4 triệu bảng để có được sự phục vụ của trung vệ người Anh. Hiện tại, Transfermarkt định giá Tarkowski 20 triệu bảng. Tổng cộng, Brentford chỉ bỏ ra 12,5 triệu bảng cho những cầu thủ như Maupay nhưng họ thu về 109,2 triệu bảng, với lợi nhuận vô cùng khổng lồ: 96,7 triệu bảng. Tất cả đều nhờ vào hệ thống tuyển trạch thông minh với bộ dữ liệu khổng lồ cùng đội ngũ phân tích sắc bén và đi trước thời cuộc.

 - Bóng Đá

 Matthew Benham và cộng sự Rasmus Ankersen. Ảnh: Soccerment

2. Liverpool

Nhóm nghiên cứu 4 người của câu lạc bộ, đứng đầu là tiến sỹ vật lý Ian Graham, thật sự là niềm mơ ước với bất kỳ đội bóng nào. Các câu lạc bộ khác thường chỉ có ít nhất một người có kiến thức nền tảng chuyên sâu. 4 người của Liverpool thật sự là một cuộc cách mạng.

Năm 2010, câu lạc bộ thành phố cảng được thâu tóm bới tập đoàn Fenway Sports Group của Mỹ, chủ sỡ hữu đội bóng chày Boston Red Sox từ năm 2002. Rất chú trọng đến sabermetrics - ứng dụng phân tích thống kê trong môn bóng chày, đặc biệt để đánh giá và so sánh hiệu suất của từng vận động viên.

Red Sox đã cố gắng tuyển mộ Billy Beane nhưng bất thành. Vì vậy, Red Sox đã chuyển hướng sang một trong những người tiên phong về sabermetrics, Bill James, làm cố vấn cho câu lạc bộ. Thuật ngữ trên cũng do chính Bill đặt ra, bắt nguồn từ từ viết tắt SABR (Hiệp hội nghiên cứu bóng chày Hoa Kỳ), được thành lập vào năm 1971.

Red Sox đã không vô địch World Series trong 84 năm, họ bị ám ảnh bới “lời nguyền Bambino”. Chỉ hai năm dưới trướng Fenway, đội bóng đã lột xác và thống trị World Series với 4 lần vô địch vào các năm 2007, 2013 và 2018.

Trở lại Liverpool, FSG quyết định nhân rộng hệ thống. Họ ngay lập tức bổ nhiệm Damiel Comolli làm giám đốc chiến lược. Ông nổi tiếng với việc khám phá ra những viên ngọc ẩn thông qua dữ liệu. Điển hình là Luka Modric và Dimitar Berbatov khi còn làm việc ở Tottenham.

Tại Liverpool, mặc dù đã ký được với những cầu thủ xuất sắc như Suarez hay Henderson, mọi thứ vẫn không diễn ra theo kế hoạch. Comolli rời đi vào năm 2012. Tuy nhiên, ông đã để lại một tài sản quý báu cho câu lạc bộ: giám đốc thể thao Michael Edwards. Michael kết hợp với trưởng bộ phận tuyển trạch Dave Fallows, giám đốc tuyển trạch Barry Hunter cùng “tứ quái” để mang về những bản hợp đồng chất lượng.

Họ mang về những con người phù hợp nhất với triết lý mà Klopp xây dựng. Chất lượng và số lượng dữ liệu dày dặn hơn đã cho phép Liverpool đưa ra những lời đề nghị sáng suốt trên thị trường. Họ giảm thiểu tới mức tối thiểu lạm phát về giá, đưa về những cầu thủ giá tuy rẻ nhưng cống hiến thì không thể đếm xuể như Robertson. Việc mua Salah, Alisson hay Van Dijk tuy bị đánh giá là sai lầm về mặt giá cả vào thời điểm đó, nhưng thời gian đã chứng minh Liverpool quyết định bạo chi là thành quả của một nghiên cứu lâu dài, rõ ràng và tỉ mỉ. Chức vô địch Ngoại hạng Anh sau 30 năm chờ đợi chính là minh chứng cho điều đó.

 - Bóng Đá

 Michael Edwards, giám đốc thể thao Liverpool. Ảnh: Soccerment.

Tạm kết, có rất nhiều điều mà giới mộ điệu sẽ còn bàn cãi. Liệu thành công đến với những câu lạc bộ có hoàn toàn dựa vào số liệu, hay yếu tố may mắn của tự nhiên có thể xuất hiện ở đây? Các chỉ số có phản ánh đúng thực tế và thực lực của cầu thủ trên sân? Bóng đá, suy cho cùng, phải có tranh cãi thì mới tạo nên nét đẹp. Và kẻ chiến bại sẽ không bao giờ được tung hô. Hạn chế cảm xúc nhưng kết quả tuyệt đối chính là mục đích cuối cùng của phân tích dữ liệu.

Tifo Americano | 07:49 11/10/2020
TỪ KHOÁ
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục