Phan Thị Hà Thanh thất bại tại giải châu Á

21:27 Chủ nhật 02/08/2015

Đương kim vô địch SEA Games 28 Phan Thị Hà Thanh chỉ đứng vị trí thứ 7 giải vô địch thể dục dụng cụ châu Á vừa kết thúc ngày 2.8 tại Hiroshima - Nhật Bản.

Tại SEA Games 28, Hà Thanh từng bị chấn thương nhưng lần này cô không gặp may. Ảnh: Khả Hòa.

Gần hai tháng sau Đại hội thể thao khu vực, đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam lên đường tham dự giải vô địch châu Á với kỳ vọng đoạt ít nhất từ 1-2 HCV. Tuy nhiên chưa có một giải đấu quốc tế nào mà thể dục dụng cụ Việt Nam lại trắng tay như giải lần này, tính từ 4 năm trở lại đây.

Điều này có thể đem lại nhiều tiếc nuối cho người hâm mộ bởi ngày 1.8, các VĐV của chúng ta đều thi đấu khá tốt. Phan Thị Hà Thanh đã vào chung kết nội dung cầu thăng bằng. 3 VĐV nam khác cũng ghi tên mình ở chung kết gồm: Đặng Nam (vòng treo), Lê Thanh Tùng, Nguyễn Tuấn Đạt (nhảy ngựa), Hoàng Cường (xà kép, thể dục tự do).

Tuy nhiên, ở thời điểm thi đấu quyết định vào chiều 2.8, không một VĐV nào giành được thứ hạng cao mà nguyên nhân đều do phần tiếp đất không tốt.

Phan Thị Hà Thanh thực hiện màn biểu diễn trên cầu thăng bằng cực tốt khi các động tác của cô đều đạt độ khó về kỹ thuật cũng như có độ biểu cảm cao.

Thế nhưng đến phần quan trọng nhất là tiếp đất, Thanh đã không thành công vì… ngồi bệt xuống sàn thi đấu. Chỉ với động tác hỏng này, toàn bộ phần thi trước coi như bị “xóa sổ”. Các trọng tài chỉ chấm cho cô số điểm thấp là 14,750 điểm và đứng thứ 7 châu Á (Năm 2012, Thanh đoạt tấm HCV châu Á đầu tiên ở nội dung nhảy chống).

Bà Nguyễn Kim Lan- Trưởng bộ môn thể dục Tổng cục TDTT nói: “Rất có thể, lý do khiến Thanh không tiếp đất tốt vì cô bé vẫn đang bị chấn thương đầu gối. Cũng vì vẫn đau nên Thanh ở giải châu Á năm nay, chỉ đăng ký nội dung cầu thăng bằng. Nhưng chúng tôi an ủi Thanh và ban huấn luyện là VĐV đỉnh cao, đôi khi vẫn thất bại ở những giải đấu được kỳ vọng. Thua keo này, ta bày keo khác.”

Các đồng đội khác của Thanh cũng đều thực hiện hỏng động tác tiếp đất. HLV Trương Minh Sang buồn rầu kể: “Ở nội dung nhảy chống nam, Lê Thanh Tùng gần như 100% có huy chương vì thi đấu rất tốt, động tác đạt độ khó cao và chỉ cần tiếp đất là thành công.

Nhưng đúng ở động tác cuối cùng, Tùng lại bị hỏng. Giống với Hà Thanh, hỏng một động tác coi như mất tất. Chúng tôi tiếc gần chết. Tùng chỉ đứng thứ 7 còn Đạt đứng thứ 8.

Ở nội dung thể dục tự do, Thanh Tùng cũng chỉ đứng thứ 5 và Hoàng Cường xếp thứ 6. Đinh Phương Thành cũng không thành công ở nội dung xà kép.”

Ở môn thể dục dụng cụ, chấn thương xảy ra như cơm bữa (thậm chí còn nhiều hơn cả bóng đá). Với Phan Thị Hà Thanh, trên cơ thể cô không hiếm những vết tím bầm, bong gân do những bài tập nặng đem lại. Cô lại là VĐV thiên về nội dung nhảy chống và thể dục tự do nên đầu gối và cổ chân càng bị hành hạ bởi chấn thương.

Năm 2011, Hà Thanh từng phải đi hút dịch ở chân và nghỉ gần hai tháng vì chấn thương nặng ở đầu gối. Tuy nhiên, với nỗ lực tột độ, cũng năm đó, dù vừa khỏi chấn thương sau khi điều trị, Hà Thanh vẫn xuất sắc đoạt chức vô địch thế giới.

Năm 2012, trước khi tham dự Cúp thế giới, Hà Thanh những tưởng phải bỏ giải vì tái phát chấn thương. Nhưng rất may cô vẫn kịp điều trị và đạt chức vô địch.

3 năm qua, đồng hành với những thành tích chói sáng của cô ở đấu trường thế giới, châu lục và khu vực là chấn thương. Vừa tập vừa chịu đựng những cơn đau bất tận, dù ban huấn luyện cũng tạo điều kiện tốt cho cô điều trị chấn thương. Ở SEA Games 28, Thanh cũng đã nén đau và đem về cho Việt Nam 3 tấm HCV.

Lan Phương | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục