Phận Caddy ở sân golf - Kỳ 2: Trăm dâu đổ đầu tằm

08:29 Thứ tư 07/03/2012

Buổi đầu tiên ra sân phục vụ, tôi nhiều lần phải cúi mặt tránh cái lườm như toát lửa của khách khi đưa nhầm gậy hoặc không tìm được bóng. Mới đi hết tám lỗ, khách đã chỉ vào tôi và ra hiệu gì đó với Hạ (caddy làm cùng ca).

Gò lưng đẩy những bao gậy nặng trịch - - Ảnh: Vũ Thủy

Hạ kéo tôi lại gần rỉ tai: “Ông ta đang tức giận vì cho rằng tuổi chị không hợp tuổi ông ấy nên hôm nay ông đánh không được. Em phải bảo chị mới ra sân ngày đầu, nếu bị khách đổi thì sẽ mất việc nên ông mới cho chị ở lại đấy”.

Tệ... tại caddy

Mỗi ngày ở starter (điểm xuất phát của mỗi vòng golf), caddy lúc nào cũng trong trạng thái hồi hộp chờ thấy mặt khách. Có những cái tên nổi tiếng ở sân golf về độ “hành” caddy mà chỉ cần nhìn thấy tên trên bao gậy là các caddy lắc đầu ngán ngẩm. Chỉ cần sơ sẩy một chút là nghe chửi, thậm chí bị đuổi vào, thay caddy mới. Khách gặp xui xẻo, đánh hỏng, thua cá cược... tất cả đều có thể tại caddy.

Buổi trưa đi với nhóm của ông Th., một đại gia ngành bất động sản ở Q.1, TP.HCM, hệt như một buổi hành xác với nhóm của tôi. Cả nhóm xuất phát từ sân Desert (sân Sa Mạc) giữa cái nắng gay gắt giữa trưa. Ông Th. lớn tuổi nhất trong nhóm đi xe điện, hai người còn lại khá trẻ một tên P., một tên T..

Hai khách P. và T. đều khởi đầu rất tệ. Ông T. thua lỗ đầu và liên tục sau đó là những cú đánh hỏng: bóng bay qua phải, lạng qua trái, hết vào rừng cây lại xuống nước, rơi vào bunker (hố cát), thỉnh thoảng mới được quả thẳng hướng.

Cô caddy tên Trang rỉ tai tôi: “Em ngắm banh phụ chị để tìm banh cho dễ. Ổng đang đánh độ, mất banh bị phạt gậy kiểu gì cũng nổi khùng. Hôm nay ổng đánh dở quá”. Đúng là ông T. đang giận thật. Kết thúc mỗi cú đánh hỏng là một câu chửi thề, nhổ nước miếng, quăng cây gậy xuống mặt cỏ...

Bốn nữ caddy chúng tôi căng như dây đàn suốt 18 lỗ golf. Dường như mỗi cọc tiền mà ông T. rút ra sau mỗi lỗ golf thua độ có phần lỗi của caddy. Trang kéo bao gậy theo sát nút ông khách, mỗi khi đến gần trái banh là phải lo nhẩm tính trong đầu xem còn cách lỗ golf bao nhiêu để báo cho ông ta.

Ông T. đánh banh lúc thì mạnh quá, lúc thì yếu quá. Mỗi lần như thế ông ta lại gắt gỏng trách caddy báo sai khoảng cách. Bình thường caddy chỉ cần đứng cách khách 3-3,5m. Nhưng hôm nay mỗi lần đưa gậy xong, Trang lật đật kéo bao gậy lùi tít ra xa gần chục mét. Cô kéo cả tôi theo cùng với lời rỉ tai: “Đừng có đứng gần ổng, mất công đánh hỏng ổng lại đổ lỗi mình”.

Bên kia, cô caddy tên Hồng phục vụ cho ông P. cũng chẳng khá gì hơn. Banh cứ tìm đường vào rừng cây. Hồng kéo bao gậy đi như chạy luồn lách trong những gốc cây bạch đàn, có lúc không theo kịp khách liền bị nhắc nhở. Giọng ông khách tên P. lên cao khó chịu: “Em phải cố gắng theo cho kịp anh đi chứ”.

Nãy giờ tôi chỉ có phụ kéo mà đã thở ra hơi tai, mặt đỏ bừng bừng.

“Chịu đấm ăn xôi”

Mỗi khi biết “thượng đế” là khách VN đánh độ, các caddy thường tự lên dây cót tinh thần cho nhau: Thôi cố “chịu đấm ăn xôi”, mấy ông VN đánh độ thường “bo” sộp lắm, dù thua độ cũng có khi vẫn “bo” chút đỉnh. Nhưng cuộc chơi nào chẳng có kẻ thắng người thua. Đánh bể, cay cú, “thượng đế” lại trút cả vào caddy, có khi còn “xù” bo.

Hồng ấm ức kể: “Làm như mình chơi bằng tay của mình chứ không phải ổng chơi vậy. Lên green còn hỏi dốc lên, dốc xuống được, đây cách cả hơn trăm mét cũng hỏi sân lên dốc hay xuống dốc”. Banh cách cờ (đánh dấu lỗ golf) chừng gần 30m, báo khoảng cách xong, caddy đưa gậy để khách “chip” banh lên, nhưng cú đánh mạnh, banh bay về phía sau green, lăn dài xuống tận dưới chân dốc. Khách giận quá, mắng caddy: “ĐM, bên kia green đổ dốc mà sao không nói”.

Bị khách mình phục vụ kéo gậy la đã đành, nhiều khi caddy còn bị cả khách cùng nhóm xúm vào “tra tấn”. Ông khách của Hồng đánh banh rớt nước, vội vã thả banh ngay sau bụi tre, chỗ cỏ rất cao, khó đánh. “Vút”, cây gậy chỉ sượt qua đám cỏ mà trái banh cũng chỉ văng ra trước vài mét. Khách cấm cẳn bảo: “Chỗ này có đánh được đâu, vậy mà cái con caddy không chịu nhắc. Trái này không tính”.

Hai ông khách trên green nổi đóa: “ĐM, banh đánh rồi lại bảo không tính. Có biết chơi golf không vậy?”, rồi quay qua caddy vặc tiếp: “Sao em không bảo ảnh thả banh phía trước hồ nước?”. Hồng chỉ im lặng. Nói lại kiểu gì cũng bị đuổi ra.

Đánh độ nên khách ngó nhau rất dữ, thế nên gặp ông khách chơi gian cũng khổ cho caddy. Banh vào rừng cây, mắc ngay giữa hai gốc cây, không thể đánh được, thừa lúc những người khác chưa lên đến nơi, khách đá nhẹ trái banh ra chỗ thoáng rồi đợi hai người lên tới nơi mới đánh.

Tưởng yên chuyện, đến lúc chung độ, dường như biết ông Th. ăn gian, ông khách chơi chung hỏi caddy: “Em nói đi, hồi nãy anh Th. có drop banh (dời banh ra chỗ dễ đánh và bị phạt một gậy) lúc banh lạc vào rừng không?”. Lại chỉ biết im lặng chờ ông Th. lên tiếng. Nhưng ông Th. cũng im lặng, không nói giúp caddy một tiếng nào. Khách nói một hơi: “Cô làm caddy mà không trung thực. Tôi sẽ báo lại với quản lý”.

Hạ, caddy làm chung ở sân golf HP (Lương Sơn, Hòa Bình), động viên trong ngày khách đòi đuổi tôi ra khỏi sân: “Khách ngày hôm nay của chị em mình còn dễ, có ông khách còn khó tính hơn nhiều. Họ bỏ đồng tiền ra và muốn đày đọa caddy thế nào cho xứng với đồng tiền bát gạo. Nhiều khách coi caddy như đầy tớ của mình, sai việc này việc kia, còn có thái độ khinh miệt, coi thường. Làm nghề này là phải chấp nhận hết chị ạ!”.

Nước mắt trên sân golf

Chuyện caddy gặp tai nạn, bị thương tích do bóng bay trúng đầu, gậy golf đập thẳng vào mặt... không còn là chuyện hiếm.

Trên thực tế, caddy không có bất cứ ràng buộc nào với sân golf ngoài việc lãnh tiền lương cho mỗi “phi” (18 lỗ) là 70.000 đồng (trung bình một caddy làm mỗi ngày được một “phi”, tiền công tính vào cuối tháng). Caddy không có bảo hiểm lao động, không có phần thưởng, tai nạn xảy ra khi làm việc đều phải tự chịu trách nhiệm...

Ra sân được buổi thứ hai, tôi choáng váng mặt mày khi đang lẽo đẽo theo sau lưng khách thì bị quả bóng từ đâu đập ngay bắp chân. Tôi ngã dúi xuống sân cỏ, đau xây xẩm mặt mày. Đó là bóng của một khách đánh lạc từ vòng golf bên kia bay sang.

Một caddy vội đỡ tôi dậy. Chị bảo: “May rủi thôi, không may thì bị bóng đập vỡ mặt là chuyện bình thường, có người còn bị gãy sống mũi, gậy bay trúng thì gãy quai hàm, đi cấp cứu. Làm lâu có kinh nghiệm sẽ tránh được thôi”.

Ngoài nỗi ám ảnh bóng bay lạc, khách khó tính, thì nỗi sợ hãi của caddy còn có thêm từ “phạt”.

Không đi làm đúng giờ: phạt. Bị khách phàn nàn: phạt. Làm thất lạc đồ của khách: phạt. Không nhặt rác khi khách đi trên sân: phạt... Đôi khi không cần lý do nào, các caddy cũng bị phạt. Hình phạt ám ảnh nhất là không cho ra sân, đi nhổ cỏ một tháng.

Với caddy, không được ra sân đồng nghĩa với việc không có lương, không có tiền bo. Và phải lầm lũi đi nhổ cỏ trên sân golf trong một tháng bị phạt ấy. Thời gian gần đây một số sân golf còn áp dụng hình phạt tiền với những caddy quên tắt điện, quạt, hay cả việc bật bóng đèn ban ngày trên ký túc xá cũng bị phạt dù trong phòng tối om om...

Vũ Thủy-Tâm Lụa | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục