Ông Nguyễn Văn Đệ: “Bóng đá ta chưa thể ra khỏi Nhà nước”

10:43 Thứ sáu 27/09/2013

Trước Lễ tổng kết mùa giải 2013, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bầu Đệ (Thanh Hóa) - người từng có những phát biểu gây sốc ở cuộc họp tổng kết năm ngoái.

-Năm ngoái, ông đã có những phát biểu gây sốc khi phản đối VPF. Một năm đã trôi qua và với những gì còn bất cập của mùa giải vừa qua, người ta đang chờ tại Lễ tổng kết năm nay bầu Đệ sẽ nói gì?

Ông bầu Nguyễn Văn Đệ (Thanh Hóa)

Tôi vừa mới đến TPHCM trưa nay (25/9 - PV) với mục đích chính là khảo sát và đưa giàn “hỏa táng” đầu tiên về Thanh Hóa cũng như tham dự Hội nghị của Hiệp hội Y tế. Tôi không biết liệu có thể sắp xếp công việc để tham dự Lễ tổng kết hay không, nếu không tôi sẽ ủy quyền lại cho anh Hoài (Phó chủ tịch CLB Thanh Hóa). Tôi cũng đã soạn sẵn ý kiến của mình với VPF trong hội nghị tổng kết ấy. Nội dung thế nào thì tôi chưa thể công bố được, bởi nếu công bố, các anh VPF lại bảo tôi nói với báo chí trước.

- Ai cũng biết ông là một trong số những ông bầu phản đối VPF mạnh mẽ nhất, đến nay ông vẫn giữ quan điểm ấy chứ?

Thật ra thì nhiều ông bầu cũng phản đối chứ không riêng gì tôi. Các bạn thấy đấy, mùa giải vừa qua đã diễn ra như thế nào? Có quá nhiều bất cập xảy ra từ trọng tài đến các CLB. Việc SGXT bỏ cuộc giữa chừng đã ảnh hưởng đến tất cả các đội bóng còn lại, chưa nói đến kết quả của giải đấu, chỉ riêng kinh phí tổ chức 20 trận đấu mà SGXT đã thi đấu thì cũng hàng chục tỷ đồng rồi. Vậy VPF có trách nhiệm gì ở chuyện này không? Giải đấu như thế mà trong bản tổng kết liệu họ có dám nói là thành công tốt đẹp hay không? Kể từ khi VPF thành lập, tôi chưa thấy họ làm được điều gì khác biệt so với hồi VFF còn quản lý cả. Thế nên, tôi nghĩ thà chúng ta làm lại, làm đến đâu, sửa đến đó... Chứ cứ như thế này thì chỉ khiến các CLB ức chế mà thôi, rồi sẽ có thêm nhiều đội chán và bỏ bóng đá.

- Ông bảo có nhiều CLB phản ứng, nhưng thời gian qua người ta chỉ thấy mình ông ra mặt phản ứng dữ dội nhất...

Điều này cũng dễ hiểu thôi. Hãy xem ngành nghề hoạt động kinh doanh của tôi là gì? Tôi xây bệnh viện, mở trường học... hoàn toàn phục vụ lợi ích của nhân dân. Lần này vào TPHCM tôi cũng muốn đưa giàn “hỏa táng” về Thanh Hóa, vì ở quê tôi chưa có, trước giờ người dân phải ra tận Hải Phòng. Ngành nghề của tôi chẳng đụng chạm, cạnh tranh, vướng mắc với ai hết. Tôi không phụ thuộc vào ai cả, thế nên tôi nói bằng lương tâm của mình chẳng sợ thế này, thế kia... Ai hiểu tôi, sẽ biết những việc tôi làm như thế nào.

- Vậy theo ông thì nên giải tán VPF và trao lại việc tổ chức cho VFF?

VPF từ ngày thành lập, doanh thu chủ yếu từ tiền túi của các thành viên. Nhưng họ lại không minh bạch, rõ ràng. Đây là 1 công ty Cổ phần vậy mà đến hết năm 2012 vẫn chẳng có cuộc họp để báo cáo tài chính cụ thể đến các thành viên là những cổ đông góp vốn, các thành viên cũng chẳng được hưởng lợi tức từ lợi nhuận thu được.
Theo tôi, bóng đá ta hiện nay chưa thể thoát khỏi quản lý nhà nước được. Các anh cứ bảo áp dụng mô hình của bóng đá nơi này, nơi kia nhưng phải hiểu đặc thù của Việt Nam khác hoàn toàn so với họ. Đừng biến bóng đá thành công cụ kiếm tiền mà phải hướng đến người dân hâm mộ bóng đá.

- Ông có thể nói cụ thể hơn?

Ví dụ như thế này, có 10 anh tham gia một cuộc chơi, nhưng những người đứng đầu nhóm lại yêu cầu ai đến chơi phải có nhiều tiền. Mà 10 anh đấy, có nhiều người không có tiền phải làm sao đây. Không đủ tiền thì phải rời khỏi cuộc chơi hoặc phải tìm cách này, cách kia để “bằng bạn, bằng bè”. Cuộc chơi ấy đã bị thao túng bởi những anh nhiều tiền.
Cũng như vậy, nếu bóng đá thoát ra khỏi Nhà nước thì cũng là lúc các doanh nghiệp, ông bầu nào nhiều tiền thao túng, đẩy vào cuộc đua “kim tiền” như nâng giá cầu thủ, lương, thưởng... Những đội bóng nghèo muốn tham dự phải có đủ tiền mới chơi được. Đấy cũng là lý do vì sao nhiều đội bóng phải giải thể, bỏ giải như hiện nay.

- Xin cảm ơn ông!
THIÊN VŨ | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục