“Nước mắt đàn ông” trên sân thể thao - Bố là tất cả!

12:20 Thứ bảy 13/10/2012

Ai chẳng có lúc rơi lệ. Một vận động viên lại càng có nhiều lúc phải rơi nước mắt. Thắng sau một trận đấu đầy kịch tính hay thua khi đang nắm chắc phần thắng trong tay đều dễ dẫn đến tiếng khóc.

Tuy nhiên, khi chứng kiến cảnh Tiger Woods khóc sau chiến thắng ở giải British Open hồi tháng 7/2006, người xem lại hiểu thắng hay thua đều không phải nguyên nhân khiến anh ràn rụa nước mắt. Anh khóc vì đó là chiến thắng đầu tiên anh có được sau cái chết của bố mình. Bố anh - ông Earl Woods, đã qua đời hai tháng trước đó sau một thời gian dài chiến đấu với căn bệnh ung thư. Với Tiger Woods, bố là tất cả những gì anh có trong cuộc đời này. Bố là bạn, là huấn luyện viên, là người đáng tin cậy nhất trên sân golf cũng như trong đời thường. Nếu không có ông, Tiger chẳng thể có sự nghiệp hôm nay.

Sự cứng rắn của bố…

Lúc chào đời, Tiger Woods tên là Eldrick Woods. Bố anh gọi con mình là Tiger (Cọp) theo biệt danh của một người bạn đã cứu sống ông khi cả hai còn là lính thủy đánh bộ tại Việt Nam thời chiến tranh. Sống sót trở về sau cuộc chiến phi nghĩa đó, ông Earl Woods xem con mình là món quà quý nhất trong đời, đặc biệt là Eldrich lại sinh ra năm 1975, năm kết thúc cuộc chiến tại Việt Nam. Mới lên ba, Tiger Woods đã phát lộ năng khiếu trong những lần ông Earl dẫn cậu theo khi chơi golf. Người Mỹ bắt đầu biết đến Tiger Woods là lúc cậu bé biểu diễn tài năng trong The Mike Douglas Show, một show truyền hình rất được ưa chuộng lúc đó. Những động tác chơi golf của cậu bé chuẩn xác không kém Bob Hope, một danh hài nổi tiếng và là người thi tài cùng cậu trong show truyền hình này.

“Bố là người bạn thân thiết nhất của tôi. Điều này thật hiếm thấy, phải không nào?”, Tiger Woods luôn nói về bố đầy tự hào như vậy. Đã có rất nhiều ông bố, bà mẹ dẫn dắt con mình đến với thành công trong thể thao nhưng tìm được sự đồng cảm sâu sắc trong mọi vấn đề như cha con Earl và Tiger Woods thì đúng là có một không hai.

Gặp bất kỳ khó khăn nào, Tiger cũng tìm đến bố mình. “Làm sao để con cứng rắn hơn?”, có lần Tiger hỏi. Câu trả lời của ông Earl là: “Dễ thôi, nhưng con sẽ không thích làm theo cách của bố đâu”. Thế là ông Earl dạy con chơi golf bằng những kỹ năng đã giúp ông sinh tồn để đi qua chiến tranh, trong đó quan trọng nhất là ý thức không lùi bước trước mọi trở ngại, dù xuất phát từ con người hay tự nhiên. Tiger nhớ lại: “Nhiều lúc, bố khiến tôi cảm thấy như không thể chịu đựng nổi. Nhưng rồi, ông biết cách dừng lại đúng lúc. Ông luôn biết khi nào tôi đã chạm đến giới hạn của sức chịu đựng. Đến lần sau, ông kéo dài sức chịu đựng của tôi thêm một chút nữa”. Cứ thế, Tiger ngày một mạnh mẽ và tiến xa hơn trong sự nghiệp thể thao.

Cảnh đầm ấm gia đình giờ chỉ còn là kỷ niệm

…Và tính kỷ luật của mẹ

Sinh ra ở Thái Lan, theo đạo Phật, bà Kultida gặp ông Earl nhân một lần ông nghỉ phép ở Bangkok. Khi ông kết thúc thời hạn phục vụ ở Việt Nam, bà đã theo ông về Mỹ. “Mẹ tôi kỹ tính và quyết đoán trong mọi việc. Bà mới là người tôi sợ nhất nhà”, Tiger Woods nói.

Chính bà Kutilda dạy cho Tiger hiểu thế nào là tính không khoan nhượng: “Bất kể đó là người bạn tốt đến thế nào của con, khi bắt đầu trận đấu, con cần suy nghĩ là phải thắng người đó. Cuộc đấu kết thúc, hãy bắt tay và lại là bạn của nhau”. Bà Kutilda còn rất có ý thức về tính kỷ luật. Nếu chưa làm xong bài tập, Tiger dứt khoát không được chạm đến cây gậy golf.

Không phải lúc nào sân golf cũng đón chào mẹ con bà Kutilda, nên bà luôn nhắc nhở con mình: “Đó là vấn đề của họ, sự kiêu căng của họ. Con không thể kiểm soát suy nghĩ hay hành động của người khác mà chỉ có thể kiểm soát chính mình. Hãy luôn tự hào với việc mình là ai và mình có những gì”. Bắt đầu cuộc đời mới tại một đất nước xa lạ và nhiều định kiến, bà Kutilda chọn cho mình cách tồn tại như thế. Tiger Woods lớn khôn từ những lời dạy của mẹ.

Tài năng của Tiger Woods ngày càng được khẳng định. Anh thắng ở tất cả các giải golf nghiệp dư mà anh tham dự trong sáu năm liên tiếp, điều chưa từng có trong lịch sử môn golf. Năm 20 tuổi, Tiger giã từ trường đại học danh tiếng Stanford (dù chưa tốt nghiệp) để trở thành một golfer chuyên nghiệp. Anh không phải hối hận vì điều đó. Ngay lập tức, Hãng Nike ký một hợp đồng quảng cáo trị giá 40 triệu USD với Tiger Woods. Năm 21 tuổi, Tiger trở thành golfer da màu đầu tiên chiến thắng ở một giải Masters. Đó là một sự kiện đáng nhớ vì lệnh cấm người da màu đặt chân vào sân golf chỉ được bãi bỏ vào năm 1975, cũng là năm Tiger ra đời. Trong suốt 21 năm từ lúc đó, chưa có người da màu nào chiến thắng ở một giải Masters.

Thêm một lần khóc

Không thể đếm xuể những danh hiệu vô địch của Tiger, chỉ tính riêng ở hệ thống các giải lớn nhất (Masters, US Open, The Open Championship và PGA Championship) anh đã 14 lần đăng quang, nhiều hơn bất kỳ golfer nào khác trong lịch sử. Theo tờ Forbes, Tiger Woods là vận động viên đầu tiên trên thế giới có mức thu nhập vượt qua con số một tỷ USD (trước thuế), tính cả tiền thưởng lẫn thu nhập từ quảng cáo, tài trợ. Thế nhưng, ngày loan báo cái chết của ông Earl Woods, Tiger Woods bộc lộ: “Tôi sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để lại có được bố”. Người ta tin anh, vì hiểu ông Earl Woods có ý nghĩa đến thế nào đối với cuộc sống của Tiger Woods.

Năm 2009, nước Mỹ bàng hoàng khi biết Tiger Woods có nhiều mối tình vụng trộm. Nhiều phụ nữ lên tiếng nhận mình từng là tình nhân của Tiger, kèm theo là những chứng cứ không thể chối cãi. Tiger không phủ nhận nhưng cũng không xác nhận những cuộc tình này. Anh chỉ xin mọi người hãy xem đó là sự riêng tư của mình. Tuy nhiên, một người của công chúng không thể gói mọi thứ trong phạm vi cá nhân. Cuối cùng, trong một cuộc phỏng vấn truyền hình, Tiger Woods phải thừa nhận: “Tôi thật sai trái khi đã làm những điều ngu xuẩn. Xin mọi người hãy tha thứ cho tôi”. Một lần nữa, người Mỹ lại thấy những giọt nước mắt của Tiger.

Có thể có nhiều người tha thứ cho Tiger nhưng Elin Nordegren, vợ anh thì không chấp nhận lời xin lỗi đó. Ngay khi việc ngoại tình của Tiger vỡ lở, Elin cùng hai con quay về Thụy Điển và lưu lại đó trong suốt thời gian chờ làm thủ tục ly hôn. Ngày 23/8/2010, Tiger Woods và Elin Nordegren chính thức ly hôn sau gần một năm sống xa nhau. Từ đó, sự nghiệp của Tiger Woods dần xuống dốc. Người ta không thấy anh tìm được chiến thắng nào trong cả hai năm 2010 - 2011. Cú sốc quá lớn từ sự đổ vỡ gia đình đã biến Tiger Woods thành một người khác. Mãi đến tháng 6/2012, anh mới tìm được danh hiệu đầu tiên tại giải Memorial Tournament, sau gần ba năm tuột dốc. Người ta tự hỏi, nếu ông Earl Woods còn sống, liệu Tiger có tránh được bước trượt dài đó không? Câu trả lời là: “Rất có thể!”.

Thiện Nga | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục