Những gia đình thể thao nổi tiếng: Lừng lẫy với 7 thủ môn ĐTQG

10:50 Thứ năm 19/03/2015

Hai thế hệ, 7 thủ thành đều từng bắt cho các đội tuyển quốc gia, gia đình thủ thành huyền thoại Trần Văn Khánh quả là vô cùng đặc biệt.

Hai thế hệ, 7 thủ thành đều từng bắt cho các đội tuyển quốc gia, gia đình thủ thành huyền thoại Trần Văn Khánh quả là vô cùng đặc biệt.Trần Văn Khánh bay lượn trong khung thành - Ảnh do nhân vật cung cấp

“Khánh, Vĩnh, Thành, Trung”

Điều đặc biệt phải nói đến đầu tiên là 4 anh em ông Trần Văn Khánh lại được sinh ra trong một gia đình nổi tiếng về nghề… nhiếp ảnh. “Nếu nhắc đến hiệu ảnh Việt Bắc ở Thái Nguyên vào những năm 1960 thì rất nhiều người biết. Cha của chúng tôi là chủ một hiệu ảnh nổi tiếng, nhưng cả 4 anh em tôi không ai theo nghề này, mà lại chọn nghiệp thể thao và lại tình cờ cùng làm thủ môn. Có lẽ do điểm chung là cả mấy anh em đều có chiều cao và sức bật tốt”, ông Khánh chia sẻ.

“Khánh, Vĩnh, Thành, Trung” được những người hâm mộ bóng đá biết đến suốt khoảng thời gian cả mấy chục năm. Ông Khánh không phải anh cả, nhưng được nhắc tên đầu tiên vì là thủ thành nổi tiếng nhất, một huyền thoại suốt từ 1970 đến 1984 trong khung thành của cả Thể Công và đội tuyển VN. Ông vẫn luôn được công nhận là thủ thành xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá VN.

Thời ấy, ở miền Bắc, đặt chân được vào trường huấn luyện là vô cùng khó, phải có những tố chất hơn người và ai được tuyển vào đây thì gần như chắc chắn sẽ trở thành cầu thủ giỏi. Người anh Trần Văn Vĩnh vào trường trước, trở thành thủ môn chính thức của đội trường huấn luyện, rồi sau đó đến lượt người em Trần Văn Khánh vào trường. Sau khi trường huấn luyện giải thể, ông Vĩnh về đội Bưu điện còn ông Khánh về bắt cho Thể Công. Ông Vĩnh bắt cho ĐTQG ở những năm 1960, rồi kể từ năm 1971 trở đi, bắt đầu từ trận đấu đầu tiên giữa đội tuyển VN với Cuba, ông Khánh độc chiếm khung thành ĐTQG suốt 14 năm.

“Tôi có được sự nghiệp như thế là nhờ công lớn của thầy Achimov người Liên Xô cũ. Sau khi chứng kiến tôi tập luyện, ông Achimov gọi tôi ra và bảo: Khánh này, tôi đã nhìn thấy khả năng của cậu và tôi quyết định sẽ truyền hết tất cả những gì tôi có cho cậu. Sau đó là những ngày tháng rèn luyện cực vất vả, nhưng những kinh nghiệm quý giá hiện đại của bóng đá Liên Xô đã được người thầy đầy nhiệt huyết truyền dạy cho tôi”, ông Khánh hồi tưởng lại.

“Bay như Khánh, đánh như Kim” là câu CĐV bóng đá ngày ấy đúc kết. Sở dĩ có câu này bởi ông Khánh có những cú bật cao rồi bay ngược người trở lại phía sau cứu được những bàn thua không tưởng hay bật ra góc đón gọn một cú sút búa bổ mà ai cũng tưởng vào đến mười mươi. Thời ông Khánh, bóng đá VN không thiếu những tiền đạo giỏi với các “món võ” riêng, bên cạnh đó là những trận cầu nảy lửa ở những giải đá bóng SKDA dành cho các nước XHCN. Chuyện cả sân vận động vạn người vẫn cứ lặng phắc, rồi ồ lên tán thưởng, rồi những tiền đạo quốc tế lừng lẫy bên phía đối phương cũng phải bày tỏ sự nể phục là điều vẫn liên tục xảy ra khi thủ thành Văn Khánh đứng trong khung gỗ.

Hổ phụ sinh hổ tử

Hai người em của ông Khánh cũng là những thủ thành nổi tiếng. Trần Văn Thành bắt cho Công an Hải Phòng, Trần Văn Trung trấn giữ khung thành Công an Hà Nội. Sau khi người anh Trần Văn Khánh chia tay ĐTQG năm 1984 thì ông Trần Văn Thành tiếp tục được triệu tập ĐT trong nhiều năm. Ông Trung cũng đã từng được gọi lên ĐTQG, ĐT Thanh niên VN.

Người con của ông Trần Văn Vĩnh chính là thủ thành Trần Tiến Anh, người gác đền của Thể Công và của ĐTQG suốt một thời gian dài. Là một thủ thành giỏi nhưng Trần Tiến Anh thường hay được nhắc đến với một kỷ niệm buồn, là pha lao lên rồi bóng đập trúng lưng trung vệ Sasi Kumar đi vào lưới khiến VN thua ở trận chung kết Tiger Cup 1998. Sau khi giải nghệ, Tiến Anh tham gia công tác đào tạo và hiện đang thuộc biên chế của HN T&T.

Hai người con của ông Trần Văn Trung cũng đều trở thành thủ môn của các ĐTQG. Thủ thành Trần Trung Kiên bắt cho đội futsal QG còn thủ thành Trần Anh Đức tập ở Trung tâm Viettel và sau đó cũng đã được gọi vào các ĐT trẻ QG.

Chơi futsal, các thủ môn phải hoạt động với cường độ cao hơn và thủ thành Trung Kiên với những pha phản xạ nhanh, bắt bóng rất “lì đòn” được coi là một quái kiệt. Thủ môn Trần Anh Đức thì hiện đang khoác áo CLB Hà Nội chơi ở giải hạng nhất. HLV Nguyễn Đức Thắng của CLB Hà Nội nhận định: “Trần Anh Đức là thủ thành sinh ra trong một gia đình truyền thống, có tố chất tốt và khi trẻ đã từng có thời điểm được đánh giá cao hơn cả Bửu Ngọc hay Nguyên Mạnh. Nếu nỗ lực, quyết tâm hơn, Anh Đức còn có thể chơi tốt hơn nữa”.

Tổng cộng nhà ông Trần Văn Khánh có 7 thủ thành đã khoác áo các ĐTQG và đội tuyển trẻ, một điều quá đặc biệt và được coi là độc nhất vô nhị vì trên khắp thế giới khó có gia đình nào như vậy.

Trần Minh | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục