Những bài học từ Rajagopal

12:12 Chủ nhật 11/11/2012

Với những gì đã làm được cho bóng đá Malaysia trong vòng 3 năm qua, HLV K.Rajagopal xứng đáng được xem là thần tượng số một của bóng đá nước này, nhưng sau một loạt thất bại trước Việt Nam và Thái Lan ở những trận giao hữu gần đây, HLV Rajagopal đã phải đối mặt với không ít lời chỉ trích, phê bình. Điều đó cho thấy nghề HLV bóng đá thực sự vô cùng khắc nghiệt, khi khoảng cách giữa 2 vị trí người hùng và tội đồ là cực kỳ mong manh và có thể thay đổi bất cứ lúc nào.

Nếu chịu khó theo dõi kỹ lưỡng phản ứng của báo chí Malaysia trong hành trình chuẩn bị cho AFF Cup 2012 của nhà ĐKVĐ Đông Nam Á, hẳn người ta sẽ dễ dàng nhận thấy thầy trò HLV K.Rajagopal có lúc bị chê tơi tả, song cũng có lúc được động viên, nhưng điều quan trọng nhất là HLV Rajagopal luôn tỏ ra rất kiên định và cứng cỏi trong mọi hoàn cảnh.

Phát biểu trên tờ New Straits Times ngày 9/11/2012 vừa qua, sau khi Malaysia vừa thất thủ 0-2 trước Thái Lan trong trận giao hữu diễn ra kế tiếp trận Malaysia thua 0-1 trước Việt Nam, HLV Rajagopal tuyên bố: “Mọi người có quyền nêu lên quan điểm của mình nhưng là HLV trưởng, tôi hiểu rõ cầu thủ của mình. Các học trò của tôi đều biết họ phải nâng cao hơn nữa trình độ của mình và những trận giao hữu vừa qua chính là cơ hội để tôi kiểm tra năng lực của họ”.

HLV Rajagopal và ĐT Malaysia là hình mẫu cho các đội bóng khác trong khu vực Đông Nam Á. Ảnh: AFF

Cách ứng xử của HLV Rajagopal khiến nhiều người nhớ tới HLV Henrique Calisto, một nhà cầm quân cá tính tới mức đôi khi trở thành cực đoan và không bao giờ ngại ngần đối mặt với những lời phê bình chỉ trích, dù có lúc ông Calisto cũng không giấu giếm sự mệt mỏi và cô đơn của mình, song ông thầy người Bồ Đào Nha chỉ tỏ ra mềm yếu với những người thân quen, còn trước đám đông thì ông luôn rất cứng rắn và mạnh mẽ.

Đấy là phẩm chất mà một HLV chuyên nghiệp bắt buộc phải có nếu muốn gặt hái thành công, bởi ngay việc đối mặt với sức ép của dư luận mà còn không chịu nổi thì làm sao có thể nghĩ tới những chuyện to tát hơn? Ngay như một HLV đã sưu tập đủ các danh hiệu cao quý nhất của bóng đá khu vực ở cấp độ ĐTQG như HLV Rajagopal còn bị “ném đá” chỉ vì Malaysia đã thi đấu không thật sự thành công trong quá trình chuẩn bị cho AFF Cup 2012, thì HLV trưởng của bất cứ đội bóng nào tại Đông Nam Á cũng đều có thể bị “lên thớt” nếu các học trò chơi bóng không đạt yêu cầu.

Một HLV chấp nhận ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG tức là chấp nhận chung sống với tình cảnh “làm dâu trăm họ”, khi bất cứ ai cũng có thể mổ xẻ, phê bình hoặc thậm chí là lên án về công việc mà vị HLV trưởng ĐTQG đang thực hiện. Thế nhưng, ở đời chẳng ai mất không cái gì, bởi sức ép của chức danh HLV trưởng ĐTQG mang lại tuy khủng khiếp thật đấy, song đổi lại lợi ích mà chiếc ghế này đưa đến cũng chẳng thể đong đếm, nên trong thế giới bóng đá có rất ít người từ chối cơ hội trở thành HLV trưởng ĐTQG.

Vậy nên, nếu một HLV chuyên nghiệp mà lại phải lên tiếng đề nghị báo chí và dư luận hãy ủng hộ đội bóng để tâm lý thi đấu của các cầu thủ không bị ảnh hưởng thì nghe cứ thấy làm sao, bởi chỉ cần các cầu thủ chơi bóng với sự nghiêm túc và tập trung cao độ thì dù có thất bại cũng sẽ chẳng có mấy ai đưa ra lời phê bình hay chỉ trích, đặc biệt là trong giai đoạn đội bóng còn đang chuẩn bị cho một giải đấu lớn sắp diễn ra. Mà suy cho cùng thì cả đôi chân lẫn cái đầu đều là của cầu thủ, còn ý kiến của người xem thực chất cũng chỉ là để tham khảo mà thôi, nên nếu chỉ vì không được đông đảo dư luận ủng hộ mà lại ảnh hưởng tới kết quả chuyên môn trên sân thì liệu còn xứng đáng là cầu thủ và HLV chuyên nghiệp?!

HLV Rajagopal quả thật đã rất có lý khi nói: “Mọi người có quyền nêu lên quan điểm của mình nhưng là HLV trưởng, tôi hiểu rõ cầu thủ của mình”. Phải chăng đấy cũng là một trong những nguyên nhân khiến ông thầy này liên tiếp gặt hái thành công ở SEA Games rồi AFF Cup?

Xuân Thông | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục