Nguyên tắc SMART của VĐV Olympic

14:15 Thứ năm 09/08/2012

Mỗi vận động viên Olympic đều tuân theo một chế độ tập luyện khắc nghiệt mới có thể liên tục cải thiện bản thân. Tuy chúng ta sẽ không thể dành ra trung bình 8 giờ mỗi ngày và 7 ngày trong tuần để tập luyện như các vận động viên thứ thiệt, có một số nguyên tắc tập luyện chúng ta có thể bắt chước để đạt kết quả tốt hơn trong việc rèn luyện thể lực cho bản thân. Hầu hết các vận động viên và huấn luyện viên đều vận dụng nguyên tắc S.M.A.R.T trong việc lên kế hoạch tập luyện.

S.M.A.R.T là từ viết tắt của các từ: Specific (cụ thể), Measurable (có thể đo được), Adjustable (có thể điều chỉnh được), Action-Oriented (thiên về hành động), Realistic (mang tính thực tế) và Time-based (dựa trên thời gian). Hãy cùng tìm hiểu mỗi quy tắc này.

1. Mục tiêu cụ thể (Specific)

Các mục tiêu cụ thể có sức thúc đẩy mạnh nhất. Ví dụ, khi tập chạy, bạn có thể đặt mục tiêu cụ thể là giảm thời gian chạy 5km xuống 30 giây trong vòng 6 tháng. Nhiều người chỉ nhắm đến việc chạy nhanh hơn nhưng mục tiêu này là quá rộng và chung chung nên sẽ không thể khích lệ bạn làm tốt hơn trong việc luyện tập.

2. Mục tiêu có thể đo được (Measurable)

Mục tiêu “muốn chạy nhanh hơn” không cung cấp đủ thông tin cần thiết. Bạn phải đo đạc và ghi lại những tiến triển trong việc luyện tập mới có thể ngày càng tiến gần hơn với mục tiêu đã đặt ra. Tất nhiên không phải lúc nào bạn cũng thấy thoải mái khi phải vừa tập vừa đo thời gian. Một cách dể dàng để thực hiện mục tiêu đo đạc này là hãy ghi lại kết quả luyện tập theo một chu kì đều đặn. Trong ví dụ ở trên, bạn chỉ phải tính thời gian chạy 5km của mình mỗi tháng, mặc dù có thể bạn chạy mỗi ngày hay mỗi tuần 1 lần.

3. Mục tiêu có thể điều chỉnh (Adjustable)

Điều này có nghĩa là các mục tiêu luyện tập của bạn phải linh động để phù hợp với các tình huống bất ngờ. Một chấn thương nhỏ cũng có thể khiến bạn phải điều chỉnh lại kế hoạch luyện tập và cả mục tiêu cần đạt được. Ví dụ, bạn đang chạy 5km nhưng lại bị chấn thương. Lúc này điều bạn cần làm là thay đổi mục tiêu: chạy chậm hơn, chạy quãng đường ngắn hơn hoặc cũng có thể là chuyển sang tập một bộ môn khac. Hãy nhớ là một chấn thương nhỏ không có nghĩa là bạn sẽ bỏ bê toàn bộ công việc luyện tập.

4. Mục tiêu thiên về hành động (Action-Oriented)

Hãy tập trung vào hành động chứ không phải việc lên kế hoạch. Hãy cân nhắc điều bạn muốn đạt được, và cả cách mà bạn sẽ làm để đạt được mục tiêu đó. Đừng rơi vào cái bẫy của chính mình khi bạn lên thật nhiều kế hoạch luyện tập mà chẳng bao giờ tuân thủ các kế hoạch đó.

5. Mục tiêu mang tính thực tế (Realistic)

Hãy bắt đầu vừa sức mình, và tăng mục tiêu dần dần. Nếu bạn chưa bao giờ chạy 5km thì tốt nhất đừng nghĩ đến chuyện chạy marathon trong tương lai gần. Mục tiêu gần nhất của bạn là chạy 5km, 10km rồi tiến đến 20km (nửa chiều dài đoạn dường marathon thông thường). Một điều cần lưu ý nữa là khi bạn ngày càng đến gần tiềm năng lớn nhất của mình thì việc cải thiện thành tích sẽ khó hơn và thành tích tăng cũng ít hơn. Ngược lại, nếu bạn đặt mục tiêu quá dễ dàng thì việc đạt được các mục tiêu đó sẽ không khó mấy và bạn sẽ rơi vào tình trạng tự mãn và không đạt được tiềm năng tốt nhất của mình.

6. Mục tiêu dựa vào thời gian (Time-based)

Nếu không xác định thời gian rõ ràng, bạn sẽ dễ dàng trở nên lười nhác và chán nản. Đồng thời bạn cũng nên đặt ra những mục tiêu trung gian với thời gian thực hiện ngắn hơn để có thể giúp bạn luôn cảm thấy phấn khích với việc luyện tập. Ví dụ, mục tiêu cần đạt được trong 6 tháng khiến bạn cảm thấy ngao ngán thì hãy thêm vào các mục tiêu nhỏ với thời gian thực hiện là 2 đến 3 tháng. Như thế bạn sẽ không ngừng tiến bộ mà không bị “hụt hơi” về tinh thần.

Hoàng Nguyễn | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục