Nguy cơ lạc lối của bóng đá Việt Nam sau chức vô địch của U21 HAGL

10:01 Thứ sáu 04/12/2015

(TinTheThao.com.vn) - U21 HAGL vừa thắng trận một cách xứng đáng trước U19 Hàn Quốc và đã thổi bùng cảm xúc vào đông đảo người hâm mộ sau những ngày tháng ảm đạm của bóng đá nước nhà. So với trận đấu ở vòng bảng thì trận này HAGL đá hay hơn nhiều, cả ở khía cạnh lối chơi lẫn khía cạnh cá nhân.

Hãy tỉnh táo

Như thông lệ, tràn ngập trên các trang báo là những lời ca tụng từ giới phóng viên thể thao lẫn những comment tràn đầy xúc cảm của bạn đọc. Chúng ta đang khát, khát đá đẹp đá hay, khát chiến thắng, khát một giải vô địch quốc nội lành mạnh, khát danh hiệu quốc tế,… Khi khát người ta sẽ rất, rất cần một cốc nước.

U21 HAGL bảo vệ thành công ngôi vô địch giải U21 quốc tế sau chiến thắng xứng đáng trước U19 Hàn Quốc. Ảnh: Đình Viên.

Cốc nước này được Bầu Đức đưa đến. Dĩ nhiên theo ông, cốc nước này rất giá trị, rất đẹp rất khó khăn để mang đến. Ông nói: “Sau khi thắng sạch bách các đối thủ trong khu vực, bây giờ bại tướng của HAGL còn là đội bóng đến từ nền bóng đá đẳng cấp thế giới Hàn Quốc”. Quá kinh khủng!!!. Và từ đây, người ta sẽ trao cho ông Đức một chức Thánh, và tiếng nói của Thánh sẽ được hàng triệu người hâm mộ nghe theo..

Vậy đâu là đội hình nòng cốt trong HAGL vật lộn trụ hạng trong giải quốc nội với một đội bách chiến bách thắng vẻ vang như vậy? Chúng ta hãy tỉnh táo.

Giá trị thực của Công Phượng, Tuấn Anh, lứa HAGL

Chẳng ai có thể nghi ngờ hay phủ nhận tài năng của Tuấn Anh, Công Phương, và một số cầu thủ trẻ khác của HAGL. Các chàng trai này đã làm chấn động làng bóng đá khu vực với những chiến thắng cách biệt các đội bóng trẻ đến từ các quốc gia có nền bóng đá cao hơn hẳn Việt Nam. Công Phượng và đồng đội là ánh sáng hy vọng để Bóng đá Việt Nam có thể bước ra kỷ nguyên bóng tối.

Lứa Công Phượng được kỳ vọng mang lại tương lai tươi sáng cho Bóng đá Việt Nam. Ảnh: Đình Viên.

Chúng ta phải công nhận một điều này: Cách đây 2, 3 năm U19 Việt Nam (với nòng cốt là học viện Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG) có trình độ ngang ngửa Thái Lan  và vượt trội so với phần còn lại của Đông Nam Á. Thậm chí với những nền bóng đá phát triển hơn nhưng có lối chơi khác, thì chúng ta vẫn có thể thắng dễ họ như từng thắng Úc đến 5-0. Ngang Thái Lan và có thể gần hơn với trình độ của Nhât Bản (tất nhiên ở lứa học viện).

Vậy ở thời điểm đấy, U19 này là hy vọng thực sự của bóng đá Việt Nam. Công lớn của bầu Đức với bóng đá Việt Nam nằm ở đây. Không phải liên đoàn bóng đá, không phải một câu lạc bộ nào khác, mà HAGL mới là nơi ấp ủ và khai sinh niềm hy vọng ấy. Một thời gian dài sau những ngôi sao thần tượng Văn Quyến, Quốc Vượng,.., chúng ta lại mới có một thần tượng mới đúng nghĩa Công Phượng, Tuấn Anh,… Ông Đức có quyền tự hào và xứng đáng nhận được sự ngưỡng mộ kỳ vọng của người hâm mộ.

Giấc mộng huy hoàng và sai lầm của bầu Đức

Sau khi tỏa sáng rực rỡ ở những năm cuối tuổi bóng đá học viện, những đứa trẻ của bầu Đức cuối cùng cũng phải hạ sơn. Cũng có thông tin về những lời đề nghị từ Nhật Bản cũng như vài nền bóng đá cao hơn Việt Nam. Tôi tin điều này là có thực vì những kết quả của Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG là thuyết phục. Vậy tính toán của ông Đức thời điểm này thế nào:

Ông Đức muốn giữ nguyên đàn con ấy thành một đội bóng trẻ trung, tập hợp dưới một lá cờ thương hiệu HAGL. Và theo ông suy nghĩ, đội ngũ ấy sẽ tung hoành ở cái giải V-League tàng tàng một cách nhẹ nhàng. Nếu đẹp thì HAGL sẽ vô địch V-League, hoặc sơ sảy, hoặc do bỡ ngỡ thì cũng top 4 gì đó. Thế cũng đủ rồi, cả nước Việt Nam sẽ nhìn về HAGL với các chàng trai trẻ chả khác gì họ ngưỡng mộ đội quỷ đỏ MU ở bên trời Anh quốc.

Để dàn cầu thủ trẻ của Học viện HAGL - Arsenal JMG lên đá V-League quá sớm là quyết định sai lầm của Bầu Đức? Ảnh: Đình Viên.

Khi đã vô địch V-League (hoặc tốp 4, nhưng vô địch về sự hâm mộ), nghiễm nhiên gần cả đội hình HAGL sẽ trở thành tuyển thủ Việt Nam thi đấu tại Seagame. Rồi với những khả năng xuất chúng ấy, chức SEA Games cũng không có gì là quá khó khăn cả. Việt Nam – Hoàng Anh GL – Vô địch SEA Games: đó thực sự  là viễn cảnh huy hoàng. Khi đó chức vô địch ao làng được thỏa mãn mà thương hiệu HAGL cũng bay cao. Thực là “Ích nước – Lợi nhà”.

Với những toan tính ấy, ông Đức đã để những đứa trẻ tài năng của mình hạ sơn mà không có một sự chuẩn bị chu đáo nào. HLV Guillaume Graechen là một ông giáo giỏi và tâm huyết. Nhưng ông chưa có kinh nghiệm với một giải vô địch dài hơi trong khi cộng sự giúp việc bên cạnh lại mỏng. Quan trọng là bầu Đức cho rằng, chỉ cần thế thôi, là có thể ở đỉnh V-league được rồi.

Nhưng trên thực tế

Thực sự phải nói rằng bóng đá thực chiến khắc nghiệt với miếng cơm manh áo khác hẳn bóng đá tập luyện trong môi trường học viện. Ở ngoài đó, người ta đá rát hơn, người ta đuổi nhanh hơn thì anh không còn dẫn bóng một cách dễ dàng nữa. Người ta nhẩy cao hơn nên cũng với mức ấy anh không thể tâng bóng vượt qua đầu một cách đẹp mắt nữa,…

Thế phải có quá trình thích nghi. HAGL đã không có một lộ trình thích nghi và phát triển đặc biệt quan trọng đó. Từ độ tuổi 18-20 tuổi là những năm tháng để quyết định xem anh mãi mãi là tài năng trẻ hay chững chạc bước vào cuộc đời cầu thủ chuyên nghiệp.

Môi trường khắc nghiệt như V-League không phù hợp với các cầu thủ trẻ của HAGL. Ảnh: Đình Viên.

Những vòng đấu đầu, tôi cũng đã rất háo hức và cố gắng xem các trận có HAGL đá. Nhưng cực kỳ hiếm hoi tôi được xem một pha qua người, hay kiến tạo đẹp của Công Phương. Anh thường bị chú ý đến mức chỉ dẫn bóng ngang qua mặt sân được thôi. Nhưng cũng đáng khen là các cầu thủ HAGL không bị hư hỏng hóa bởi môi trường V-league đầy phức tạp. Tôi vẫn thấy họ ngoan, nỗ lực hết mình,.. như thế cũng còn hy vọng để phát triển.

Thế rồi HAGL cứ toàn thua. Cho đến khi người ta giật mình nhận ra nguy cơ xuống hạng đối với các chàng trai dễ mến của chúng ta là có thật. Ông Đức tuyên bố : “Đá đẹp, chấp nhận xuống hạng, khi xuống hạng thì khán giả có khi xem hạng Nhất nhiều hơn xem V-league.” Tôi rất hâm mộ suy nghĩ đó của ông.

Nhưng càng đến vòng đấu cuối, thì những suy tính thiệt hơn có lẽ được đặt lên bàn cân. Xuống hạng rồi cũng phải chiến đấu để lên hạng. Mà tình hình như thế liệu lên hạng có dễ không. Chả lẽ ở hạng dưới mấy năm liền. Mà ở hạng dưới rồi, cầu thủ không được vào đội tuyển quốc gia, thương hiệu đi xuống trầm trọng. Thực sự là một thiệt hại không nhỏ, khó đong đếm được. Có lẽ với những suy nghĩ lý tính ấy, mà HAGL vụt trở lại, đả bại toàn những ông kẹ Hà Nội T&T (thắng ngược 3-2), thắng SLNA (3-1), thắng Bình Dương. Thật đúng là bóng đá Việt Nam,…

Theo tôi những người thiệt thòi lại chính là những cầu thủ trẻ HAGL. Thực sự môi trường V-League không phải là môi trường tốt để cầu thủ trẻ phát triển đúng với khả năng của họ. Năm tháng qua kể từ khi hạ sơn, họ chẳng phát triển được gì cả: tư duy và kỹ năng vẫn thế. Thật đáng tiếc. Nếu họ được tạo điều kiện tham gia những giải đấu cao hơn, nghiêm túc hơn,.. Tôi có cảm giác các cầu thủ lên tuyển được rèn luyện một thời gian đá hay lên, sau khi trở lại V-League lại thụt lùi đi, không hiểu đúng vì lý do gì.

Nhìn sang những cầu thủ cùng lứa của Thái Lan, có cảm giác họ đã bước chân vào đại học, còn các chàng trai của chúng ta còn mãi bối rối ngày chia tay mái trường cấp 3.

Bầu Đức – HAGL - Miura Toshiya

Ngày 8 tháng 5 năm 2014, Miura Toshiya trở thành huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam. Phải nói rằng Miura Toshiya đã đưa các đội tuyển Việt Nam vào đường ray sau một thời gian dài mất phương hướng và vô vọng. Trong một thời gian ngắn, ông đã đưa các đội tuyển đạt được những cột mốc đáng khích lệ.

Tại ASIAD 17 tại Hàn Quốc vào tháng 9 năm 2014, Miura dẫn dắt U23 Việt Nam lọt đến vòng 1/8 môn bóng đá nam. Hai tháng sau, ở AFF Cup 2014, ông đưa đội tuyển Việt Nam lọt đến vòng bán kết, tuy nhiên họ phải dừng bước trước Malaysia vì những sai lầm ở hàng thủ. Tháng 6 năm 2015, Miura lại dẫn dắt U23 Việt Nam tham dự môn bóng đá nam tại SEA Games 28 và giành huy chương Đồng

Những kết quả này không mang tính bột phát mà đạt được có tính hệ thống. Người hâm mộ vẫn hờ hững với các đội tuyển (trừ U19 lứa Công Phượng) đột nhiên nhận ra Việt Nam đang tiếp cận các mục tiêu châu lục.

Miura Toshiya, người đàn ông thư sinh với đôi môi mím chặt, ánh mắt kiên định trong cả trận đấu đối nghịch với một môi trường V- league bát nháo từ thượng tầng tới hạ tầng hiển nhiên là người mà bóng đá Việt Nam đang cần. Ở giai đoạn này.

HLV người Nhật Bản không tuyển quân theo tiêu chí thương hiệu, theo mối quan hệ lợi ích, theo cảm tính của số đông. Mà tuyển quân theo đúng cách nó vẫn vậy. Trình độ và phong độ. Và như vậy ông có gọi vào nhiều các cầu thủ HAGL đang bê bết ở cuối bảng không? Không! Theo logic, mâu thuẫn của Bầu Đức và HLV Miura Toshiya tất yếu xẩy ra, không khác được. Mẫu thuẫn này âm ỉ từ đầu năm 2015 đến giờ.

Bầu Đức nhiều lần bày tỏ sự không hài lòng với HLV Miura. Ảnh: Đình Viên.

Đến cuối mùa giải V-League, khi những nghi vấn về những trận thắng của HAGL dậy sóng, thì Bầu Đức tung một quả bom gây sốc khi tuyên bố “Sau hơn một năm dẫn dắt các đội tuyển quốc gia, tôi thấy ông Miura chẳng giúp bóng đá Việt Nam tiến bộ lên tí gì, thậm chí còn đi lùi. Chừng nào còn giữ HLV Miura, chừng đó bóng đá Việt Nam không thể ngóc đầu lên được, Tôi không có quyền sa thải HLV Miura, nhưng chắc chắn tôi sẽ bàn với thường trực Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) về điều này, trong cuộc họp gần nhất tới đây. Nếu cho ông Miura về vườn, tôi sẽ lo trọn gói đội tuyển quốc gia, cho đến khi nào chúng ta thắng được Thái Lan, vô địch Đông Nam Á thì thôi. Thua ai chứ thua Thái Lan nhục lắm.”

Ông Đức là nhà kinh doanh mang tầm vóc quốc tế, hẳn nhiên ông không đến nỗi mang trong mình thiên kiến dân tộc hẹp hòi kiểu “Thua ai chứ thua Thái Lan nhục lắm.” Nếu ông nghĩ thế thật thì cực kỳ sai lầm, nền bóng đá thủng lỗ chỗ của chúng ta đầu tiên nên chú trọng xây nền  xây móng, chứ tức tối thua Thái Lan làm gì. May mà bóng đá Đông Nam Á còn Thái Lan đấy, chứ không lại Việt Nam lại chỉ suốt ngày loay hoay kèn cựa đá với mấy đội Indo, Malaysia, Singapore,.. chả thấy anh nào phát triển cả.

Bản thân đội DreamTeam của ông Đức ngày xưa cũng toàn các cầu thủ Thái nòng cốt. Cái đấy có đáng nhục không?Trong khi anh Thonglao với mức lương ngất ngưởng ở đội ông thì đá lừng khừng, còn khi về đội tuyển Thái thì căng mình ra đá, có đáng nhục hơn không,…

Tôi không hiểu câu tuyên bố của Bầu Đức có chủ đích hay không, nhưng ngay lập tức những ồn ào về chặng nước rút trụ hạng của HAGL đã giảm nhiệt rất nhanh. Mà mức độ nhạy cảm về thắng thua, nhục vinh với Thái bộc phát dữ dội trong lòng người hâm mộ “yêu nước”. Toshiya Miura trở thành sự chú ý và định hướng dư luận đầy ngoạn mục.

Kết luận

Phải thực sự nhìn thẳng nhìn thật với nhau,về mặt chuyên môn, giải U21 Quốc tế là một giải không mang lại một điều gì cả. Nó được tạo ra để thỏa mãn thói hư danh, vuốt ve tâm lý hời hợt của đám đông. Thỏa mãn đám đông với một chức vô địch vô thưởng vô phạt này thành ra lại mà một mối nguy hiện hữu trong việc định hướng lại kế hoạch bóng đá Việt Nam.

BLĐ HAGL cùng các cầu thủ cần giữ sự tỉnh táo để hướng tới những mục tiêu cao hơn. Ảnh: Đình Viên.

Trước khi giải đấu tổ chức, ông Đức đã tuyên bố thắng Thái mới sướng. Giờ thì ông sướng thật, thắng sạch bách các đội trong khu vực, sau đó thắng Hàn Quốc đến từ nền bóng đá đẳng cấp thế giới. Thế này thì binh đoàn HAGL ngẩng cao đầu, dưới chân là tất cả các nền bóng đá từ Lào, Campuchia tới Thái Lan. Và họ quật ngã các ông lớn châu lục âu cũng là rất bình thường. Ông Đức rạng rỡ  trong niềm vui đại công. Ông hỏi Miura Toshiya ở đâu trong trận chung kết, ông nói mỉa, quân ông có lên tuyển rồi cũng phải về thôi,….

Chả có một đầu óc nghiêm túc và tỉnh táo nào đồng ý như thế. Nếu là U19 HAGL cách đây 2 năm cũng hoàn toàn có thể lên ngôi vô địch ở giải này. Thắng một đội U19 học đường dù là ở Hàn Quốc cũng tung hô tưng bừng thì cũng đủ hiểu bóng đá Việt Nam mất phương hướng đến thế nào.

Hãy thôi ảo tưởng có thể ôm đồm nhiều mục tiêu, một bước lên trời. Bóng đá nước nhà cần sự hy sinh dài hơi hơn nhiều. Hãy thôi tổ chức những giải đấu tốn tiền của thế này mà chả thu được gì. Hãy mời những đội có năng lực mà không cần phải dán mác quốc gia Thái, quốc gia Hàn Quốc. Có thể mời đội chính thức hạng 2 Nhật, hạng 2 Pháp, hạng 2 Bỉ chẳng hạn. Thua hạng 2 Nhật có lẽ mất thể diện hơn với thắng quốc gia Hàn Quốc chăng?  Có như thế các cầu thủ của chúng ta mới có cơ hội cọ sát trong những trận cầu thực sự. Họ mới biết mình đang ở đâu, để có thể tự tin để có thể vững tâm bước tiếp.

(Bạn đọc: Phạm Minh Tuân)

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.

Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.

Trân trọng,

Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam

09:18 04/12/2015
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục