Nghệ thuật sắp đặt

14:07 Thứ ba 28/08/2012

48 giờ trước trận chung kết cúp Quốc gia, BTC giải và 2 đội bóng lọt vào chung kết vẫn ngồi bàn thời gian… đá trận chung kết. Một câu chuyện rất hài hước của giải đấu được xem là số 2 của bóng đá Việt Nam.

Thật ra ngay sau 2 trận bán kết, BTC cúp Quốc gia đã ấn định thời gian, địa điểm đá trận chung kết. Ngặt một nỗi, Sài Gòn Xuân Thành hay Hà Nội T&T đều phản ứng, đến độ BTC giải phải kéo 2 đội ngồi lại với nhau để “bóng bàn”. Thứ nhất, Sài Gòn Xuân Thành không muốn trận chung kết đúng nghĩa của họ phải đá vào ngày giữa tuần. Lý do rất đơn giản, đội bóng của bầu Thụy muốn biến sân Thống Nhất có phiên bản 2 như trận cầu ở V-League, khi họ tái ngộ với Hà Nội T&T. Thậm chí, Sài Gòn Xuân Thành còn dọa bỏ giải, một khi BTC giải cứ cương quyết giữ nguyên lịch đấu như vậy. Thứ hai, Hà Nội T&T chấp nhận đá theo lịch ấn định của BTC giải, nhưng họ phàn nàn vì thời gian bóng lăn.

Nói tóm lại, chuyện tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại bị xé ra to vì rất nhiều lý do tế nhị. Điều mà 2 đội bóng ấm ức nhất chính là việc BTC giải tùy nghi quyết định, trong khi những nhân vật chính thì bị bỏ mặc. Tất nhiên, sau khi “bóng bàn” với BTC giải, mọi việc đã được sắp đặt ổn thỏa. Lịch ấn định đúng ngày 29-8, còn thời gian bóng lăn được điều chỉnh xuống 17 giờ (điều chỉnh so với 16 giờ như lịch cũ).

Cái lý của SG.XT là muốn biến trận chung kết cúp Quốc gia với HN.T&T là phiên bản 2 của trận “chung kết” V-League hôm 19-8. Ảnh: Dũng Phương

Việc sắp đặt hoàn hảo đã cứu thua cho nhà tổ chức bàn thua trông thấy. Bởi nếu Sài Gòn Xuân Thành hay Hà Nội T&T vẫn cương quyết theo lý lẽ của mình, mọi thứ có thể đảo ngược. Kế hoạch tập trung của tuyển Việt Nam xáo trộn, thậm chí ngay cả kế hoạch tổng kết mùa bóng của nhà tổ chức cũng có thể đảo lộn. Đấy là chuyện thoạt nghe tưởng chừng vô cùng đơn giản, nhưng lại là vấn đề cười ra nước mắt.

o0o

Người ta có thể đổ lỗi: tại… đội tuyển Việt Nam nên cúp Quốc gia mới lâm cảnh lận đận như thế. Bởi lẽ, nếu thầy trò Phan Thanh Hùng không vướng chuyến du đấu tại Trung Quốc, Hongkong, bây giờ cúp nhựa đã an bài. Tất cả xuất phát từ thời vụ của đội tuyển Việt Nam, gây ra hệ lụy đối với cúp Quốc gia.

Vấn đề ở chỗ, tại sao tất cả dễ chấp nhận như thế? Đối với một giải đấu, chuyện xê dịch thời gian không phải chuyện quá lạ lùng. Đôi lúc là sự cố bất khả kháng, buộc nhà tổ chức phải “linh động”. Nhưng chuyện đối với đội tuyển Việt Nam, kế hoạch lẽ ra phải lên trước cả năm, đóng khung vào lịch trình, chỉ cần tìm xong đối thủ cọ xát là chốt hạ. Thế mà tất cả phải xoay chóng mặt, đến mức giải đấu số 2 của bóng đá Việt Nam phải xoay chiều, chạy theo những trận đấu không nhiều giá trị của đội tuyển.

Ở Việt Nam, có thời ông cựu Trưởng giải được AFC ngả mũ bái phục, coi đó là chuyên gia số 1 về tổ chức thi đấu, đặc biệt là cách sắp xếp lịch thi đấu. Nhưng bây giờ, sự thán phục ấy đã không còn và tư duy “ăn xổi” ngày càng hiển hiện, dù đó là đội tuyển hay là giải đấu số 2 của bóng đá Việt Nam.

Có một điều tế nhị: ông Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng vừa đăng đàn tuyên bố, V-League phải “hạ giá”. Phát biểu ấy mang nhiều hàm ý, nhất là thời cuộc hiện tại. Nhưng với cúp Quốc gia, giá trị của chiếc cúp nhựa có lẽ cũng chẳng bao giờ cao để có cơ hội mà… hạ giá. Vì lẽ đó, một khi cái cúp nhựa ấy không được chăm chút, quẳng đi quẳng lại theo những toan tính rất thời vụ thì tương lai của giải đấu số 2 ấy sẽ ra sao trong thời bong bóng như lúc này?

Gia Huy | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục