Nghề tay trái của VĐV - Kỳ 6: Ông chủ phòng gym

09:35 Thứ tư 19/02/2014

Bận rộn là ấn tượng đầu tiên mà chúng tôi gặp ở lực sĩ thể hình Phạm Văn Mách trong những ngày đầu năm Giáp Ngọ. Bởi bên cạnh sự nghiệp thể hình, anh còn điều hành các phòng tập thể thao của mình cũng như tham dự các sô ca nhạc giải trí.

Phạm Văn Mách (phải) đang hướng dẫn học viên - Ảnh: Khả Hòa

Lập nghiệp từ 2 bàn tay trắng

Trải qua không ít thăng trầm trong cuộc sống từ những ngày đầu lên TP.HCM lập nghiệp với 2 bàn tay trắng hồi năm 1997, đến nay lực sĩ Phạm Văn Mách hoàn toàn yên tâm với công việc bên ngoài sàn đấu của mình. Anh hiện đang sở hữu 2 phòng tập thể thao, thể hình rất khang trang và được đầu tư rất nhiều tiền của, một được đặt ở Trung tâm thể thao Tao Đàn, Q.1 và một chi nhánh ở thành phố Bình Dương.

Mách nói: “Trước đây, khoảng từ năm 2000 tôi cùng một người bạn hùn vốn mở phòng tập tạ. Lý do trước hết là để mình có nơi rèn luyện, kế đến là mở cửa thu hút các học viên tham gia để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Vốn liếng ít nên phòng tập cũng chuyển qua chuyển lại nhiều nơi. Nhưng do chúng tôi đầu tư giáo án với các bài tập phong phú nên dù đi đâu thì vẫn thu hút khá đông học viên tham gia tập luyện. Nhờ đó, tôi dần tích lũy được một số vốn kha khá, rồi nâng dần chất lượng phòng tập lên”.

Cũng theo Mách: “Tôi đã ấp ủ ý tưởng kinh doanh phòng tập thể thao từ lâu. Nhưng cũng phải đến vài năm gần đây thì tôi mới chính thức chuyên tâm bước vào kinh doanh phòng tập một cách cơ bản nhất. Tôi chịu không ít áp lực vì yếu tố cạnh tranh rất lớn. Vì vậy, tôi quan niệm rằng để đứng được trước hết mình phải khẳng định được chất lượng và làm hài lòng các học viên đến với phòng tập của mình. Tôi chỉ tuyển các HLV có chất lượng để hướng dẫn học viên tập luyện. Vì vậy đến nay thương hiệu Mách’s gym ít nhiều cũng có chỗ đứng trên thị trường các phòng tập thể thao ở TP.HCM”.

Ngoài 2 phòng tập trên, Mách còn đầu tư một phòng tập yoga ở Bình Dương với các HLV đến từ Ấn Độ. Do đầu tư lớn, với gần cả chục tỉ đồng nên lực sĩ Phạm Văn Mách đã dành phần lớn thời gian chăm lo cho các phòng tập của mình, dù bên cạnh anh luôn có một đội ngũ nhân viên gần 20 người cùng tham gia điều hành.

Thể hình là nghiệp, ca hát là đam mê

Mách nói: “Đối với tôi, thể hình là cái nghiệp gắn bó cả cuộc đời. Tôi đã sống nhờ nó thì không bao giờ có chuyện từ bỏ”. Được biết, sau SEA Games 27 ở Myanmar, có tin đồn Mách sẽ bỏ thể hình vì chỉ đoạt HCĐ do bị nước chủ nhà chơi xấu. Tuy nhiên, anh khẳng định mình vẫn chú tâm tiếp tục sự nghiệp thi đấu thể hình và vẫn đang chuẩn bị tích cực cho giải vô địch thế giới vào năm sau.

Mách cho biết: “Đúng là công việc khiến tôi rất bận rộn, nhưng tôi vẫn có đủ thời gian để tập luyện. Tôi chỉ tham gia điều hành vòng ngoài ở các phòng tập, còn lại phần chính đều do các nhân viên giải quyết hết, từ kế hoạch kinh doanh đến thu chi… Tôi chỉ tham gia tư vấn khi cần thiết. Còn lại, tôi cũng tham dự các hoạt động ca nhạc, giải trí… Đây là niềm đam mê của tôi. Và niềm đam mê này cũng đang giúp tôi kiếm được không ít chi phí để trang trải thêm trong cuộc sống của mình. Vì vậy, giữa sự nghiệp và đam mê, tôi luôn tìm một sự cân bằng để tránh không nghiêng về một bên nào hết”.

Mách nói thêm: “Cũng nhờ xuất thân khó khăn, nên tôi ít khi phung phí tiền bạc và dành dụm để đầu tư kinh doanh. Nhờ đó, đến nay tôi có một hậu phương vững chắc cũng như không phải lo lắng nhiều đến chuyện khi giải nghệ sẽ làm gì và sống ra sao. Sự nghiệp của mỗi VĐV rồi cũng sẽ đến lúc dừng lại. Vinh quang rồi cũng qua đi. Khi đó, nếu không chuẩn bị trước cho mình một nền tảng thì sau khi chia tay sự nghiệp, chắc chắn sẽ bị hụt hẫng”.
Giang Lao | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục