Nghề tay trái của VĐV - Kỳ 17: Cầu thủ làm lúa

09:29 Thứ hai 10/03/2014

Sau hơn 4 năm khoác áo đội bóng phố núi, nhờ chi tiêu tằn tiện, tiền vệ Nguyễn Quý Sửu đã tích cóp được chút vốn liếng, quay về quê tậu 3 ha ruộng lúa nước và chịu khó làm lúa để có thêm thu nhập.

Quý Sửu (phải) “cày” trên sân và năng làm ruộng - Ảnh: Khả Hòa

“Hai lúa” thị xã Hồng Ngự

Quý Sửu cho biết: “Trước khi mua đất trồng lúa, tôi cũng đã suy nghĩ đắn đo tìm nhiều kênh khác để đầu tư. Nhưng thương trường như chiến trường, sợ không chắc ăn tôi quyết định về quê mua đất trồng lúa. Trồng lúa là đầu tư bền vững, lỡ có mất mùa sẽ được nhà nước trợ cấp. Con người ngày càng sinh sôi nảy nở đông lên nhưng đất thì không thể đẻ thêm được. Mặt khác, từ nhỏ tôi đã thường xuyên làm ruộng nên kiến thức về lĩnh vực này không thiếu”.

Với triết lý “trăm hay không bằng tay quen”, 2 năm trước, tranh thủ dịp CLB Hoàng Anh Gia Lai nghỉ giữa hai giai đoạn, Sửu về quê mua 1 ha (tương đương 10 công) với giá gần 1 tỉ đồng để làm thử. Sau vụ thu hoạch đầu tiên, hạch toán thu chi thấy có lãi chút đỉnh, năm sau Sửu mua thêm 2 ha nữa.

Biết cầu thủ con cưng xã An Bình (thị xã Hồng Ngự) làm lúa, một lão nông tri điền vốn mê bóng đá đã bớt cho cầu thủ này khá khá, khi anh mua thêm 2 ha. Vị chi hiện nay vựa lúa của Sửu có tổng diện tích 3 ha, giá mua ban đầu trên 2,5 tỉ đồng, nhưng đã có người định giá cao hơn nhiều.

Cầu thủ này cho biết: “Chỉ tính riêng tiền đất ruộng, nếu mua đi bán lại, trong vòng 2 năm đã kiếm được nửa tỉ đồng. Con số này đối với một số người dân phố xá thì chẳng thấm vào đâu, nhưng đối với người nông dân xứ lúa quê tôi, đó là con số khổng lồ”.

Theo tính toán, nếu được mùa, mỗi vụ sẽ thu được 7 tấn thóc/ha, 3 ha sẽ mang về 21 tấn. Với giá cả hiện nay (4,2 triệu đồng/tấn), sau khi trừ chi phí, tiền lãi thu được khoảng 60 đến 70 triệu đồng. Mỗi năm làm 2 vụ, tổng tiền lãi khoảng 130 triệu đồng... Số tiền thu về tuy không nhiều nhưng đó chính là tiền tươi, thóc thật đúng nghĩa.

Khi được hỏi, lỡ mất mùa trắng thì sao? Sửu nói chắc như một nông dân thứ thiệt: “Cũng có thể có trường hợp này xảy ra, nhưng rất ít khi. Ruộng của tôi không nhiễm phèn, không nhiễm mặn, đê bao vững chãi. Mùa nước nổi, thi thoảng nước mới tràn vào đồng. Sắp tới gia đình tôi đang nghiên cứu làm 3 vụ trong năm”.

Không chỉ sở hữu trong tay vựa lúa ở xứ lúa, để tăng độ an toàn về khoản thu nhập cho gia đình, Sửu còn mua thêm vài nền đất ở tại quê nhà, với diện tích vài trăm mét vuông. Mặc dù bất động sản đang gặp khó, nhưng nếu bán đi cũng thu lại khoản tiền kha khá cho cầu thủ này.

“Trâu” thì phải cày ruộng

Ở tuổi 28, đã có lúc anh được so sánh với đàn anh Võ Hoàng Bửu thi đấu ở vị trí tiền vệ phòng ngự. Nhưng do chịu nhiều chấn thương nên xem ra phong độ của tiền vệ trụ này có phần chững lại. Tuy nhiên, nhờ đức tính cần cù, xông xáo, có kỹ thuật... nên anh vẫn được HLV Choi Yoon Gyum tin dùng ở vị trí tiền vệ trụ cùng với Sakda, Nguyễn Hoàng Helio...

Quý Sửu đùa vui: “Sửu là trâu, trâu thì phải cày ruộng, có ruộng mà cày đã là phúc lắm rồi. Bây giờ dù gì chăng nữa tôi chẳng bao giờ bị thất nghiệp cả...”.

Do thời gian phần lớn ở tại CLB HAGL, nên công việc ruộng đồng của Sửu phải nhờ người anh rể chăm giùm. Hầu như tuần nào anh cũng điện thoại về quê hỏi thăm chuyện lúa má, động viên, đôn đốc người nhà làm giúp. Mỗi khi vào mùa gieo sạ hoặc thu hoạch, tần suất chỉ đạo qua điện thoại của Sửu dày đặc hơn, hằng ngày thậm chí từng buổi. Những lúc được nghỉ phép, lập tức cầu thủ này phóng về quê, suốt ngày đắm mình vào 3 ha lúa.

Có câu “mất mùa lúa, được mùa ngô”..., bản thân Quý Sửu hiện nay cùng lúc canh tác trên 3 lĩnh vực: đá bóng, làm ruộng và bất động sản.
Minh Vỹ | 00:00 30/11/-0001
Chia sẻ
Loading...

Bài viết mới Bài cùng chuyên mục